Định giá cổ phiếu ngân hàng

Giá chào sàn do DN niêm yết tự quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của CTCK tư vấn, theo đó nhà đầu tư phải nắm được phương pháp tính giá này dựa trên nguyên tắc nào, có khả thi hay không rồi mới tính đến chuyện nắm giữ CP chờ kiếm lời.

Hiện có thêm 1 NH được chấp thuận nguyên tắc niêm yết trên sàn UPCoM ngày 5/10 là LienVietPostBank với giá chào sàn 14.800 đồng. Trong bối cảnh cổ phiếu (CP) NH mới luôn được săn lùng, CP LienVietPostBank vẫn gây được sự chú ý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhà đầu tư cũng phải cân nhắc về chuyện bản thân NH phải kinh doanh tốt hoặc có khả năng giữ giá, nếu không muốn hiệu ứng ngược lại.

Thông thường, việc một NH lên sàn chọn giá chào sàn bao nhiêu sẽ không có gì đáng nói bằng chuyện nó luôn tăng giá vùn vụt ngay sau khi chính thức lên sàn. Thế nên, suốt thời gian qua, nhà đầu tư rút ra được kinh nghiệm là bám sát giá thị trường tự do, đợi ngày lên sàn chính thức thì biên độ dao động giá ít nhất cũng được +/- 20% ở phiên giao dịch đầu tiên. Thực tế có không ít nhà đầu tư thắng ngay ở phiên mở màn trong thời gian qua với CP ngành NH.

Ảnh minh họa

Cụ thể, hồi đầu năm, CP VPBank còn ở quanh mức 20.000 đồng, thì khi lên sàn UPCoM nhiều nhà đầu tư đã hét giá CP này tới gần 50.000 đồng, cho dù các giao dịch phổ biến là quanh 40.000 đồng từ tháng 6 tới nay. Hay như CP VIB, ngay khi chào sàn UPCoM, CP VIB đã tăng trần lên 23.800 đồng/CP, dù sau đó đà tăng bị hãm lại, nhưng mức tăng VIB vẫn tăng mạnh 7,67%, lên 29.100 đồng với 325.100 đơn vị được chuyển nhượng. Dù không tăng hết biên độ cho phép 40% trong lần giao dịch đầu, mức giá của VIB đã cao hơn rất nhiều so với giá của các CP NH quy mô lớn đang giao dịch trên sàn thời điểm đó là Sacombank, Eximbank… thậm chí, vượt cả giá CP của những NH nhóm 1 như CTG của VietinBank đang ở mức 18.800 đồng và BID của BIDV đang loanh quanh mức 20.500 đồng/CP, gần bằng ACB đang ở mức 30.900 đồng và chỉ thua Vietcombank đang dẫn đầu ở mức 38.700 đồng/CP. Trước khi chốt danh sách cổ đông để lên UPCoM, thì giá CP VIB chỉ xoay quanh mệnh giá. Nghĩa là việc lên sàn của CP này đã giúp nhà đầu tư lãi gấp đôi, gấp ba giá trị đầu tư trước đó.

Từ kỹ thuật trên, CP LienVietPostBank chính thức lên sàn UPCoM có không ít nhà đầu tư kỳ vọng sử dụng chiến lược cũ để có lời. Và cũng có ý kiến cho rằng, chỉ cần xem xét lại cách xác định giá CP, nhà đầu tư có thể tính toán được khoản lãi ngay ngày chào sàn. Bởi chỉ trong thời gian ngắn sau khi bán đấu giá cổ phần, hoạt động kinh doanh của NH không có gì đột biến, đồng thời kéo theo cơn sốt trên thị trường UPCoM thì giữ CP nay cầm chắc có lãi. Chưa kể, nếu theo đúng lịch trình mà TS. Nguyễn Đức Hưởng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank nói thì khoảng 6 tháng đầu năm 2018 CP này tiếp tục lên sàn chính thức. Một khi lên sàn chính thức thì giá CP sẽ được định giá tốt hơn nữa. Bởi LienVietPostBank dự kiến sẽ duy trì tăng trưởng một năm bình quân khoảng 30% cả nguồn và sử dụng vốn.

Nhận định về CP mới chào sàn lúc này, một chuyên gia tài chính thừa nhận giá CP NH luôn tăng ngay trong ngày chào sàn là có. Và câu chuyện kiếm lời ngay thời điểm ngày 5/10 đối với CP LienVietPostBank như kỳ vọng cũng có thể xảy ra đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ CP. Tuy nhiên, vị này cho rằng mọi chuyện luôn là thuyết tương đối nên nhà đầu tư cá nhân cũng cần thận trọng ở tất cả các CP chào sàn. Bởi thứ nhất, mỗi NH đều có tiềm lực tài chính mạnh, nên chuyện họ nâng giá trị CP ngay khi chào sàn để sau đó giao dịch bán ra thu lợi về là không khó. Như trường hợp của VPBank, khi thống kê lại người được hưởng lợi giá CP cao thời điểm chào sàn gần như là các nhà đầu tư lớn, không loại trừ cả người nội bộ và người nhà của các lãnh đạo NH tranh thủ bán ra kiếm lời chứ không phải nhà đầu tư cá nhân.

Thứ hai, giá chào sàn do DN niêm yết tự quyết định trên cơ sở tham khảo ý kiến của CTCK tư vấn, theo đó nhà đầu tư phải nắm được phương pháp tính giá này dựa trên nguyên tắc nào, có khả thi hay không rồi mới tính đến chuyện nắm giữ CP chờ kiếm lời. Đã xảy ra rất nhiều trường hợp DN định giá cao hơn hẳn so với giá đang giao dịch trên thị trường tự do, kéo theo tình trạng CP sốt giá, thiết lập mặt bằng giá mới vượt qua khả năng kinh doanh kiếm lời của DN trong những năm sau đó. Nếu không lầm thì có khá nhiều nhà đầu tư tổ chức lợi dụng yếu tố này đã kích thị trường bằng những lệnh đặt mua cực lớn trước đây đối với CP Intresco, Hòa Phát, CC5… trong khi biết chắc rằng, khó có nhà đầu tư cá nhân nào nắm số CP cao như thế, nhưng thông tin về giá mua đã kịp đồn thổi trên thị trường, do vậy thị giá một số CP nhanh chóng tăng lên và “làm giá” chẳng phải là việc quá khó khăn…

Lâm Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/dinh-gia-co-phieu-ngan-hang-68296.html