'Dở khóc, dở cười' thu hồi nợ thuế ở Hải quan Quảng Ninh

Thực tế khi cán bộ Hải quan đến liên hệ làm việc với DN nợ thuế đã xảy ra không ít chuyện “dở khóc, dở cười” như địa chỉ DN không tồn tại, chủ DN trốn tránh hay không hợp tác với cơ quan Hải quan...

Doanh nghiệp nợ thuế cố tình trây ỳ, bỏ trốn, mất tích. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả. Ảnh: Quang Hùng.

Để hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ thuế, thời gian vừa qua, song song với việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, Hải quan Quảng Ninh đã tích cực thành lập các đoàn công tác đến tận trụ sở DN làm việc, đề nghị DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, có nhiều đoàn công tác do Hải quan Quảng Ninh thực hiện độc lập và nhiều đoàn công tác đơn vị đã chủ động phối hợp với Công an sở tại. Tuy nhiên, thực tế khi cơ quan Hải quan đến liên hệ làm việc với DN đã xảy ra không ít chuyện “dở khóc, dở cười”.

Nhớ lại lần tham gia đoàn công tác thu hồi nợ thuế, ông Nguyễn Huy Đông, Trưởng phòng Thuế XNK, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết: Lần đó, chúng tôi đến một DN (có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Lần theo địa chỉ DN đăng ký kinh doanh, đoàn công tác tìm đến để liên hệ làm việc lần thứ nhất. Căn nhà trên địa chỉ không biển tên doanh nghiệp. Bấm chuông, gọi cửa hồi lâu, xuất hiện một phụ nữ trung niên mở cửa. Khi nghe Đoàn thông báo về việc tìm giám đốc DN, người phụ nữ cho biết người mà đoàn cần tìm đang đi khám chữa bệnh ở Bắc Ninh. Thấy thái độ người phụ nữ không bình thường, nói năng ấp úng, có nhiều điều khả nghi, đoàn công tác quyết định liên hệ để phối hợp với lực lượng Công an khu vực đến làm việc lần thứ hai. Đúng như dự đoán, khi thấy đoàn công tác đi cùng lực lượng Công an sở tại, người phụ nữ lần trước luống cuống và khai nhận chính mình là vị giám đốc DN. Tuy nhiên, khi đoàn công tác đặt vấn đề làm việc, vị giám đốc này cho biết, DN không có khả năng trả nợ vì tất cả tài sản có giá trị đều được thế chấp vay nợ từ cá nhân đến các tổ chức tín dụng và hứa sẽ trả nợ thuế khi có điều kiện!

Đấy chỉ là một trong những tình huống khó khăn mà đoàn thu hồi nợ đọng thuế của Hải quan Quảng Ninh gặp phải. Dù sao, trong trường hợp trên đoàn còn có kết quả là gặp được giám đốc DN và nhận được lời hứa. Còn nhiều trường hợp khác, dù tới 5 lần, bảy lượt mà không tài nào gặp được DN dù điện thoại thì hẹn chắc chắn.

So với chỉ tiêu thu hồi nợ đọng mà Tổng cục Hải quan giao (4,3 tỷ đồng), đến nay Hải quan Quảng Ninh thu hồi 3,79 tỷ đồng nợ thuế (đạt 88,1%). Mặc dù đã làm nhiều cách, nhưng Hải quan Quảng Ninh cũng thừa nhận để đạt được chỉ tiêu do Tổng cục Hải quan giao là rất khó khăn. Bởi, DN nợ thuế chủ yếu là các DN kinh doanh thua lỗ không có khả năng trả nợ, không có tài sản hoặc tài sản đã đem thế chấp ngân hàng, giải thể, sáp nhập. Các DN này hầu hết là những DN tư nhân, dù không còn khả năng trả nợ nhưng không nằm trong đối tượng được xóa nợ. Bên cạnh đó, một số DN Nhà nước đã giải thể, sáp nhập, cổ phần hóa thuộc diện được xem xét xóa nợ thuế theo quy định tại Thông tư 179/2013/TT-BTC ngày 2-12-2013 nhưng không có đủ hồ sơ theo quy định do các DN không còn tồn tại, đã nợ thuế trên 10 năm, rất khó thu thập đầy đủ hồ sơ, đặc biệt là quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giải thể, sáp nhập, cổ phần hóa.

Năm 2016, Hải quan Quảng Ninh quản lý trên 112,2 tỷ đồng nợ thuế; trong đó, có tới trên 110,6 tỷ đồng nợ khó thu; nợ có khả năng trả chỉ là hơn 699,1 triệu đồng và nợ quá hạn chờ xóa, xét miễn, giảm, được giãn, khoanh, gia hạn cũng chỉ trên 940,6 triệu đồng. Nhóm nợ khó thu bao gồm: Nợ của người nộp thuế đã có quyết định giải thể của cấp có thẩm quyền; nợ của người nộp thuế đã và đang bị điều tra, khởi tố; nợ của người nộp thuế “bỏ trốn”, “mất tích” không kinh doanh tại địa chỉ đăng ký, ngừng và tạm dừng hoạt động kinh doanh.

Phân tích số nợ thuế tại đơn vị, ông Nguyễn Huy Đông cho biết: Số nợ thuế ở Hải quan Quảng Ninh phát sinh trong gần 20 năm trở lại đây, tức là từ các năm 1997, 1998. Hàng năm, đơn vị đều dùng nhiều biện pháp “mạnh” thu hồi nợ đọng và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định… Trong số các biện pháp cưỡng chế, tại Hải quan Quảng Ninh chỉ thực hiện được 4 biện pháp gồm: Trích tiền gửi nộp ngân sách Nhà nước; dừng làm thủ tuc hải quan; đề nghị cơ quan Thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh. Các biện pháp cưỡng chế còn lại rất khó khả thi gồm: Khấu trừ lương (đánh vào lương của người công nhân); thu từ tài sản của DN nợ đang bị một đơn vị khác nắm giữ. Nguyên nhân là do phần lớn các DN trốn tránh, không hợp tác với cơ quan Hải quan, không có khả năng thu hồi; không còn hoạt động sản xuất kinh doanh…

Quản lý số tiền nợ thuế quá hạn của nhiều DN qua nhiều năm (chủ yếu là DN trây ỳ, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh), ở Cục Hải quan Quảng Ninh công tác thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao . Vì vậy, theo Hải quan Quảng Ninh, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu ban hành quy định xử lý mang tính răn đe cao hơn đối với các chủ DN nợ thuế cố tình trây ỳ, bỏ trốn, mất tích.

Quang Hùng

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/do-khoc-do-cuoi-thu-hoi-no-thue-o-hai-quan-quang-ninh.aspx