ĐỊNH HÌNH KHUNG CHIẾN LƯỢC XANH (*): Huy động nguồn lực tài chính xanh

Tiến trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực lớn, trong đó cần quan tâm cách thức để huy động tài chính xanh từ các tổ chức trong nước và quốc tế

Với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, TP HCM đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành "cực thu hút" các nguồn tài chính xanh, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh...

Phát hành trái phiếu xanh

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2023 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của TP HCM tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Đó là cơ hội để doanh nghiệp (DN) đầu tư vào công nghệ xanh, hiệu quả, giảm thiểu chi phí sản xuất và xử lý chất thải.

Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm cách thức để huy động được nguồn tài chính xanh. Ngoài vai trò của các ngân hàng (NH), rất cần sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tài chính quốc tế với cam kết hỗ trợ cho phát triển.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 25-30 tỉ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng để duy trì đà tăng trưởng. Riêng TP HCM chiếm khoảng một nửa con số này. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN đang gặp khó khăn, tín dụng NH chủ yếu là vốn ngắn hạn... thì những kênh huy động vốn gắn với trái phiếu xanh là giải pháp cần thiết.

"Để huy động được nguồn vốn trái phiếu xanh, DN cần có mô hình sản xuất - kinh doanh đáp ứng yếu tố "xanh". Không thể "xanh qua đêm" mà cần thời gian chuyển đổi" - ông Thuân lưu ý.

Thực tế, nhiều DN trong nước đang tìm kiếm nguồn tài trợ để phát triển và nắm bắt các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực dệt may, ngành này đang đứng trước cơ hội lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng sản xuất xanh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu để ngành này tham gia vào sân chơi toàn cầu.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty đã chuyển đổi xanh, bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững... để xuất khẩu vào thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Tỉ lệ nguyên liệu tái chế trong nhiều sản phẩm dệt may đã tăng cao, trung bình đạt 30%-40%, thậm chí 60%. Dẫu vậy, nhiều DN nhỏ khó có khả năng thích ứng với chuyển đổi xanh.

"DN phải có tài chính, đơn hàng thì mới có điều kiện đầu tư chuyển đổi xanh. Đầu tư cho phát triển xanh phải đi đường dài và nguồn vốn lớn. Trong khi đó, DN quy mô nhỏ và vừa có tiềm lực tài chính hạn chế, khó tiếp cận nguồn vốn NH" - ông Giang nêu thực tế.

TP HCM cần tiên phong thu hút các nguồn lực tài chính xanh cho tăng trưởng, trong đó có việc phát hành trái phiếu xanh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thúc tiến độ trung tâm tài chính quốc tế

Theo các chuyên gia, với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, TP HCM có điều kiện rất thuận lợi để thu hút những nguồn tài chính xanh đang có xu hướng gia tăng.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết từ năm 2016 đã thuê Công ty Sheerman (Anh) xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng. Trong Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ thành phố sẽ là một trung tâm kinh tế - tài chính của khu vực châu Á. Việc thúc đẩy tiến độ triển khai đề án trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp DN trong nước có thể tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, nhất là trong xu hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận định trung tâm tài chính xây dựng tại TP HCM phải là trung tâm thế hệ mới với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm. TP HCM cần sớm ban hành chính sách hoặc cho thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với một số công cụ tài chính mới như phát hành trái phiếu xanh, xây dựng sàn giao dịch carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới kết nối với các nước ASEAN để trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực với tầm nhìn toàn cầu.

Các NH thời gian qua cũng chủ động khai thác và phát triển tài chính xanh. Thống kê của NH Nhà nước cho thấy tính đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với dự án xanh tại Việt Nam đạt gần 500.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (47%), nông nghiệp xanh (30%).

Để tiếp cận tín dụng xanh, nhiều DN đã huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) vừa công bố đã cam kết đầu tư 3.500 tỉ đồng, tương đương khoảng 150 triệu USD, vào các trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ do Công ty CP BIM Land và công ty con là Công ty CP Thanh Xuân phát hành.

Khoản tiền thu về được sử dụng để phát triển dự án ở tỉnh Vĩnh Phúc, bao gồm một cộng đồng dân cư thân thiện với môi trường cùng với tổ hợp khách sạn cùng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan khác; giúp chủ đầu tư triển khai giải pháp tiết kiệm nước và năng lượng tại các khách sạn trong hệ thống...

Theo IFC, trái phiếu liên kết bền vững sẽ cung cấp ưu đãi cho BIM Land và Công ty CP Thanh Xuân khi các nhà phát hành tăng cường tiết kiệm nước và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại 3 khách sạn sẽ đạt tiêu chuẩn EDGE - hệ thống chứng nhận công trình xanh của IFC. Các giải pháp này dự kiến giúp giảm được khoảng 4.000 tấn phát thải CO2 mỗi năm, tương đương lượng khí thải nhà kính từ 890 ô tô chạy xăng trong một năm.

TS Lê Thái Hà, Quỹ VinFuture & Quỹ Vì Tương Lai Xanh, nêu kinh nghiệm của các quốc gia tiên phong về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là sớm thiết lập một cơ chế thử nghiệm cho việc huy động vốn trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn bởi các phương thức truyền thống cung cấp vốn không còn phù hợp trong bối cảnh mới.

Tài chính xanh đã phát triển đáng kể

Trong giai đoạn 2017-2022, lĩnh vực tài chính xanh của Việt Nam tăng trưởng trung bình 25%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng tổng thể của nền kinh tế. Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Vinpearl (thuộc Tập đoàn Vingroup), BIM Land (thuộc BIM Group) và EVNFinance trong việc phát hành trái phiếu DN bền vững trên thị trường quốc tế là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, tỉ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ trong toàn bộ nền kinh tế. Điều này cho thấy nhận thức về tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.

"Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế thử nghiệm, cho các mô hình kinh doanh mới và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh và tín dụng xanh. Cần phát triển và hoàn thiện các hệ thống liên quan như sàn giao dịch tín chỉ carbon, sản phẩm giao dịch... Có thể cân nhắc việc thiết lập một NH đầu tư xanh tương tự như Úc, Nhật Bản, Anh, Malaysia... đã thực hiện" - TS Lê Thái Hà gợi ý.

Tăng cường chính sách cho dệt may xanh

Chính phủ đã có chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035-2040. VITAS đang phối hợp Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng quỹ về môi trường để các khu công nghiệp đầu tư nhà máy xử lý nước thải đạt chuẩn, đẩy mạnh sản xuất vải trong nước... Đồng thời, có chính sách về vốn để DN dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững.

"Với tầm nhìn từ nay đến 2050, số hóa và xanh hóa là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Chính sách cho ngành dệt may phải sát với thực tế, nếu không dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh" - ông Vũ Đức Giang đề xuất.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-9

THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/dinh-hinh-khung-chien-luoc-xanh-huy-dong-nguon-luc-tai-chinh-xanh-20230920210559717.htm