Định hình mối liên kết phát triển ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc

Sáng 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, Sở Công Thương thành phố Hà Nội và Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024.

Tăng cường gắn kết, hỗ trợ phát triển

Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công thương năm 2023, 6 tháng đầu năm 2024 và các giải pháp thực hiện kế hoạch ngành Công Thương năm 2024 của Sở Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Trong đó, Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề còn vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về ngành Công Thương; Đề xuất các cơ chế, giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển ngành Công Thương giữa các địa phương trong thời gian tới. Từ đó, triển khai những cơ chế, chính sách của Trung ương đến các địa phương; đề xuất cơ chế phối hợp triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch giữa các địa phương; đồng thời tiếp xúc, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động địa chính trị, biến động kinh tế khó dự báo, nhưng ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, năm 2024 được xác định là năm bứt phá, bản lề của cả nước. Các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đồng hành cùng các địa phương, thời gian qua Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành và đạt nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương ngày một được tăng cường. Từ đó, đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng của ngành, của địa phương.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, phấn đấu đạt được các mục tiêu về sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, tập trung rà soát nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Cùng đó, cần tập trung triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương, nhất là quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản… tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại Hội nghị, ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho hay: 28 tỉnh, thành phố khu vực có lịch sử phát triển lâu dài, có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Ngành Công Thương có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của khu vực.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, khoảng cách phát triển giữa các địa phương còn lớn, sự phối hợp chưa thường xuyên, nhuần nhuyễn để tận dụng thế mạnh của vùng, công tác liên kết kết nối vùng, khu vực để phát triển đồng bộ các lĩnh vực của ngành còn hạn chế, cơ chế chính sách của các địa phương cũng có sự khác nhau, việc phối hợp liên kết chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng ...

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng; đồng thời, tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố Hà Nội sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành Công Thương phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành đề ra và phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, tăng cường kết nối, hợp tác, hỗ trợ ngành Công Thương cả nước phát triển.

Chung tay gỡ khó cho ngành Công Thương

Khu vực phía Bắc nước ta gồm 28 tỉnh, thành phố; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu vực là 150.058,5 km2, chiếm 45,28% diện tích tự nhiên của cả nước; đây là vùng có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, địa hình đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tham luận tại Hội nghị.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan tham luận tại Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, hoạt động sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Có 25/28 địa phương có chỉ số IIP tăng trưởng dương so với cùng kỳ, 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội.

Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, duy trì đà tăng trưởng tích cực, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của các địa phương; giá cả hàng hóa được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc 6 tháng năm 2024 ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; đa số các địa phương trong vùng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất khẩu của các địa phương cũng đạt kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu vực nửa đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Toàn cảnh Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, việc tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 còn chậm; tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động; một số địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh nên việc triển khai các quy hoạch quốc gia thuộc lĩnh vực ngành còn hạn chế…

Để tháo gỡ những khó khăn này, tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã cùng nhau thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công thương; đồng thời, kiến nghị đề xuất những chế độ chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong các lĩnh vực: Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công thương; công tác kế hoạch và quy hoạch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết vùng; phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp ưu tiên có tiềm năng lợi thế của các địa phương; kết nối thị trường, cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển các loại hình kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ...

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương; đồng thời tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của ngành đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, lãnh đạo Bộ Công Thương đã trao cờ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XI, năm 2025 cho Sở Công Thương Hà Giang.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dinh-hinh-moi-lien-ket-phat-trien-nganh-cong-thuong-28-tinh-thanh-pho-khu-vuc-phia-bac-170824.html