Điều tra dư luận xã hội về tình hình kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Trong tháng 11/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc điều tra dư luận xã hội bằng hình thức điều tra trực tiếp tại 18 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình) tại 6 huyện: Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Sốp Cộp, Phù Yên, Mường La.

Số phiếu điều tra phát ra là 1.500 phiếu, được chọn theo phương pháp chọn mẫu có chủ định, gồm cán bộ, đảng viên và nhân dân đang sinh sống, công tác trên địa bàn các xã thực hiện Chương trình. Kết quả điều tra cho thấy, đa số các cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền về các chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong thực hiện Chương trình đến người dân tộc thiểu số (đã có85% số ý kiến người dân trả lời đã biết về các chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong thực hiện Chương trình). Đa số người dân đánh giá về hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cơ sở nơi người dân sinh sống hoặc làm việc trong quá trình thực hiện Chương trình tốt hơn so với trước năm 2020 (đều trên 70% số ý kiến trả lời tốt hơn), trong đó, tổ chức Đảng có 91% ý kiến trả lời tốt hơn trước.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy điều tra dư luận xã hội về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại huyện Phù Yên.

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao và chỉ đạo triển khai kịp thời, việc thực hiện Chương trình giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt được một số kết quả bước đầu, đa số các nội dung được người dân đánh giá tốt hơn so với trước khi thực hiện Chương trình. Trong đó, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số; công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm đều có trên 72% số ý kiến trả lời tốt hơn so với trước khi thực hiện Chương trình. Một số vấn đề nổi cộm, phức tạp xảy ra trên địa bàn người dân sinh sống được đa số ý kiến đánh giá là không có hoặc có nhưng không nhiều, như tình trạng du canh, du cư (64% ý kiến trả lời không có); tình trạng thiếu trạm y tế, trường học (56% ý kiến trả lời không có); tình trạng học sinh bỏ học (có 62% ý kiến đánh giá là có nhưng không nhiều). Đánh giá về thu nhập thực tế của gia đình hiện nay so với năm 2020 có 75% số ý kiến đánh giá có tăng, trong đó 11% số ý kiến đánh giá tăng nhiều.

Về hiệu quả thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước trong thực hiện Chương trình đã triển khai, đa số các nội dung được người dân đánh giá tốt hơn về hiệu quả thực hiện (từ 74-85% số ý kiến trả lời tốt hơn). Trong đó, các nội dung: Hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em có 40% số ý kiến trả lời tốt hơn nhiều; nội dung hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em có 39% số ý kiến trả lời tốt hơn nhiều.

Qua điều tra dư luận cho thấy, một số nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình là do xuất phát điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp (75% ý kiến); hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự đồng bộ (62% ý kiến); cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu việc làm, bệnh tật thường xảy ra (60% ý kiến); tác động tiêu cực thiên tai, bão lũ (60% ý kiến).

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến hết năm 2025 trong thực hiện Chương trình, người dân mong muốn các cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các văn bản triển khai thực hiện Chương trình (87% ý kiến). Vận động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình (82% ý kiến). Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (80% ý kiến). Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với đời sống nhân dân và quá trình phát triển của địa phương và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong sản xuất (78% ý kiến).

Phạm Anh Đào (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/dieu-tra-du-luan-xa-hoi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tren-dia-ban-tinh-rDZ7sidSg.html