DN tàu, thuyền vật liệu PPC phản biện Cục Đăng kiểm Việt Nam

'Mục đích của tiêu chuẩn quy phạm là để thuận tiện cho người sản xuất, cho cơ quan quản lý, đăng kiểm dễ kiểm tra, giám sát chứ không phải là điều kiện bắt buộc phải có mới đăng kiểm được vì sản phẩm có trước, tiêu chuẩn quy phạm có sau', ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc cho hay.

Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc phản biện ý kiến của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Chưa có đầy đủ cứ liệu khoa học

Trong thông cáo báo chí phát đi mới đây, Cục ĐKVN thừa nhận vật liệu PPC có các ưu điểm như nhẹ, dễ sản xuất, không cần sơn chống ăn mòn, không hấp thụ nhiệt. Tuy nhiên, PPC cũng còn có nhiều hạn chế như dễ cháy, dễ biến dạng nhiệt, độ bền không cao, bị dão và đặc tính cơ học sẽ suy giảm theo thời gian.

Cục ĐKVN cho biết các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới như Ấn Độ (IRS), Nhật Bản (NK), Nga (RS), Hàn Quốc (KRS), Pháp (BV)… cũng chưa từng đăng kiểm tàu, thuyền chế tạo bằng vật liệu PPC cũng như chưa có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu này. Do đó, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn, ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy có sức chở trên 12 người để sử dụng thử nghiệm.

Bên cạnh đó, đoàn công tác bao gồm các thành viên của Vụ Khoa học công nghệ, Cục ĐKVN đã sang Cộng hòa Séc thăm và làm việc với Tổ chức CS Lloyd, Công ty Rochling (Cộng hòa Liên bang Đức, là nhà chế tạo vật liệu PPC). Được biết, tại Cộng hòa Séc, PPC mới chỉ sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17m, sức chở tối đa không quá 12 người.

Đối với 2 tàu khách Ferry 42 và Ferry 56 được đưa vào thử nghiệm trong thời gian qua, theo báo cáo của đơn vị sử dụng và đơn vị đăng kiểm quản lý địa bàn thì cả hai phương tiện đều bị sự cố, đã khắc phục sự cố và được cấp hồ sơ đăng kiểm để hoạt động trở lại, nhưng hiện rất ít hoạt động. Mặt khác, hiện nay, việc sử dụng thử nghiệm mới chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy chưa có cơ sở xem xét đánh giá kết quả sử dụng thử nghiệm đối với tàu loại này.

Do chưa thực sự có đầy đủ các cứ liệu khoa học cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho việc ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy nội địa có kích cỡ và sức chở người lớn hơn so với quy định của QCVN 95: 2016/BGTVT, Cục ĐKVN đề nghị tiếp tục thử nghiệm, tổ chức đánh giá và báo cáo kết quả thử nghiệm trước 30.6.2018; thu thập đầy đủ các căn cứ khoa học, thực tiễn cần thiết cho việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho việc chế tạo các phương tiện thủy nói trên; nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý kỹ thuật cho công tác đăng kiểm các phương tiện nêu trên.

Không đồng tình với đánh giá này của Cục ĐKVN, Công ty Việt Séc cho biết đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia.

Cần dựa trên thiết kế và thực tế sản xuất, hoạt động

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc cho biết, tất cả các tàu thuyền do Cslloyd đăng kiểm vẫn đang hoạt động tốt và không có tàu nào bị sự cố như hai chiếc Ferry 42 và Ferry 56 mà Cục ĐKVN đã đăng kiểm. Cslloyd đăng kiểm tàu dựa trên các quy định chung của Châu Âu về tàu thuyền và các tiêu chuẩn tính toán, tiêu chuẩn hàn mà các tổ chức đăng kiểm quốc tế đang áp dụng có tính đến yếu tố đặc trưng của vật liệu PPC.

Bên cạnh đó, Cộng hòa Séc là Quốc gia lục địa nhỏ nên nhu cầu về tàu thuyền không lớn do đó nhóm chuyên gia phát triển công nghệ đóng tàu này mới chỉ có cơ hội để đóng các tàu công tác lớn nhất 17m và tàu khách đến 12 người. Điều này không đồng nghĩa với việc là họ không thể làm các tàu lớn hơn.

Theo ông Đảo, Đăng kiểm Cslloy và Đăng kiểm Hải quân chưa có tiêu chuẩn quy phạm nhưng vẫn đăng kiểm được tàu thuyền PPC và các tàu thuyền đó đến nay vẫn đang hoạt động tốt, bởi vì họ dựa trên kết quả tính toán thiết kế, kiểm tra thực tế sản xuất và hoạt động của phương tiện để cấp đăng kiểm cho phương tiện. Tại sao Cục ĐKVN lại không thể làm đăng kiểm như hai cơ quan đăng kiểm Cslloyd và Hải quân đã làm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Phương tiện thủy được sản xuất bằng vật liệu PPC

Ông Đảo nêu quan điểm, bản chất đăng kiểm là giám định một phương tiện đáp ứng được các tiêu chí về an toàn và bảo vệ môi trường thì cho phương tiện vào lưu thông. Một công nghệ vật liệu mới thì không thể có ngay được tiêu chuẩn quy phạm cho riêng PPC, nhưng tàu thuyền thì từ lâu đã có các tiêu chuẩn kỹ thuật để dựa vào đó mà cơ quan đăng kiểm có thể kiểm tra tính an toàn của phương tiện.

Cục ĐKVN có tự mâu thuẫn?

Doanh nghiệp này cũng nêu câu hỏi, tại sao Cục ĐKVN vội vã ban hành tiêu chuẩn quy phạm mà ngay chính cục cũng thừa nhận chưa có đủ cơ sở dữ liệu trong nghiên cứu ứng dụng vật liệu PPC để đóng tàu rồi lại tiếp tục đề nghị Bộ cho đóng thử nghiệm tàu chở trên 12 người? Điều này có thể giết chết sự sáng tạo của doanh nghiệp.

“Cục đăng kiểm đã đăng kiểm tàu dài 8,3m, sức chở 12 người nay lại tham mưu cho Bộ ban hành quy chuẩn tàu dài 20m cũng cùng sức chở không quá 12 người. Vậy sức chở của con tàu phụ thuộc vào điều gì? Chả lẽ con tàu dài 8m cũng có sức chở như con tàu dài 20m? Trong kinh doanh không ai đóng tàu dài đến 20m mà sức chở cũng chỉ được phép như tàu dài 8m”, ông Đảo nhấn mạnh.

Nêu trường hợp 2 chiếc tàu Ferry 42 và Ferry 56 sức chở 32 và 56 người do Công ty James boat sản xuất đã được Cục ĐKVN cấp đăng kiểm thử nghiệm nhưng không thành công, ông Đảo cho rằng đây không phải do lỗi vật liệu mà chính là do tính toán thiết kế và cả lỗi người giám sát, kiểm tra.

“Vật liệu nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, người thiết kế sản xuất tàu phải biết tận dụng ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của vật liệu, không vì lỗi của hai chiếc tàu Ferry42 và Ferry 56 mà dừng không cho doanh nghiệp phát triển tàu thuyền sức chở lớn hơn”, ông Đảo bày tỏ.

Một điều nữa, doanh nhân này cho hay, qua 5 năm hoạt động, Công ty Việt Séc đã ký hợp đồng để đóng tàu cho khách hàng với sức chở 20 và 35 khách mà trước đó Cục ĐKVN không hề có khuyến cáo hay lưu ý nào là không đăng kiểm cho tàu chở trên 12 người.

Đặc biệt, hồ sơ tính toán thiết kế tàu cũng đã gửi cho cơ quan đăng kiểm nhưng Cục ĐKVN không hề xem xét và cũng không cử người kiểm tra xem Công ty sản xuất thế nào mà chỉ đưa ra lý do thế giới chưa có nước nào sản xuất tàu PPC chở trên 12 người để không đăng kiểm tàu cho doanh nghiệp.

Theo ông Đảo, Cục ĐKVN yêu cầu doanh nghiệp muốn đóng tàu trên 12 người thì phải làm thử nghiệm, trong khi tàu thuyền vật liệu PPC đã phát triển 20 năm nay (cả ở Séc và Việt Nam).

“Doanh nghiệp đã làm thử nghiệm từ những ngày đầu thành lập năm 2012 để chứng minh cho các cơ quan khoa học, đăng kiểm thấy rằng vật liệu PPC hoàn toàn có thể dùng đóng tàu thuyền và thực tế đã chứng minh điều đó suốt 5 năm qua. Đăng kiểm Việt Nam không thể cứ bắt doanh nghiệp đóng tàu to hơn thì phải làm thử nghiệm, doanh nghiệp không có khả năng để làm thử nghiệm mãi”, ông Đảo cho biết.

Hoài Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/dn-tau-thuyen-vat-lieu-ppc-phan-bien-cuc-dang-kiem-viet-nam-63120.html