Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An

Cần định vị lại tài nguyên, lợi thế của Tây Nghệ An trên quan điểm mới, từ đó sẽ phát hiện vô số thế mạnh. Đặc biệt, mọi cơ chế, chính sách phải hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, bắt đầu từ lợi thế của vùng là nông nghiệp, là rừng.

Các đại biểu tham gia tọa đàm. Nguồn: ITN

Đây là ý kiến của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại Hà Nội ngày 18.11.

Nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết, miền Tây Nghệ An gồm 11 huyện, 14.000km2 với hệ thống kết nối giao thông thuận lợi; có 5 cửa khẩu được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, và đối ngoại của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Những năm qua, kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An có nhiều bước phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 7,5%/năm; tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 14,2%/năm, chiếm 10,5 - 11,5% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. An sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,6%/năm...

Miền Tây Nghệ An có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp như diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn; đa dạng về đất đai - có đất phù sa, đất vàng, đất Feralit...; có nhiều tiểu vùng khí hậu ôn đới đặc thù, ở huyện Kỳ Sơn và Tương Dương thích hợp phát triển các nông sản đặc trưng ôn đới. Vùng đã hình thành một số vùng tập trung phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc...

Thời gian qua, nông nghiệp miền Tây Nghệ An phát triển khá toàn diện. Xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều khởi sắc, khu vực đã có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, 197 thôn bản đạt nông thôn mới. 11 huyện miền Tây có 150 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên…

Tuy nhiên, địa bàn này thường xuyên chịu nhiều tác động của thiên tai, lũ lụt do thời tiết cực đoan. Phương thức sản xuất chủ yếu là kinh tế hộ tiểu nông, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán; chưa khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng. Tuy có ưu thế trong phát triển kinh tế rừng và dược liệu dưới tán rừng, nhưng chưa có nhiều chính sách, chính sách chưa đủ mạnh để tạo động lực phát triển. Đặc biệt, vùng thiếu hụt nguồn nhân lực; số doanh nghiệp đầu tư vào vùng miền Tây còn rất ít, quy mô nhỏ.

Hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp

Bàn chuyện phát triển của Tây Nghệ An, PGS.TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: Tại sao tiềm năng lớn nhưng chưa tận dụng được? Theo ông, cần định vị lại tài nguyên, lợi thế của Tây Nghệ An trên quan điểm mới, từ đó sẽ phát hiện vô số thế mạnh. Đặc biệt, mọi cơ chế, chính sách phải hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, bắt đầu từ lợi thế của vùng là nông nghiệp, là rừng. "Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên cho Nghệ An cơ chế chính sách phục hồi và bảo vệ rừng. Vùng có lợi thế về dược liệu dưới tán rừng nhưng còn trở ngại về chính sách".

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cho biết, thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực, chính sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Nghệ An, đẩy mạnh kinh tế hợp tác và tăng cường liên kết với các đối tác quốc tế tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cùng với đó, tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khai thác có hiệu quả tài nguyên rừng, cảnh quan thiên nhiên (hệ sinh thái) và giá trị thương hiệu của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Rà soát đất lâm nghiệp để phát huy hiệu quả kinh tế rừng gắn với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Ngoài ra, xây dựng chương trình phát triển dược liệu vùng, nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp như chuỗi giá trị dược liệu.

Ông Đệ đề xuất các bộ, ban, ngành nghiên cứu xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thành lập thêm khu nông nghiệp công nghiệp cao ở miền Tây Nghệ An. Bên cạnh đó, xin cơ chế sử dụng tiền vật liệu thay thế, tiền dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon để tái đầu tư hạ tầng lâm nghiệp, phát triển rừng.

Bày tỏ mong muốn Trung ương quan tâm cơ chế chính sách, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đồng thời cam kết tỉnh sẽ đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào miền Tây Nghệ An. Ông cho biết, địa phương đang tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách và các nguồn lực tài chính cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế gắn với địa bàn miền Tây Nghệ An là hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Quốc lộ 7; hành lang kinh tế Quốc lộ 48A…

Không nên đóng đinh tư duy đã là miền núi thì nghèo, đồng bào dân tộc là khổ, mà cần phải có lạc quan để từ đó có sáng kiến và cùng nhau thay đổi khu vực miền Tây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Theo đó, cần đưa ra tầm nhìn mới, lạc quan hơn, có cách phối hợp hành động chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, liên ngành khơi dậy tiềm năng tài nguyên bản địa, cộng với văn hóa của các dân tộc miền Tây Nghệ An, cấu trúc cộng đồng xã hội, từ đó giá trị tích hợp cũng sẽ nhiều hơn.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dinh-huong-phat-trien-mien-tay-nghe-an-i350601/