'Dịu dàng hạt nắng…'

Tôi tình cờ gặp lại thạc sĩ hóa học, trung tá Đỗ Thị Anh Cúc trên trường bắn của Trung tâm huấn luyện chiến sĩ cảnh vệ CAND tại Ba Vì. Chúng tôi vui vẻ nhắc lại chuyện cách đây 3 năm chị Cúc đoạt giải nhì cuộc thi chạy do báo Hà Nội mới tổ chức (nơi tôi từng công tác nhiều năm).

Hồi đó chiến sĩ cảnh vệ Anh Cúc là một hiện tượng thú vị với 3 năm liên tục đoạt hạng nhì giải chạy Báo Hà Nội Mới (2016, 2017, 2018). Đến nay, ở tuổi 40 chị vẫn thế, trẻ trung, nhanh nhẹn như hồi nào với bước chạy như gió cuốn trên đường đua 1.500 mét quanh hồ Hoàn Kiếm. Hiện Trung tá Anh Cúc là Trưởng Phòng Kỹ thuật bảo vệ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an. Chúng tôi đang trò chuyện thì Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn đặc nhiệm Vũ Thanh Khương hồ hởi bước tới. Anh giới thiệu với tôi về trưởng phòng Cúc còn là một tay bắn súng cừ khôi. Chị từng đoạt huy chương bạc bắn súng cá nhân và đoạt mấy huy chương vàng bắn súng đồng đội nữ trong các cuộc thi của Bộ Công an.

Trung tá Anh Cúc là thành viên của đội tuyển bắn súng Bộ Tư lệnh cảnh vệ nhiều năm nay. Quả là đáng khâm phục với một nữ chiến sĩ cảnh vệ ngỡ chỉ là thân phận liễu yếu đào tơ. Trung tá Anh Cúc ngại ngần đỏ mặt khi được người khác nói đến những thành tích võ nghệ cùng tài bắn súng xuyên táo của mình.

Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc, Trưởng phòng Kỹ thuật bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Nhưng, khi nói đến công việc chuyên môn của chị, tôi càng ngạc nhiên hơn vì đó là một công việc khá thầm lặng, khuất lấp, ngược hẳn với những hoạt động sôi động mà chị đã tham gia. Tuy năm 2005, Anh Cúc mới về làm việc tại phòng, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa (Khoa Hóa thực phẩm), nhưng thật ra đây là đơn vị đã gắn bó với chị từ khi còn nhỏ. Chị bồi hồi tâm sự, bố mẹ chị cũng đã làm ở đây hàng chục năm trước. Họ đều là những chiến sĩ cảnh vệ có nhiều đóng góp cho công việc kiểm nghiệm cho các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước trong đời sống hằng ngày. Chị Cúc còn nghe kể lại chuyện nên vợ nên chồng của bố và mẹ chị do chính bà Bích Thuận (Đại tá, Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ) ngày đó làm mối xe duyên. Bà còn đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người. Bố chị là Đại tá Đỗ Văn Giảng cũng là nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật bảo vệ. Ông phụ trách công việc rà soát chất nổ, bom mìn và phát hiện chất độc phóng xạ... Chị Cúc được sự dạy dỗ và rèn luyện trực tiếp của bố trong nhiều công việc chuyên môn. Ông đã về hưu năm 2008 sau bốn mươi năm công tác. Ít ai ngờ, gần 15 năm sau, chị đã tiếp nối và kế thừa công việc trưởng phòng của bố. Phải nói đây là một gia đình có truyền thống gắn bó với công tác cảnh vệ hơn nửa thế kỷ qua.

Phòng Kỹ thuật bảo vệ được phát triển từ tiền thân những công việc của bộ phận công tác kiểm nghiệm thực phẩm. Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc cho biết, từ thập niên 50 của thế kỷ trước, Bộ Công an đã có chỉ đạo vấn đề thực phẩm của lãnh tụ, thủ trưởng là vấn đề cấp thiết, cần được nghiên cứu tổ chức ngay. Chính vì thế, vào tháng 9/1955 đã có tổ cán bộ đầu tiên được cử sang Trung Quốc học về kỹ thuật hóa nghiệm. Tới năm 1957, Cục Cảnh vệ chính thức triển khai nhiệm vụ hóa nghiệm thực phẩm phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau đó nhiệm vụ quan trọng thầm lặng này được giao cho Đội 9 thuộc Cục Cảnh vệ từ năm 1967. Các chiến sĩ được chuyên môn hóa với nhiệm vụ kiểm nghiệm thức ăn, nước uống cho lãnh tụ. Dần dần công tác tổ chức đơn vị được hoàn thiện và phát triển. Năm 2002 Bộ Công an quyết định tách Ban Kỹ thuật thuộc Phòng Tham mưu thành lập Phòng Kỹ thuật bảo vệ.

Khi được tuyển về làm việc tại đây, chị Cúc nhận nhiệm vụ kiểm nghiệm thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày của các lãnh tụ. Đây là một công việc thầm lặng nhưng cũng không kém phần nặng nề vì trách nhiệm lớn lao. Chị nhớ lại, ngay từ khi mới về đã tham gia những chuyến đi xa với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới các tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Mộc Châu... Khi đó công việc kiểm nghiệm cho các lãnh đạo Nhà nước luôn phải đi trước một bước. Đó là những chặng đường dài khởi nguồn cho những chiến tích thầm lặng khuất lấp khó ai biết tới. Kèm theo đó, công tác của Phòng Kỹ thuật bảo vệ còn kiêm thêm các công việc khác như kiểm tra an ninh kèm theo hậu cần kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho các lãnh đạo Nhà nước. Chị Cúc tâm sự thêm, các chiến sĩ cảnh vệ nữ làm kiểm nghiệm thực phẩm luôn phải mang theo thiết bị, máy móc khá nặng. Đường dài, xe lên xuống dốc mà phải đi tốc độ nhanh để kịp đón các nguyên thủ, không ít nữ chiến sĩ bị say. Nhưng, ngay khi xuống địa bàn đã phải triển khai sớm công việc kiểm tra đồ ăn thức uống, bảo đảm sạch sẽ, vệ sinh và an toàn thực phẩm cho các bữa ăn của lãnh đạo ngay trong ngày. Ấy là còn chưa kể những chuyến đi xa nhà tới Đà Nẵng hoặc vào tận TP Hồ Chí Minh, chị Cúc đã cùng chiến sĩ hành quân trên xe mang theo thiết bị, máy móc và hóa nghiệm, âm thầm thực hiện nhiệm vụ tốt nhất và bảo đảm sự an toàn thực phẩm tuyệt đối.

Trung Tá Đỗ Thị Anh Cúc trong bộ trang phục thân thương.

Có dịp tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc nói việc trở thành chiến sĩ cảnh vệ như một định mệnh trời ban cho mình. Không chỉ vì gia đình có nhiều người là chiến sĩ quân đội và công an mà chính vì từ nhỏ chị Cúc đã yêu thương, gắn bó với hình ảnh ngôi sao trên mũ và quân phục của bố mẹ. Dường như việc học Khoa Hóa thực phẩm tại Đại học Bách Khoa cũng là việc tự nhiên như đã định hướng tự trong trái tim. Bởi lẽ, chị Cúc muốn được làm việc như mẹ bên máy kiểm tra cùng những hóa chất đủ sắc màu. Chị còn bất ngờ kể cho tôi nghe chuyện tình yêu của mình cũng từng gặp chút sóng gió khi quyết tâm chọn ngành Công an. Chàng trai sinh viên Hy Anh Tuấn cùng lớp ngày đó cũng bàn bạc sôi nổi và muốn Anh Cúc, người yêu của mình làm việc gì nhàn nhã hơn. Ngành Công an, nhất là cảnh vệ lại càng bận rộn tối ngày. Nhưng, ngờ đâu Anh Cúc tỏ ra dứt khoát tuyên bố với Anh Tuấn, rằng hãy chọn lấy một nữ chiến sĩ cảnh vệ trong tương lai hoặc đường ai nấy đi. Cuối cùng, chàng trai Hy Anh Tuấn đành khuất phục với lời hát gửi trao cho người vợ sắp cưới ngày ấy: “Người yêu ơi dù mai này cách xa. Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta. Và ta biết một điều thật giản dị. Càng xa em ta càng thấy yêu em” (“Điều giản dị” - Phú Quang phổ thơ Thái Thăng Long).

Và giờ đây, sau 17 năm sống bên nhau, mỗi lần ngồi bên máy kiểm nghiệm ánh nắng chiếu qua cửa kính, chị Cúc lại nhớ đến lời ca khúc mà chồng hát tặng ngày ấy. Và, chàng trai ấy đã thực hiện đúng như đã hứa “Càng xa em ta càng thấy yêu em”. Đó là những đêm chàng phải ru con thay vợ trong mỗi chuyến đi dài quanh năm suốt tháng. Khi hai con lớn lên, chị Cúc vẫn liên tục đi làm nhiệm vụ qua đêm. Chị kể có chuyến đi dài ngày làm nhiệm vụ bảo đảm thực phẩm cho những hội nghị lớn như Đại hội Đảng toàn quốc, Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM-5); hay Hội nghị cấp cao các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC các năm 2006, 2017)...

Nhân kể chuyện với chúng tôi về những chuyến đi kiểm nghiệm với nhiều ký ức khó quên. Bởi lẽ, mọi công việc của các thủ trưởng, bao giờ các chiến sĩ cảnh vệ luôn đi trước thời gian ít nhất là 1 ngày. Bất cứ đoàn quốc tế nào khi bước xuống sân bay thì người đầu tiên họ gặp chính là các chiến sĩ cảnh vệ. Quan khách quốc tế cần phải được bảo vệ an toàn cùng các lãnh đạo cao nhất của nhà nước ta khi hợp tác và trao đổi công việc. Chị chợt nhớ có những lần đã bất ngờ phải ứng phó với những yêu cầu bất thường của các nguyên thủ nước ngoài tới nước ta. Họ đề xuất sau khi làm việc muốn đi giải khát cà phê hoặc ăn quà tại phố cổ.

Những trải nghiệm đó luôn nảy sinh bởi tình cảm của họ với Thủ đô Hà Nội. Khi đó Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc phải lên kế hoạch nhanh chóng cùng chiến sĩ đơn vị để thu xếp cho họ được toại nguyện. Trong đó chuyện đi ăn bún chả của Tổng thống Mỹ Barack Obama (năm 2016) đã để lại ấn tượng vô cùng. Phải nói đó là những ký ức sâu đậm thật khó quên.

Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc với chiếc bình kỷ niệm của bố.

Trung tá Cúc luôn sát cánh cùng đồng đội trong những công việc thầm lặng như vậy. Mọi người kề vai sát cánh lo toan công việc kiểm nghiệm, phía sau ánh sáng rực rỡ cờ hoa cùng những sự kiện nóng bỏng. Họ kín đáo kiểm tra với nguồn yêu thương dồi dào tự tấm lòng. Hằng ngày Anh Cúc và chị em cần mẫn, kiên trì làm việc bên những thiết bị khoa học và công nghệ tiên tiến để bảo đảm sức khỏe của các lãnh đạo. Đây cũng là công việc của mẹ chị từng làm hàng chục năm qua. Chị luôn nhớ lời cha mẹ dặn về sự quý giá của những trải nghiệm. Ở đây không chỉ là trách nhiệm của một chiến sĩ cảnh vệ nữa mà còn là tình cảm của những người thân trong gia đình. Chiễn sĩ cảnh vệ cần làm việc với lòng kính trọng và yêu thương các lãnh đạo. Mỗi hạt cơm là một hạt ngọc trời ban. Miếng ngon nhớ lâu là vậy, chị Cúc vẫn còn nhớ lời ru của mẹ năm nào: “Cày bừa đang buổi ban trưa. Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Xuân Quý Mão đã đến, biết bao công việc bề bộn đang chờ đón Trung tá Đỗ Thị Anh Cúc cùng đồng đội. Là một sĩ quan cảnh vệ liên tục đạt Chiến sĩ tiên tiến, chị còn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (năm 2017 và 2021). Công việc kiểm nghiệm thực phẩm luôn phải duy trì đều đặn hằng ngày. Trung tá Cúc lại hối hả bắt tay vào cuộc chiến chống lại những kẻ thù bí ẩn vô hình. Chúng cần phải được phát hiện mỗi khi hiện diện dưới những máy soi tinh vi và máy kiểm định công nghệ cao. Chiến sĩ cảnh vệ luôn cần cù và tĩnh tại như một bác sĩ chữa bệnh cứu người. Và, cứ mỗi lần Anh Cúc ngồi vào dàn máy kiểm định, tôi lại hình dung những hạt nắng từ những tán cây xuyên qua cửa kính đậu trên cầu vai áo trắng. Chúng lung linh như những hạt vàng trong câu ca tình yêu ngày nào. Câu hát ấy lại thầm lặng vang lên: “Và ta biết một điều thật giản dị. Càng xa em ta càng thấy yêu em”.

Vương Tâm

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/diu-dang-hat-nang-i681954/