Định hướng phát triển 22 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đang là xu thế phát triển tất yếu nhằm tạo bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế và là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hệ thống tưới mía tự động tại nông trường mía Thành Long.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Chuyển biến đáng kể

Tỉnh đã thực hiện UDCNC trong sản xuất nông nghiệp trên hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: lúa, rau, cây ăn trái, cây cao su, hoa, cây cảnh; chăn nuôi bò, heo, gia cầm, tuy nhiên với số lượng và quy mô nhỏ lẻ, nên chưa đủ điều kiện để hình thành quy hoạch vùng NNUDCNC.

Việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.

Các biện pháp áp dụng CNC trong sản xuất có thể ứng dụng như: hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển thông minh được hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để điều chỉnh lượng nước tưới và điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ thích hợp để cây trồng phát triển tốt. Đồng thời kết hợp hệ thống tưới tự động kết hợp với việc bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị sâu bệnh hại tránh gây ảnh hưởng sức khỏe của người nông dân.

Sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt góp phần làm giảm lượng nước tưới, giảm chi phí công lao động; đặc biệt là tăng đáng kể năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (KIPUS) tại tỉnh Tây Ninh cho 194 tổ chức, cá nhân và cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 9 cơ sở sản xuất cây ăn trái. Hỗ trợ cấp 100 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Hoa Kỳ , Úc, New Zealand và Trung Quốc; trong đó có 21.289 tem được kích hoạt, tương đương 25,5 tấn sản phẩm được truy xuất. Hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 48 cơ sở sản xuất, lĩnh vực chăn nuôi có 62 cơ sở được chứng nhận VietGAHP.

Theo Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dự kiến đến năm 2025, diện tích gieo trồng cây rau tăng lên khoảng 23.640 ha, sản lượng 440.000 tấn/năm. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, áp dụng CNC, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với công nghiệp sơ chế và chế biến.

Do đó, việc phát triển mô hình trồng rau áp dụng CNC như: nhà màng, bón phân và tưới nước tự động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 là cần thiết để thúc đẩy mô hình ứng dụng CNC trong tương lai đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm rau an toàn theo nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, Tây Ninh đang xây dựng Đề án vùng sản xuất NNUDCNC huyện Tân Châu làm cơ sở mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển NNUDCNC. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đang tiếp cận xin đầu tư sản xuất NNUDCNC theo chuỗi giá trị. Các dự án xin đầu tư tập trung vào trồng các loại cây ăn trái, rau, hoa có giá trị cao như: xoài, chuối, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn, một số loại rau củ quả và dự án chăn nuôi bò, heo, gia cầm.

Phấn đấu định hướng phát triển 22 vùng NNUDCNC trong đó: 12 vùng trồng trọt; 7 vùng chăn nuôi; 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng NNUDCNC hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa nông sản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích (ha) đất trồng trọt đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng. Riêng diện tích sản xuất NNCNC đạt giá trị sản phẩm trên 1 ha sản xuất từ 150 triệu đồng năm 2025 và 180 triệu đồng vào năm 2030.

Nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm NNUDCNC đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Định hướng phát triển các vùng ưu tiên cho sản xuất NNUDCNC trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo định hướng, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản; làm cơ sở đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phát triển nguyên liệu đáp ứng nhu cầu cho chế biến, tiêu thụ.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources.

Phát triển 22 vùng NNUDCNC

Tại phiên họp thường kỳ tháng 5.2024, UBND tỉnh thống nhất thông qua Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Đề án định hướng phát triển 22 vùng NNUDCNC, trong đó có 12 vùng trồng trọt; 7 vùng chăn nuôi; 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, Đề án mang tính định hướng vùng sản xuất NNUDCNC để phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, do đó, các vùng của Đề án này có thể được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hằng năm để phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, theo xu hướng phát triển của thị trường, ưu tiên các cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị cao trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Cụ thể, vùng phát triển cây công nghiệp, rau quả, diện tích: 1.300 ha, tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành. Định hướng sản xuất: duy trì diện tích mía đường và phát triển NNUDCNC.

Vùng phát triển cây công nghiệp, mía hữu cơ. Diện tích 950 ha, tại xã Thành Long, huyện Châu Thành. Định hướng sản xuất duy trì diện tích mía đường (một số diện tích trồng hữu cơ), trồng chuối.

Vùng phát triển cây lúa chất lượng cao. Diện tích 200 ha, tại 2 xã Phước Bình và Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Định hướng xây dựng vùng chuyên sản xuất lúa ứng dụng CNC. Hạ tầng cần đáp ứng, đầu tư khoảng 25 km đê bao khép kín, kết hợp giao thông nội đồng; đồng thời hỗ trợ áp dụng VietGAP, liên kết sản xuất - tiêu thụ và đầu tư hạ tầng.

Vùng phát triển cây mãng cầu ta. Diện tích 300 ha; đất dân, tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Định hướng hỗ trợ áp dụng VietGAP, hình thành vùng chuyên canh mãng cầu, phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy chế biến HTX mãng cầu Thạnh Tân.

Vùng phát triển cây lúa chất lượng cao. Diện tích 200 ha, tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Định hướng xây dựng vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng CNC thông qua việc hỗ trợ mở rộng diện tích áp dụng VietGAP và liên kết sản xuất, tiêu thụ, đồng thời đầu tư khoảng 9,13 km đê bao khép kín, kết hợp giao thông nội đồng.

Vùng phát triển chăn nuôi gà thịt, tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên. Định hướng sản xuất khuyến khích các trang trại mở rộng quy mô lớn hơn 50.000 con/lứa, ứng dụng CNC trong sản xuất, đồng thời thu hút doanh nghiệp ký kết hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị. Định hướng đầu tư: đầu tư xây dựng hệ thống đường, điện.

Dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông sẽ đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông cung cấp nước tưới đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Vùng phát triển cây ăn trái. Diện tích trên 1.773 ha, cây ăn trái như mít, sầu riêng, mía và một số cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Định hướng hỗ trợ trong giai đoạn 2023-2030, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tìm kiếm đối tác có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực NNCNC để học tập kinh nghiệm, hoặc hợp tác kinh doanh, đồng thời thực hiện các thủ tục cần thiết khác theo quy định để đáp ứng các quy định công nhận vùng NNUDCNC.

Trên cơ sở các vùng định hướng phát triển thành vùng sản xuất NNUDCNC, Đề án đề nghị các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sản xuất NNUDCNC được hưởng hỗ trợ các chính sách của tỉnh; ưu tiên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp; tham gia chương trình OCOP và các chương trình có liên quan khác.

Doanh nghiệp đầu tư vào vùng sản xuất NNUDCNC phải thực hiện đúng các cam kết xây dựng vùng sản xuất NNUDCNC theo định hướng của Đề án và quy định hiện hành; tiến hành lập các dự án đầu tư thành phần đúng trình tự, trình các cơ quan chức năng thẩm định chứng nhận vùng sản xuất NNUDCNC.

Nhi Trần

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dinh-huong-phat-trien-22-vung-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-a172471.html