DNNN xin hoán đổi văn phòng: 10 tỷ thành 100 tỷ...

Khi chuyển đổi đất sử dụng từ mục đích A sang mục đích B là khả năng lợi nhuận có thể được nâng lên từ 10 tới 100 lần.

Như vậy, nếu nhà nước không quản lý tốt thì nguy cơ bị thất thoát tới 90 lần là có thể xảy ra. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành trước thông tin Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) xin hoán đổi 486 m2 diện tích sàn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đang quản lý, sử dụng tại 25A Lý Thường Kiệt, Hà Nội sang 813m2 diện tích sàn của Vinapaco tại 39 Ngô Quyền, Hà Nội (là địa chỉ 25 Lý Thường Kiệt mặt đường Ngô Quyền).

Trụ sở Tổng công ty giấy Việt Nam

Vị chuyên gia này nói rõ, câu chuyện ở đây là vấn đề định giá mảnh đất đó thế nào? Theo ông Đực, vấn đề không phải là câu chuyện định giá miếng đất đó 10 tỷ hay 100 tỷ mà vấn đề là miếng đất đó sẽ được sử dụng thế nào? Sử dụng vào việc gì?

"Nếu diện tích đất nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý là để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở kinh doanh, nó chỉ có giá trị là 10 tỷ đồng. Nhưng khi doanh nghiệp hoán đổi mặt bằng và biến trụ sở kinh doanh thành trung tâm thương mại, xây nhà cao tầng thì giá trị mảnh đất đó sẽ không còn là 10 tỷ mà sẽ là 100 tỷ đồng. Như vậy, nếu quản lý không tốt, định giá không đúng nhà nước rất có thể sẽ bị thất thoát tới 90 tỷ", ông Đực nêu ví dụ.

Vì vậy, trong trường hợp này Hà Nội cũng như các cơ quan quản lý nhà nước phải cân nhắc. Trên nguyên thu thuế phải dựa trên giá trị mặt bằng gia tăng chứ không phải thu thuế dựa trên diện tích mảnh đất đó.

Từ những băn khoăn trên, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành kiến nghị, mọi hình thức hoán đổi, mua bán, chuyển nhượng đất vàng cần phải được tổ chức đấu thầu công khai.

Cũng cho rằng vấn đề nằm ở phương pháp định giá tài sản chứ không nằm ở khâu hoán đổi, ông Hoàng Văn Cường - ĐBQH Hà Nội phân tích:

Về nguyên tắc hai Vinapaco và Vinataba đều là những doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn. Tất cả tài sản của hai doanh nghiệp đó cũng là tài sản của nhà nước. Đứng trên phương diện này thì việc tính toán làm sao để sử dụng hiệu quả nhất tài sản nhà nước là cần thiết và không vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp việc hoán đổi mặt bằng của hai doanh nghiệp trên mà đem lại hiệu quả tốt hơn trong hoạt động kinh doanh, mang lại lợi ích cao hơn cho xã hội mà tài sản nhà nước vẫn giữ được nguyên giá trị thì không có lý do gì không hoán đổi.

Vì là hoạt động hoán đổi trên diễn ra trước khi thực hiện cổ phần hóa nên không có gì đáng lo ngại về câu chuyện thất thoát tài sản nhà nước trong trường hợp này. Về nguyên tắc, dù có hoán đổi đi đâu, dù đất đó có do Vinataba hay Vinapaco quản lý thì vốn sở hữu của nhà nước cũng không có gì thay đổi, tài sản vẫn là tài sản của nhà nước.

Vấn đề ông Cường quan tâm là sau khi thực hiện hoán đổi và các doanh nghiệp sẽ thực hiện tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, khi đó việc định giá tài sản sẽ thực hiện theo phương pháp nào?

Bởi theo vị ĐB đoàn Hà Nội, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước không nằm ở khâu hoán đổi mà nó nằm ở phương pháp định giá tài sản sau khi doanh nghiệp thực hiện hoán đổi mặt bằng và trong quá trình tiến hành cổ phần hóa.

Ông Cường cho biết, khi thực hiện động tác hoán đổi mặt bằng, tức là trụ sở doanh nghiệp được chuyển đổi về vị trí thuận lợi, trở thành một khuôn viên chung rộng lớn hơn thì mảnh đất đó cũng sẽ có giá trị hơn.

DNNN xin hoán đổi văn phòng: Sao nhanh nhẹn thế?

"Việc định giá sau khi hoán đổi và trong quá trình cổ phần hóa không thể thực hiện theo phương pháp định giá nguyên giá của từng đơn vị nữa. Hay nói cách khác không thể thực hiện việc định giá theo cách tính toán đơn thuần là 1+ 1 = 2".

"Vì khi đó, hai mảnh đất này cộng lại thành một, nó trở thành một khuôn viên chung thì giá trị của mảnh đất đó không phải là 2 tỷ mà nó có thể là 3 tỷ, thậm chí là cao hơn nữa", ông Cường phân tích.

Trên cơ sở đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng sau khi hai doanh nghiệp thực hiện hoán đổi văn phòng mà việc định giá vẫn dựa trên số liệu báo cáo theo phương pháp đơn thuần của từng doanh nghiệp cộng lại thì đó là phương pháp đánh giá không đúng với giá trị của tài sản và nguy cơ thất thoát là rất lớn.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bat-dong-san/dnnn-xin-hoan-doi-van-phong-10-ty-thanh-100-ty-3321439/