Dở dang ở 7 dự án, An Gia (AGG) có hơn 2.000 tỷ đồng tồn kho bất động sản

Tính đến cuối năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (An Gia, mã ck: AGG) có 2.014 tỷ đồng hàng tồn kho bất động sản, trong đó chủ yếu tập trung ở các dự án như: West Gate 1.379 tỷ đồng, The Standard 304 tỷ đồng, Singial 234 tỷ đồng…

Tại dự án West Gate Bình Chánh, hàng tồn kho bất động sản của An Gia lên đến 1.379 tỷ đồng. Ảnh tư liệu

Loạt chủ nợ đè nặng An Gia

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của An Gia cho thấy, doanh thu cả năm đạt khoảng 3.800 tỷ đồng và lãi ròng 135 tỷ đồng, lần lượt vượt 27% kế hoạch doanh thu và vượt 35% kế hoạch lợi nhuận. Đến cuối năm 2023, AGG có tổng tài sản đạt 9.293 tỷ đồng, giảm 1805 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Đối chiếu với kết quả kinh doanh 9 tháng được công bố trước đó, ước tính trong quý IV/2023, An Gia đạt 86 tỷ đồng doanh thu và 300 triệu đồng lãi ròng, đều giảm sâu so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 31/12/2023, AGG có 2.014 tỷ đồng hàng tồn kho bất động sản (giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm). Số lượng hàng tồn kho chủ yếu tập trung ở 7 dự án dở dang gồm: The Sóng, West Gate, The Standard, Singial, Sky 89, River Paronama 1, River Paronama.

Kết thúc năm 2023, An Gia có vốn chủ sở hữu là 2.876 tỷ đồng (tăng 151 tỷ đồng so với đầu năm), nợ phải trả 6.417 tỷ đồng (giảm 1.910 tỷ đồng so với đầu năm)

Trong đó, đáng chú ý, An Gia phải trả cho người bán hàng ngắn hạn 477 tỷ đồng (giảm 385 tỷ đồng so với đầu năm 2023). Cụ thể, AGG phải trả cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons 320 tỷ đồng, Công ty TNHH Quản lý và đầu tư Hiền Đức 53 tỷ đồng, Công ty cổ phần Gỗ An Cường 33 tỷ đồng, các bên liên quan khác (gồm Công ty Gia Linh và Nhà An Gia) tổng cộng 74 tỷ đồng….

An Gia có 250 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn ngân hàng. Tổng số tiền vay gồm Ngân hàng The Sanghai Commercial & Savings Banks, Ltd – Chi nhánh Đồng Nai 205 tỷ đồng, thời gian trả nợ vào 2/3/2024; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 44 tỷ đồng, thời gian trả nợ từ ngày 26/1/2024 – 25/6/2024.

Đối với các khoản vay trái phiếu, An Gia có nợ 314 tỷ đồng. Khoản vay thông qua Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh được phát hành 15/12/2022, thời hạn vay 24 tháng, số tiền vay 297 tỷ đồng.

Ở khoản vay dài hạn, AGG nợ 146 tỷ đồng. Đáng kể nhất là khoản vay từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong 145 tỷ đồng, hạn phải trả từ ngày 26/12/2024 đến ngày 11/12/2026.

Ngoài ra, AGG còn vay 562 tỷ đồng từ Hatra Pte. Ltd. Đây là khoản vay tài trợ vốn lưu động cho An Gia, thời hạn trả nợ gốc vào 27/6/2025.

Song song đó, An Gia còn có khoản vay thông qua Công ty cổ phần chứng khoán Mirae Asset được phát hành ngày 6/4/2022, thời hạn vay 24 tháng, số tiền vay 17 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch cuối năm 2023 (ngày 29/12/2023) AGG ở mức giá 26.500 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, đến ngày 14/3, AGG ở mức giá 22.250 đồng/cổ phiếu, giảm 16%. Ảnh tư liệu

Bất ngờ với thu nhập của Chủ tịch HĐQT An Gia

Báo cáo tài chính của An Gia quý IV/2023 cũng hé lộ số tiền nhận được của các thành viên chủ chốt. Thế nhưng, mức thù lao và thu nhập của 7 lãnh đạo được AGG trả tiền cũng gây ra những bất ngờ.

Cụ thể, tuy là Chủ tịch HĐQT AGG nhưng cả năm 2023, ông Nguyễn Bá Sáng chỉ nhận được 533 triệu đồng, tương đương với khoảng 44 triệu đồng/tháng, bằng 1/4 so với năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong số 7 lãnh đạo được AGG chi trả tiền.

Hơn nữa, thu nhập và thù lao cao nhất 2023 thuộc về bà Huỳnh Thị Kim Ánh – Tổng giám đốc An Gia, với số tiền 1,2 tỷ đồng.

Bà Ánh được bổ nhiệm ở vị trí CEO AGG vào ngày 22/5/2023. Đến ngày 28/12/2023, bà Ánh được cho thôi chức vụ không rõ lý do. Nếu chỉ tính thời gian bà Ánh làm CEO AGG thì thu nhập của bà là 174 triệu đồng/tháng, gấp khoảng 4 lần so với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Sáng.

Ở vị trí có “nguồn tiền” cao thứ 2 là ông Nguyễn Thành Châu – Kế toán trưởng AGG với 1,05 tỷ đồng, tuy có giảm khoảng 200 triệu đồng so với 2022 nhưng tổng thu nhập của ông Châu cũng gấp đôi so với Chủ tịch AGG Nguyễn Bá Sáng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Mai Giang – Phó Tổng giám đốc AGG, có thu nhập với mức 954 triệu đồng/năm, giảm hơn 600 triệu đồng so với năm 2022.

3 thành viên HĐQT là ông Đỗ Xuân Hùng, ông Đào Thái Phúc và ông Vũ Quang Thịnh đều có thu nhập và thù lao năm 2023 hơn 533,3 triệu đồng, mặc dù có giảm hơn so với năm 2022 nhưng nhìn chung vẫn “nhỉnh” hơn so với thu nhập của Chủ tịch Nguyễn Bá Sáng.

Tính đến thời điểm lập báo cáo, HĐQT Bất động sản An Gia có 5 người, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Sáng, 2 thành viên là ông Masakazu Yamaguchi và ông Đào Thái Phúc, 2 thành viên HĐQT độc lập là Vũ Quang Thịnh và ông Đỗ Lê Hùng.

Ban điều hành dẫn đầu là Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Sơn. Ông Sơn được bổ nhiệm vào ngày 1/1/2024. Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Mai Giang là Phó tổng giám đốc và ông Nguyễn Thành Châu giữ chức vụ Kế toán trưởng.

Như vậy, nếu loại trừ ông Nguyễn Thanh Sơn vì được bổ nhiệm vào năm 2024 thì HĐQT và Ban điều hành của Bất động sản An Gia gồm có tất cả 8 người. Thế nhưng, ông Masakazu Yamaguchi lại không xuất hiện trong danh sách nhận thù lao và thu nhập tại Bất động sản An Gia trong năm 2023.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/do-dang-o-7-du-an-an-gia-agg-co-hon-2000-ty-dong-ton-kho-bat-dong-san-146777.html