Định vị thương hiệu gỗ Việt khi 'ra biển lớn'

Trước bối cảnh thị trường thế giới ngày càng khó khăn và nhiều thách thức, việc xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt và mang lại giá trị cao hơn cho các sản phẩm đồ gỗ, nội thất đang là 'bài toán' mà các doanh nghiệp trong ngành cần phải đối mặt.

Việc xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt và mang lại giá trị cao hơn cho các sản phẩm đồ gỗ, nội thất đang là “bài toán” mà các doanh nghiệp trong ngành cần phải đối mặt. (Nguồn: Báo Công Thương)

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước bình quân khoảng 3-4 tỷ USD/năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu bình quân mỗi năm trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Hiện thị trường xuất khẩu của đồ gỗ Việt Nam đã được mở rộng từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2008 lên trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022; từ xuất khẩu các sản phẩm thô, đến sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại.

Dù đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước nhưng những thương hiệu mạnh về đồ gỗ, nội thất Việt Nam như Công ty Cổ phần gỗ Hoàng Anh Gia Lai (Gia Lai), Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (Bình Dương), Công ty Cổ Phần gỗ Thuận An (Bình Dương)… vẫn chưa thể ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế khi phần lớn phải “mượn tên” thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài khi xuất khẩu ra thị trường các nước.

Phần lớn các sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm được niềm tin của các khách hàng là nhà bán buôn, đại lý nước ngoài và gần như "vô danh" đối với người tiêu dùng quốc tế.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách phát triển thương hiệu ngành chế biến gỗ chưa được thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam chưa có kinh nghiệm, không đủ nguồn lực về vốn, con người, trình độ quản lý để phát triển hệ thống bán hàng ở nước ngoài, cơ sở nền tảng để xây dựng thương hiệu. Việc phát triển thị trường ở nước ngoài đòi hỏi năng lực sản xuất quy mô lớn, ít có doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Chủ tịch HĐQT Công ty AA, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kiếm tiền bằng sự cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời, mà cần phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình.

Xây dựng thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận. Chính thương hiệu sẽ làm tăng giá trị thương mại, không những góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, giá trị bán buôn nội địa mà còn định vị ngành đồ gỗ nội thất của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Xây dựng thương hiệu cho chính mình, các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo nên thương hiệu cho ngành gỗ Việt Nam.

Tại Hội thảo "Đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài" do Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA nhấn mạnh, Việt Nam đang là trung tâm sản xuất sản phẩm gỗ cho thế giới; có lợi thế về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, bền vững về chính sách, con người, nguồn cung nguyên vật liệu.

Nhưng để thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam hiệu quả hơn, cần hình thành trung tâm logistics-xúc tiến thương mại đồ nội thất Việt Nam. Về khía cạnh thị trường, doanh nghiệp cần bứt phá khỏi các thị trường truyền thống, hướng đến các thị trường có sức mua tốt như Canada, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia…

Song song đó, ngành gỗ, nội thất cũng cần tích cực mở rộng xuất khẩu online, xuất khẩu theo các dự án. Việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nội thất quốc gia tại các hội chợ quốc tế về nội thất là một chiến lược mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng để xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao.

Đánh giá về những thách thức của ngành gỗ Việt Nam, ông Eryk Dolinski, Giám đốc Phát triển Kinh doanh sản phẩm gỗ, Bộ phận cung ứng Tập đoàn IKEA khu vực Đông Nam Á cho rằng, ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam vẫn còn thâm dụng lao động lớn, nguồn nguyên liệu chủ yếu vẫn nằm trong ở các nông hộ nhỏ lẻ khó truy xuất nguồn gốc. Khoảng cách địa lý xa tạo thêm chi phí và thời gian vận chuyển từ kho hàng tại Việt Nam đến các quốc gia khác.

Để giải quyết các vấn đề trên, ông Eryk Dolinski cho rằng, ngành gỗ và nội thất cần tập trung đầu tư cho tự động hóa giúp tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. "Tự động hóa không chỉ trong nhà máy mà trong toàn chuỗi cung ứng để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, phải tạo ra môi trường lao động tốt hơn và giảm phát thải khí carbon; tăng cường hiệu quả trong chứng nhận nguồn gốc gỗ. Tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ vận chuyển nguyên liệu, nhà máy cưa, xẻ đến các công đoạn sản xuất, vận chuyển phải được chú trọng nhằm tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng, chi phí logistics", ông Eryk Dolinski gợi ý

Ông Đỗ Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) thông tin, Mỹ vẫn luôn là thị trường tiêu thụ lớn nhất đối với xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 8,77 tỷ USD, chiếm tới 59,24% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt trên 8,48 tỷ USD, chiếm 54,1% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam đến tất cả các thị trường.

Ông Quyền cho rằng, thị hiếu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường Mỹ đang thay đổi, nhưng dường như các doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp nắm bắt để chuyển hướng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Xuất khẩu đồ gỗ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn, với gánh nặng xuất xứ và kiểm dịch, Việt Nam cần có cách tiếp cận khác trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư cho sản xuất nhiều hơn để có quy trình sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải để theo kịp yêu cầu ngày càng cao từ các nhà mua hàng.

Xuân Cúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dinh-vi-thuong-hieu-go-viet-khi-ra-bien-lon-244659.html