Đình làng - gìn giữ hay lãng quên?

Văn hóa đình làng – thường tĩnh lặng, cũng không nhiều tín đồ, nhưng ở đó hiện hữu nét văn hóa truyền thống gần gũi, gắn liền với đời sống người dân lao động. Đình làng là nơi trú ngụ của những người sa cơ, không nơi trú ngụ tình nguyện ở lại hương khói, để cứ mỗi năm lại nghe rộn ràng tiếng trống chầu, bà con chực chờ xem hát đình (hát bội). Nét văn hóa, dần bị quên lãng, có những đình làng thiếu hụt, lặng lẽ trong những kỳ lễ cúng…

“Thổn thức”… đình làng

Thành phố biển Phan Thiết, có lẽ là nơi có nhiều đình làng nhất của tỉnh. Vì sâu xa hơn người dân xứ biển vốn dĩ đã bắt nhịp theo cha ông từ đời này sang đời khác. Tự khắc hình thành một nét đẹp văn hóa. Thành phố nhỏ có 8 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đã có 5 đình làng với bề dày lịch sử cũng như nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo ẩn mình trong những con đường cũ, trong những xóm lao động nghèo.

Thời điểm này, cũng là lúc các đình làng thay phiên nhau tổ chức lễ tế Xuân. Đình làng Tú Luông (phường Đức Long, TP.Phan Thiết) đã tổ chức lễ tế Xuân để tạ ơn Thành hoàng, Tiền hiền có công lớn trong buổi đầu khai khẩn cơ nghiệp, lập làng và dựng đình. Đây là ngôi đình được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số 38/2001/QĐ-BVHTT. Đình Tú Luông còn lưu giữ nhiều di vật cổ xưa trong đó có di sản Hán Nôm quý, gồm 10 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng và những bản hương ước của làng khắc chạm trên gỗ.

Ông Đỗ Hữu Tâm - Trưởng Ban tổ chức lễ hội đình Tú Luông, cho biết: “Kể từ năm 2001, lúc được xếp hạng đến nay. Mỗi năm đều tổ chức lễ cúng nhưng thật tình mà nói, chỉ cố gắng làm trong sự vận động của bà con quanh vùng, người đi làm ăn xa. Kinh phí ít ỏi quá, nên cứ gói ghém duy trì. Đã hai mươi mấy năm nay, chưa dám mời đoàn hát bội nào về cúng đình, vì lẽ đó nên cũng thiệt thòi cho bà con. Đình Tú Luông trong mùa dịch đã bị kẻ trộm ăn cắp cổ vật, sau đó được hoàn trả nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện phục chế lại”.

Cổng chính của đình Tú Luông hiện tại cũng không còn, khoảng đất trống đình cho mượn làm 4 phòng học, sau khi trường có cơ sở mới cũng không hoàn trả, giờ muốn đi vào đình Tú Luông phải len lỏi vào con hẻm nhỏ hoặc đi bằng cổng sau nằm ở đường Tú Luông. Tất cả những giá trị xưa cũ ở đó vẫn còn, nhưng chẳng ai có thể trả lại đủ đầy cổng đình như trước kia nữa.

Đình Tú Luông được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX, trùng tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 24 (năm 1871) để thờ thần Thành hoàng bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền. Trong tổng thể chung, đến nay đình còn lưu giữ khá nguyên vẹn sắc thái vốn có ban đầu từ kết cấu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, cho đến nghệ thuật trang trí trên nóc, mái đình đều thể hiện rõ đặc trưng của lối kiến trúc dân gian truyền thống. Ông Lê Văn Lộc – Chánh bái đình Tú Luông, chia sẻ: “Mỗi năm cứ vào dịp Xuân Thu nhị kỳ, việc thờ cúng, tổ chức gặp nhiều khó khăn lắm. Bây giờ đi vận động bà con cũng khó, vì ai cũng vậy. Rồi mình cũng phải chia sẻ với nhiều ngôi đình khác, tình nghĩa các đình với nhau, phải vậy. Đình hồi trước còn có cổng lớn, chứ không phải đi bên hông như bây giờ, sau cổng lớn còn là sân bóng đá cho bà con vui chơi sau ngày lao động nữa”.

Vẫn hiện hữu, vẫn mang dáng dấp cổ kính, trầm mặc ấy thế nhưng đình Lạc Đạo nhiều năm nay chẳng còn ai trông nom, hương khói. Có chăng chỉ là người dân ở đó, lui tới hoặc vào những ngày cúng kỵ ngôi chùa sát bên chia sẻ bình bông, ít trái cây thể hiện lòng thành. Cô Tám - người lớn lên từ nhỏ, gắn bó với đình làng Lạc Đạo chia sẻ: 5 - 6 năm nay đâu còn ông Từ nữa, ổng lớn tuổi về quê rồi mất. Giờ đình quạnh quẽ lắm. Mà thật, ánh nắng cuối ngày chạy xiên một góc đình, u uẩn lạnh lẽo. Có chăng tiếng cười nói của những người dân trong xóm ra ngồi bên hiên đình hóng mát vãn chuyện.

Nhìn khung cảnh quạnh quẽ, mấy ai biết được, đình Lạc Đạo được tạo dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX để thờ Thành hoàng bổn cảnh và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công với dân làng. Đây là ngôi đình được tạo dựng khá sớm ở Phan Thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương. Đình Lạc Đạo là một quần thể kiến trúc cổ chứa đựng đầy đủ các thành tố cơ bản về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật dân gian ở thế kỷ XIX. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị, trong đó có nhiều tư liệu Hán - Nôm phản ảnh quá trình khẩn hoang, lập làng, dựng đình của các bậc tiền nhân. Đặc biệt là 10 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban tặng.

Đình Lạc Đạo cũng được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số 38/2001/QĐ- BVHTT . “Hồi trước, mỗi năm tới kỳ cúng đình đông vui lắm, với lại khi đó những hàm hộ nước mắm, nghề biển mỗi năm đều cúng lễ, hỗ trợ cho việc cúng đình. Giờ mấy người đó đâu còn, con cháu có kế nghiệp cũng ít để tâm đến. Có năm cúng xong âm nợ luôn” – cô Tám cho hay.

Gìn giữ hay lãng quên?

Một nét độc đáo ở hầu hết các đình làng như Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Tú Luông là nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ trên các khám thờ, hương án, bao lam... Cách bài trí bên trong nội thất nhất loạt đều tuân thủ theo những quy ước dân gian gắn liền với tập tục và tâm niệm của xã hội đương thời. Từng đường nét, hoa văn, từng bức phù điêu, nét chạm trổ là cả một quá trình hình thành và lưu giữ truyền thống mang tính chất vùng miền. Vừa gần gũi, thân quen, đình làng cũng là nơi những người lao động đặt niềm tin trong quá trình lao động sản xuất. Nhất là bà con làm biển thời xưa - giá trị ấy cần phải được gìn giữ.

Thế nhưng, có lẽ trong sự vận hành hiện tại có chút gì đó thiếu sót. Câu chuyện của đình Tú Luông vào mùa dịch khi những cổ vật ở mái đình bị lấy cắp, và nhờ vào sự cố gắng của lực lượng cảnh sát điều tra đã tìm lại trả về. Nhưng nhiều rồi, đình Tú Luông vẫn chưa được sửa chữa lại. “Tôi cũng đã từng kiến nghị nhiều lần, mong được quan tâm cho phục dựng lại, được làm lại cổng đình để có thể trở thành điểm đến thăm của du khách, người ta cũng có thể tìm hiểu về văn hóa vùng miền đã tồn tại hơn cả trăm năm, nhưng cứ chờ…” - ông Đỗ Hữu Tâm cho biết.

Dẫu sao, đình Tú Luông còn có một may mắn, khi còn có ban hộ tự trông nom, mỗi chiều còn được thắp nén hương ấm cúng. Trái ngược với khung cảnh của đình Lạc Đạo, lặng im trong bóng chiều. Có lẽ cây sứ già trăm năm cằn cỗi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của ngôi đình này. Người giữ đình đã rời đi trong lặng lẽ cũng đã ngót 15 năm, và nhiều năm qua sự tồn tại của đình Lạc Đạo, còn là hình dáng hiện hữu mà “hơi thở” gần như đã cạn dần.

Ông Nguyễn Thế Dũng - Trưởng Phòng VHTTDL Phan Thiết, cho biết: “Trước mắt, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương để UBND TP. Phan Thiết sẽ bố trí khoảng 3 tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa những hạng mục bên ngoài của dinh vạn Thủy Tú và nhà trưng bày bộ xương cá voi, bãi giữ xe, nhà vệ sinh, nền nhà. Còn sửa chữa lớn hơn phụ thuộc vào ngân sách của Trung ương. Đối với các di tích cấp Quốc gia còn lại, Bộ VHTTDL chỉ mới khảo sát, trên cơ sở đó Bộ sẽ lập hồ sơ, dự toán kinh phí. Còn việc trùng tu sửa chữa không biết khi nào”.

“Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng”, đừng để các di tích cấp Quốc gia chơ vơ với tấm bằng được phong tặng. Hãy để các di tích này trở thành những điểm đến không thể thiếu trong các tour, tuyến du lịch văn hóa, tín ngưỡng tâm linh… đang có sức thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, cùng tạo thêm động lực cho người dân hưởng thụ và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa cộng đồng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dinh-lang-gin-giu-hay-lang-quen-117839.html