Điều kiện Triều Tiên áp đặt với Mỹ để đổi lấy việc từ bỏ hạt nhân

Theo Sputnik, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In-ryong cho biết, Bình Nhưỡng ủng hộ việc cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới, nhưng sẽ giữ nguyên kho vũ khí nếu Mỹ vẫn còn sở hữu hạt nhân.

Chỉ khi Mỹ từ bỏ hạt nhân

Triều Tiên cho rằng, việc sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa chỉ là biện pháp phòng vệ của nước này.

“Triều Tiên luôn ủng hộ cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân và các nỗ lực giải giáp hạt nhân trên toàn thế giới, nhưng chừng nào Mỹ, quốc gia luôn đe dọa Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân, không công nhận Hiệp ước cấm hạt nhân, Triều Tiên cũng có quyền không công nhận”, Phó Đại sứ Triều Tiên Kim In-ryong cho biết.

Nhà ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, việc sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa chỉ là biện pháp phòng vệ của Triều Tiên, bởi không quốc gia nào trên thế giới phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ như Triều Tiên.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã ở mức căng thẳng cao độ, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Đại sứ Triều Tiên cho biết thêm.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang nhanh vì Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành nhiều giải pháp trừng phạt Triều Tiên nhằm kiềm chế nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Hồi cuối tháng Chín, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chia sẻ với phóng viên rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên chiến với Bình Nhưỡng và Triều Tiên có quyền áp dụng các biện pháp đối phó với Mỹ, trong đó có việc bắn hạ máy bay Mỹ. Ông Trump trước đó đã nhiều lần gợi ý về khả năng giải quyết bằng hành động quân sự cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Thời điểm đàm phán

Triều Tiên được cho là cần thêm hai bước nữa trước khi hoàn thành mục tiêu chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Một quan chức Triều Tiên khẳng định, Bình Nhưỡng vẫn mong muốn phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ và nước này cũng sẽ không tính đến chuyện đàm phán với Mỹ nếu chưa đạt mục tiêu đó.

Triều Tiên không từ bỏ việc ngoại giao, nhưng “trước khi có thể ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền của ông Trump, chúng tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến Mỹ rằng, Triều Tiên có khả năng phòng thủ và tấn công chắc chắn để chống lại bất kỳ sự công kích nào từ phía Mỹ”, vị quan chức trên cho hay.

Vị quan chức này cũng cho rằng, Triều Tiên cần thêm hai bước nữa trước khi hoàn thành mục tiêu chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trong đó, bước đầu tiên là tiến hành một vụ nổ hạt nhân trên mặt đất. Việc này được cho là tương tự như những gì mà Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã từng cảnh báo tại Liên Hợp Quốc rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cân nhắc sẽ cho nổ “bom khinh khí” mạnh chưa từng thấy ở Thái Bình Dương.

Bước còn lại là "thử nghiệm một ICBM tầm xa có khả năng tiếp cận đảo Guam của Mỹ và thậm chí còn xa hơn nữa”, quan chức Triều Tiên cho hay.

Theo ông, cả hai bước này đều là động thái cần thiết để Triều Tiên gửi "thông điệp rõ ràng" nhất tới chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng Bình Nhưỡng có khả năng răn đe hạt nhân hiệu quả.

Một hoặc cả hai cuộc thử nghiệm này có thể diễn ra cùng lúc với cuộc tập trận hải quân kéo dài 10 ngày của Mỹ - Hàn Quốc, bắt đầu vào ngày 23/10, hoặc có thể trùng hợp với chuyến công du châu Á của ông Trump vào tháng tới, vị quan chức ngoại giao của Triều Tiên thông tin.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dieu-kien-trieu-tien-ap-dat-voi-my-de-doi-lay-viec-tu-bo-hat-nhan-a342886.html