Điều ông Kim Jong Un suy tính

Các quả tên lửa bắn thử trong tháng 1 đều có tầm ngắn và rơi xa Nhật Bản, thể hiện Triều Tiên đang 'nương tay'. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu họ không đạt được kết quả như ý.

Khi còn 2 ngày nữa là hết tháng 1, Triều Tiên lại phóng quả tên lửa thứ 7 trong tháng, một tần suất chưa từng thấy.

Theo BBC, giới phân tích quân sự nhận định những lần phóng gần đây nhất cho thấy Triều Tiên đang nhanh chóng bước đi trên con đường tới cái đích là sự răn đe hạt nhân đầy đủ và hiệu quả.

“Chúng ta ngạc nhiên vì đã đánh giá thấp công nghệ của Triều Tiên và tưởng rằng lĩnh vực này của Triều Tiên đang khó khăn”, giáo sư Kim Dong Yup, một cựu chỉ huy thuộc Hải quân Hàn Quốc, nói với BBC. “Nhưng thực tế là Triều Tiên chắc chắn đang tăng cường năng lực quân sự nhanh hơn chúng ta tưởng”.

Câu hỏi được đặt ra: Bình Nhưỡng đang có suy tính gì?

Hình ảnh các vụ phóng tên lửa được truyền thông Triều Tiên công bố. Ảnh: Reuters.

Để tấn công hay tự vệ?

Sau những lần thử bắn vào ngày 5/1 và 10/1, Bình Nhưỡng khẳng định đã thử nghiệm thành công “đầu đạn lướt siêu vượt âm” (HGV) và “đầu đạn hồi quyển cỡ lớn có khả năng cơ động” (MARV).

Tuyên bố trên rất quan trọng vì điều này có nghĩa Triều Tiên đang xây dựng công nghệ có thể đánh bại hệ thống phòng ngự tên lửa phức tạp và tốn kém mà Mỹ và Nhật Bản đang triển khai trong khu vực.

“Rất rõ ràng, mục tiêu của họ là phát triển vũ khí có khả năng né tránh và độ cơ động cao, gây trở ngại cho các hệ thống phòng ngự tên lửa, từ đó khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc đánh chặn hoặc phát hiện đầu đạn”, ông Duyeon Kim, thuộc Trung tâm vì một thế kỷ mới của Mỹ, nói.

Đồng tình, giáo sư Kim Dong Yup cho biết “mục tiêu sau cùng của Triều Tiên là làm suy yếu hệ thống phòng ngự tên lửa của đối phương”.

“Mục tiêu chính của Triều Tiên không phải để tấn công mà để bảo vệ bản thân”, giáo sư Kim nói, thêm rằng đất nước này đang cố gắng “đa dạng hóa năng lực răn đe”. Nhận định của giáo sư Kim cũng là quan điểm được chấp nhận rộng rãi trong giới quan sát Triều Tiên.

Hình ảnh ông Kim Jong Un đến thăm nhà máy sản xuất vũ khí được Triều Tiên công bố. Ảnh: South China Morning Post.

Tuy nhiên, cả vũ khí thông thường và năng lực hạt nhân của nước này vẫn cần đi một quãng xa nữa mới có thể trở thành hệ thống răn đe hiệu quả trước các đòn tấn công từ Mỹ và Hàn Quốc. Hơn nữa, cả Mỹ và Hàn Quốc đều liên tục khẳng định không có tham vọng tấn công hoặc hủy diệt Triều Tiên.

Vậy tại sao lãnh đạo của một nước nhỏ với nền kinh tế không mấy giàu có vẫn liên tục dành ra 20-25% GDP vào lĩnh vực quân sự?

Theo chuyên gia Ankit Panda thuộc viện chính sách Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), nguyên nhân một phần là việc Triều Tiên không tin họ có đủ vũ khí để có thể tự vệ đúng mức, trái với cảm nhận từ bên ngoài.

“Tôi cho rằng ông Kim Jong Un không tin tưởng bất cứ ai, bao gồm cả Trung Quốc và Nga, nên ông ấy cảm thấy cần phải xây dựng năng lực vượt quá mức chúng ta có thể coi là đủ”, ông Panda nói.

Kịch bản quen thuộc?

Tuy nhiên, các chuyên gia khác không đồng ý với nhận định của ông Panda.

Giáo sư Brian Myers thuộc Đại học Dongseo, tại thành phố Busan, Hàn Quốc, nhận định Bình Nhưỡng có mục tiêu tham vọng hơn đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của mình.

Ông Myers tin rằng Triều Tiên hy vọng có thể dùng kho vũ khí làm đòn bẩy để đàm phán hiệp định hòa bình với Hàn Quốc và để Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Triều Tiên tin rằng mình sẽ được tự do chinh phục Hàn Quốc, theo ông Myers.

Triều Tiên và Hàn Quốc gần đây đã nhất chí chấm dứt chiến tranh về mặt nguyên tắc. Ảnh: Reuters.

Và về ngắn hạn, Triều Tiên có một mục tiêu khác.

Để trở nên giàu có, Bình Nhưỡng cần Liên Hợp Quốc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân và tên lửa. Và để có hy vọng thực hiện điều ấy, Bình Nhưỡng cần chính quyền Mỹ tham gia đàm phán.

Trong quá khứ, Bình Nhưỡng thường sẽ thu hút chú ý của Washington bằng cách tạo ra khủng hoảng. Theo một số chuyên gia, đây cũng chính là những gì đang diễn ra.

“Đối với tôi đây lại là tín hiệu rất tốt”, giáo sư Kim Youngjun, một thành viên thuộc Ủy ban Cố vấn An ninh Quốc gia của Hàn Quốc, nói.

“Ông Kim Jong Un muốn đưa các buổi thử nghiệm tên lửa tới mức tối đa trước khi bắt tay đàm phán hòa bình. Vì thế, ông ấy muốn thúc đẩy ông Biden ngồi vào bàn đàm phán nghiêm túc với một lộ trình cụ thể”, ông Kim Youngjun nói.

Nhưng nếu như vậy, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ thất vọng, theo BBC vì Tổng thống Joe Biden đang bận bịu với một cuộc khủng hoảng khác: Ukraine. Ngoài ra, ông Biden không hào hứng tương tác với Triều Tiên như người tiền nhiệm Donald Trump.

“Triều Tiên rất giỏi trong việc tự chèn mình vào chương trình nghị sự và chiếm vị trí ưu tiên”, ông Panda nói. “Nhưng tôi nghĩ rằng ông Biden sẽ ít có được lợi ích chính trị gì từ việc gặp ông Kim. Vì thế, ông Biden sẽ chỉ thật sự quan tâm nếu đó là cuộc khủng hoảng lớn”.

Lần gần nhất Triều Tiên thử bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa lần lượt là vào tháng 9/2017 và tháng 11/2017, theo Al Jazeera. Những lần thử vũ khí này đã dẫn đến cuộc gặp chưa có tiền lệ giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Tôi cho rằng khả năng khủng hoảng tái diễn là rất lớn”, ông Panda nói. “Triều Tiên muốn được Mỹ nhìn nhận nghiêm túc. Nhưng thật không may, tôi nghĩ là phía Triều Tiên sẽ không thể sớm nhận được điều đó”.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-ong-kim-jong-un-suy-tinh-post1292773.html