Diệu kỳ tiếng trúc, tiếng tơ

3 năm qua, nhóm Đông Kinh cổ nhạc vẫn dặt dìu tiếng tơ, tiếng trúc của cha ông, lúc thì thảnh thơi kể Chuyện nhạc phố cổ, khi thì tình tứ diễn xướng thơ Nguyễn Duy hay lồng điệu thơ Đức và cả khoan nhặt đưa ca từ nhạc Trịnh Công Sơn vào nhạc cổ Huế…

Nhóm Đông Kinh cổ nhạc diễn xướng thơ Nguyễn Duy mang tên Tiếng thơ - Cõi nhạc tại trường Marie curie Hà Nội.

Ngày 24/10 tới, Đông Kinh cổ nhạc tiếp tục thử nghiệm cuộc chơi mới khi kết hợp nhạc cổ với nhạc đương đại phương Tây tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Còn nhớ, vào tháng 5/2015, không gian giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ rộn ràng nhịp phách, tiếng đàn khi Đông Kinh cổ nhạc lần đầu ra mắt chương trình Chuyện nhạc phố cổ tinh tế, lắng sâu.

Không sử dụng các thiết bị khuếch đại âm thanh, các nghệ sĩ, trong đó có nhiều người được xem là bậc thầy của ca và nhạc cổ như NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Bình, NSND Minh Gái, NSƯT Đức Mười… cứ thong thả buông lời hát đằm thắm quấn quyện tiếng trúc, tiếng tơ.

Đi suốt qua 13 số của Chuyện nhạc phố cổ trong hơn một năm, vốn cổ cha ông với đủ bộ môn như chèo, tuồng, ca trù, hát văn, ngâm thơ mới… lần lượt được giới thiệu đến khán giả hôm nay dù rất cầu kỳ, kỹ càng từ lối hát, lối diễn đúng theo khuôn mẫu đến tiếng đàn phải được ngân lên từ những dây tơ mà sao rót vào lòng người biết bao cung bậc cảm xúc…

Nhưng không chỉ dừng ở đó, tiếng trúc - tiếng tơ của cha ông còn được Đông Kinh cổ nhạc mạnh dạn thử nghiệm biết bao lần với những đêm nhạc cổ không chỉ biểu diễn ở Việt Nam mà còn biểu diễn ở Pháp như Tiếng trúc tiếng tơ; Tố nữ dân ca.

Đặc biệt, người sắp trò Đàm Quang Minh của Đông Kinh cổ nhạc còn mạnh dạn thử nghiệm đem nhạc cổ diễn xướng thơ – không chỉ thơ Việt mà còn lồng điệu cho cả thơ thế giới.

Lần đầu tiên diễn xướng thơ Nguyễn Duy mang tên “Lời ru tre xanh” sang các hình thức thể hiện của chèo, tuồng, ngâm thơ mới, ca trù…, các nghệ sĩ đã không khỏi bồi hồi đón chờ những phản hồi từ khán giả.

Từ thử nghiệm ban đầu ấy, Đông Kinh cổ nhạc tiếp tục mạo hiểm bước vào thử nghiệm lồng điệu cho thơ Đức – thơ Jan Wagner với Biến tấu thùng nước mưa (hồi tháng 5 vừa qua) và thơ Henric Heiner với Trữ tình, lãng mạn và cổ truyền (hồi đầu tháng 10/2017) khi nhận được lời đề nghị từ Viện Goethe Hà Nội.

Hay như hồi cuối tháng 9 năm nay, nhóm cũng đã thử nghiệm đưa ca từ của Trịnh Công Sơn vào ca nhạc cổ truyền Huế trong chương trình Vọng cố đô.

Sau mỗi thử nghiệm, mỗi thành viên Đông Kinh cổ nhạc vẫn không khỏi hồi hộp để rồi lại vỡ òa hạnh phúc khi hiểu ra rằng: Vốn cổ của cha ông nào có xưa cũ mà còn có năng lực diệu kỳ khi kết nối cảm xúc thanh âm trong tâm hồn mỗi người (không phân biệt dân tộc nào) từ xưa đến nay. Quan trọng là thế hệ hôm nay biết trân quý, giữ gìn và phát huy ra sao mà thôi.

Cần mẫn suốt mấy năm qua với biết bao nhọc nhằn, vất vả và hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận nhưng các nghệ sĩ của nhóm Đông Kinh cổ nhạc luôn gọi đấy là những cuộc chơi thỏa niềm đam mê nghệ thuật của mình.

Đã thế, Đông Kinh cổ nhạc giờ đây không chỉ có các bậc nghệ sĩ tài danh như NSND Thanh Hoài, NSND Xuân Hoạch, NSND Minh Gái, NSƯT Đức Mười… mà còn đang cuốn hút nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đến từ các nhà hát dân tộc như NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ Hà Thảo…

Ngày ngày, cùng với người sắp trò Đàm Quang Minh hay những người bạn tâm huyết khác, Đông Kinh cổ nhạc vẫn luôn làm nức lòng bao người yêu nhạc cổ dân tộc không chỉ qua những bài bản chuẩn mực mà còn qua nhiều thể thức thử nghiệm độc đáo của mình.

Vào tối 24/10 tới, nhóm Đông Kinh cổ nhạc tiếp tục có cuộc phiêu lưu mới khi cùng phối hợp với nhóm nhạc đương đại Hà Nội tổ chức chương trình hòa nhạc Tấm gương ký ức tại phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

“Qua các phần biểu diễn như nhạc cổ Tiếng làng, Ca trù, Kim… qua sự chỉ huy của nhạc trưởng nổi tiếng Jeff Von der Schmidt, chúng tôi lần đầu thử nghiệm kết hợp âm thanh của nhạc khí truyền thống và thanh điệu của ca nhạc cổ truyền để cùng đồng tấu với âm nhạc đương đại. Nếu thử nghiệm thành công thì chúng tôi hy vọng đây sẽ là một chuỗi kết nối mới giữa tiếng nhạc nước ta và các hòa tấu của phương Tây”- anh Đàm Quang Minh chia sẻ.

Thái Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/van-hoa/dieu-ky-tieng-truc-tieng-to-382967