Dinh Thầy Thím ở La Gi

Tôi đến dinh Thầy Thím (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) vào một ngày cuối tháng tư. Dù không phải mùa lễ hội nhưng nơi này vẫn rất đông du khách. Với nhiều người, đây là một trong những điểm dừng chân không thể thiếu khi đến với Bình Thuận.

Dinh Thầy Thím có giá trị nhiều mặt về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… Năm 1997, dinh được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia, gắn liền với lễ hội dinh Thầy Thím. Năm 2022, lễ hội dinh Thầy Thím đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Thịnh (46 tuổi, làng Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi), mỗi ngày, có khoảng 500-700 du khách đến dinh Thầy Thím tham quan, xin lộc, cầu bình an. Họ đi theo đoàn và có mặt rất sớm, có người ngủ qua đêm tại các nhà nghỉ lân cận. Trong đó, nhiều người đã quay trở lại, dâng cúng lễ vật để tạ ơn.

Với người dân địa phương, dinh Thầy Thím là điểm đến tâm linh, điểm tựa để nâng đỡ họ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch, lượng người đến đây rất đông.

Dinh Thầy Thím là một trong những điểm đến của du khách khi tới Bình Thuận. Ảnh: Rạng Đông

Dinh Thầy Thím là một trong những điểm đến của du khách khi tới Bình Thuận. Ảnh: Rạng Đông

Còn ông Nguyễn Hữu Trí-Thành viên Ban Quản lý di tích dinh thì cho biết: Hàng năm, dinh Thầy Thím tổ chức 2 lễ lớn vào ngày mùng 5 tháng Giêng (lễ tảo mộ) và rằm tháng 9 âm lịch (lễ tế thu). Mỗi dịp tổ chức lễ thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.

Ngoài người dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng về đây để xem những nghi lễ truyền thống như: nghinh thần, rước sắc phong, nhập điện an vị, giỗ tiền hiền, cúng ngọ, phát lộc, phóng sinh...

Cùng với đó là tham gia các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như: khiêng thúng ra khơi, thi gánh cá, đan lưới, kéo co, đánh cờ người và xem biểu diễn nghệ thuật dân gian như: hát bả trạo, tuồng cổ, hò vè, hội thi cờ tướng, biểu diễn lân-sư-rồng.

Lễ hội dinh Thầy Thím chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể, đó là đạo đức, đạo nghĩa, lòng bao dung, lối sống nhân ái, giúp người, giúp đời… mà người dân địa phương lưu giữ, bảo tồn, phát huy trở thành biểu hiện, cách ứng xử và lối sống. Cùng với đó, khí hậu mát mẻ, nắng ráo thuận tiện cho việc vui chơi, tắm biển và thưởng thức hải sản nên đã giữ được chân du khách.

Nằm cách thị xã La Gi khoảng 14 km, dinh Thầy Thím tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, rộng chừng chục héc ta, bao quanh bởi một bức tường hình thang vuông, chu vi gần 600 m, lối vào gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ.

Được xây dựng vào năm 1879, dinh có dạng kiến trúc như một ngôi đình làng gồm: tam quan, võ ca, chính điện, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng... Mỗi công trình có nét kiến trúc độc đáo riêng.

Chẳng hạn, nhà võ ca được gắn kết với nhau theo lối “tứ trụ”, 4 cột gỗ chính ở trung tâm, vừa hợp lực nâng đỡ đỉnh nóc, vừa liên kết giằng giữ hỗ trợ cột con tỏa đều 4 hướng xung quanh, tạo nên một bộ khung vững chắc và cân đối. Trên những bức tường và thân cột chính của nhà võ ca, đắp nổi và điêu khắc nhiều họa tiết như: rồng, phượng, hoa lá, các Hán văn cổ, các bức hoành với nội dung giáo dục sâu sắc.

Nhìn từ trên xuống, chính điện được xây dựng với 2 tầng và 4 mái có hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. Theo từng bờ quyết của mái nhà được gắn kết các phù điêu, đắp nổi hình tượng “tứ linh”, kết hợp với những họa tiết lá cổ kính, tạo nên không gian trang nghiêm. Trong chính điện trưng bày rất nhiều vật cổ như: câu đối, hương án, khám thờ...

Đặc biệt, tất cả công trình đều quay về hướng Tây. Chất liệu được sử dụng từ những vật liệu sẵn có ở vùng đất La Gi, với gỗ là chủ đạo, chất kết dính trộn từ nhựa cây, cát, vôi và mật đường.

Theo các nhà nghiên cứu, các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ và trang trí nội thất của dinh Thầy Thím thể hiện rõ đường nét, kiểu cách kiến trúc của cung đình thời nhà Nguyễn.

Tuy vậy, vượt lên trên những công trình độc đáo này là những giá trị văn hóa phi vật thể. Đó là câu chuyện về lối sống nhân ái, đạo nghĩa, luôn giúp đỡ những người nghèo khó của thầy Thím. Theo truyền thuyết, đây là một đạo sĩ giàu lòng yêu thương, võ thuật hơn người, rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan nên vợ chồng thầy Thím phải bỏ quê hương Quảng Nam vào phương Nam lánh nạn và chọn làng Tam Tân làm nơi dừng chân.

Nhiều câu chuyện trong dân gian về lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng thầy Thím, trong đó, việc cảm hóa muông thú ở rừng trong những ngày đầu đi khai phá vùng đất mới được nhắc đến nhiều nhất.

Khi phát hiện vợ chồng thầy Thím qua đời, dân trong làng tìm thấy 2 ngôi mộ bằng cát trắng nằm sâu trong rừng, do muông thú vun đắp và hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng lại thấy có đôi bạch hổ, hắc hổ xuất hiện nằm phủ phục cạnh 2 ngôi mộ. Khi bạch hổ, hắc hổ chết, dân làng thương cảm cho sự trung thành của 2 con hổ nên đã chôn cất ngay sát sau mộ thầy Thím.

Trông người lại ngẫm đến ta. Gia Lai có nhiều di tích và công trình mang màu sắc văn hóa tâm linh và lễ hội như: truyền thuyết về Vua Lửa, Vua Nước, di tích Tây Sơn Thượng đạo, chùa Minh Thành, tượng Phật Bà Quan Âm, nhà thờ Thăng Thiên...

Hy vọng trong tương lai không xa, những nơi này sẽ tiếp tục được đầu tư, quảng bá và trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách thập phương.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dinh-thay-thim-o-la-gi-post277607.html