Định danh số nhà: lợi ích và thách thức

Vừa qua, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đáng chú ý, đại diện C06 cho biết, quá trình phối hợp với bưu điện, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản (BĐS) thông qua kế hoạch định danh số nhà, triển khai sàn giao dịch BĐS quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức giao dịch.

Ảnh minh họa: Int

Việc định danh số nhà nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 13 về lập lại trật tự, khắc phục những bất cập với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.

Theo đó, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu, Bộ Công an có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. C06 sẽ phối hợp bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà. Kế hoạch này còn giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho Nhà nước thông qua việc tận dụng những dữ liệu đã có sẵn để liên thông, không phải chờ làm sạch dữ liệu về BĐS.

Về mặt lợi ích, có thể thấy việc định danh số nhà sẽ giúp cơ quan quản lý nắm rõ thông tin về chủ sở hữu BĐS, bao gồm số lượng bất động sản mà họ sở hữu. Điều này cũng sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, trốn thuế, rửa tiền... hay giảm thiểu tham ô, tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc định danh số nhà sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quản lý một cách hiệu quả hơn, chẳng hạn như thu thuế, cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy...

Ngoài ra, việc định danh số nhà sẽ giúp người dân giao dịch BĐS thuận tiện hơn, tránh tình trạng nhầm lẫn địa chỉ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc định danh số nhà cũng có những thách thức như: chi phí đầu tư lớn, bao gồm chi phí thu thập, cập nhật dữ liệu. Đặc biệt, vấn đề được nhiều người cho là đáng lo ngại nhất là an toàn thông tin khi dữ liệu về định danh số nhà có thể bị những đối tượng lợi dụng cho các mục đích trái pháp luật.

Bởi vậy, để giải quyết những thách thức này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Quan trọng nhất, cần có sự đồng thuận của người dân để việc triển khai kế hoạch định danh số nhà đạt được hiệu quả.

Để làm được điều này, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về kế hoạch định danh số nhà, giúp người dân hiểu rõ về mục đích và lợi ích của kế hoạch, từ đó đồng thuận với việc triển khai. Đồng thời, cần xây dựng, củng cố những quy định pháp luật để bảo vệ quyền riêng tư của người dân, giúp đảm bảo quyền riêng tư của người dân khi thực hiện định danh số nhà.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//dinh-danh-so-nha-loi-ich-va-thach-thuc-358266.html