Điều thai phụ cần làm nếu không muốn mất con trong dịch sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết dễ sảy thai, sinh non… nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.

Biến chứng đẻ non, sảy thai

Nếu trước kia sốt xuất huyết (SXH) hay gặp ở trẻ nhỏ, gần đây bệnh xuất hiện ở cả người lớn và người cao tuổi. Đáng nói nhiều thai phụ cũng không tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh với hàng loạt ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi, nhất là trong giai đoạn gần “lâm bồn”. Những tuần gần đây, các bệnh viện như Khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một số bệnh nhân là phụ nữ mang thai hoặc sau sinh mắc sốt xuất huyết.

Bà bầu nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến viện sớm để tránh tai biến. Ảnh: T.Hiệp

Nhiều bà mẹ cũng lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, nhiều người mất ăn mất ngủ lo phải bỏ thai khi mắc SXH. Như trường hợp chị N.T.H ở Đống Đa (Hà Nội) đang mang thai tuần thứ 12. Trước khi vào viện, chị bị sốt cao liên tục 2 ngày, toàn thân đau mỏi và phát ban. Lo lắng thai nhi bị ảnh hưởng, chị vào viện kiểm tra. Kết quả xét nghiệm chị dương tính với virus Dengue, tiểu cầu có lúc hạ thấp còn 7G/L. Khi có kết quả, chị đã vô cùng lo lắng vì sợ ảnh hưởng thai nhi và phải bỏ thai. Vào viện điều trị, dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ chị đã qua giai đoạn nguy hiểm và không ảnh hưởng đến thai nhi. Lúc này chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Về vấn đề này, theo BS Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bạch Mai chưa có khuyến nghị nào với việc phải bỏ thai khi mắc SXH nên các mẹ bầu không nên quá lo lắng. Khi được điều trị kịp thời sản phụ sinh con vẫn bình thường không ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, phụ nữ mắc SXH khi mang thai sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thứ nhất, trong những ngày đầu bị sốt, thai phụ có thể bị sốt cao. Nếu sốt cao quá sẽ dẫn đến tình trạng nhịp tim thai đập nhanh hơn và một số trường hợp ảnh hưởng đến thai nhi. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 bị SXH, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu máu, dẫn đến hiện tượng SXH chảy máu. Thai phụ cần đến bệnh viện hàng ngày để kiểm tra và theo dõi sát sao, cần thiết nằm viện để theo dõi.

Các bác sĩ cho rằng, thai phụ bị SXH nếu ở những tháng đầu có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Ngoài ra có thể sinh non, biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, tiền sản giật do tình trạng tiểu cầu hạ gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con. Ở những tháng cuối thai kỳ nếu có hiện tượng chuyển dạ trong giai đoạn tiểu cầu máu hạ có thể dễ gặp hiện tượng băng huyết. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho mẹ và thai. Vì vậy, nếu thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ phải nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, với phụ nữ mang thai việc điều trị bệnh nói chung và SXH nói riêng thường khó khăn hơn. Bệnh nhân mang thai bị SXH cần được theo dõi chặt chẽ do nhiều biến chứng dễ xảy ra như ra huyết, đẻ non, sảy thai… Điều trị đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều chuyên khoa như hồi sức, huyết học do cần được kiểm tra công thức máu, tiểu cầu hàng ngày cũng như kết hợp với Khoa Sản của bệnh viện để theo dõi diễn biến tình trạng thai nhi.

Đôi khi thai phụ cần phải dùng thuốc giảm co bóp, giữ thai kết hợp với điều trị SXH và phòng ngừa nguy cơ đẻ non, sảy thai. Chỉ định dùng thuốc như truyền dịch, truyền máu, thuốc hạ sốt, kháng sinh… với thai phụ cũng phải thận trọng tránh ảnh hưởng thai nhi.

Điều thai phụ cần làm nếu không muốn mất con

Khi mang bầu, sức đề kháng của người phụ nữ sẽ giảm xuống cho nên dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng như cúm, Rubella, thủy đậu… Đáng nói SXH trong thời kì mang thai có những triệu chứng rất giống với cảm cúm nên nhiều người rất dễ nhầm tưởng mình bị cảm cúm.

Điều nguy hiểm nữa, trong thai kỳ các dấu hiệu mắc bệnh cũng dễ nhầm lẫn với các triệu chứng khác của sản khoa. Triệu chứng cảnh báo bệnh SXH như đau bụng, ra huyết, ói liên tục thường giống như dấu hiệu động thai, chứ ít ai nghĩ đến SXH. Bởi vậy các chuyên gia khuyến cáo, khi có biểu hiện sốt hoặc có những dấu hiệu bất thường, chị em nên đi khám ngay để tránh nguy hiểm cho mẹ và con.

Phụ nữ mang thai cần chú ý đến các triệu chứng của SXH gồm sốt, đau đầu, đau cơ, khớp, đau sau hốc mắt, phát ban. Thường sốt xuất hiện từ ngày thứ 2 và 7 khi bệnh nhân bị SXH. Trong đó, giai đoạn nguy hiểm có thể rơi vào ngày thứ 4 và 6 sau khi phát bệnh. Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng, sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát huyết tương và cô đặc máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ (thường < 100.000/mm3), bạch cầu hạ, hematocrite tăng (hiện tượng cô đặc máu).

Theo TS.BS Đoàn Thu Trà, hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt và theo dõi dấu hiệu xuất huyết bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày.

Để phòng SXH chị em nên chủ động phòng bằng cách chú ý vệ sinh môi trường, nhà cửa sạch sẽ để không cho muỗi sinh sôi. Mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi, bình xịt muỗi để đuổi và diệt muỗi.

Theo Hà My/GĐXH

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/dieu-thai-phu-can-lam-neu-khong-muon-mat-con-trong-dich-sot-xuat-huyet-758117.html