Điều kiện kinh doanh trong Nghị định quản lý phân bón mới: Doanh nghiệp 'bỏ cuộc chơi' vì giấy phép con

Mặc dù được kỳ vọng sẽ ngăn chặn quốc nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành, tuy nhiên, Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón vừa được ban hành có thể đẩy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chỗ phải 'bỏ cuộc chơi'.

Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón vừa được Chính phủ ban hành ngày 20/09/2017, để thay thế Nghị định số 202/2013.

Dây chuyền sản xuất phân bón NPK Đầu trâu.

Chồng chất giấy phép con

Theo đó, Nghị định 108 do Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) chấp bút soạn thảo chỉ trong vòng 6 tháng và là Nghị định hiếm hoi có hiệu lực ngay khi ký ban hành mà không cần phải chờ thông tư hướng dẫn như các Nghị định khác.

So với Nghị định 202, Nghị định mới này đã chuyển cơ quan chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ về quản lí phân bón là Bộ NN&PTNT thay vì Bộ Công Thương. Tuy thống nhất được đầu mối quản lý, nhưng việc “Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày khi ký” (ngày 20/9) đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, do thay đổi cơ chế quản lý từ Bộ Công thương sang Bộ Nông Nghiệp mà đơn vị quản lý là Cục Bảo vệ thực vật.

Các chuyên gia đánh giá, cung cách quản lý như NĐ 108 là phi thị trường, khiến các DNVVN sẽ dần phải “bỏ cuộc chơi” chỉ có các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính hùng mạnh mới có thể vượt qua.

Cụ thể, một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ Mỹ có văn phòng tại TP HCM cho biết, họ muốn nhập khẩu 6 sản phẩm phân bón từ Mỹ về thị trường Việt Nam thì phải qua 8 bước, riêng chi phí khảo nghiệm 6 loại phân bón theo quy định trong Nghị định 108 thì đã phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để thuê các đơn vị khảo nghiệm trong thời gian 2 năm.

Doanh nghiệp này cũng cho biết lượng hàng nhập khẩu sẽ bị ùn tắc do Cục Bảo vệ thực vật chưa triển khai ủy quyền đơn vị kiểm tra chất lượng nhà nước nên lượng hàng nhập khẩu sau nhiều ngày chờ đợi không thông quan được buộc phải đưa hàng vào kho ngoại quan chờ đợi, gây tốn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Nghị định 108/2017 bổ sung thêm sản phẩm phân bón đất hiếm cũng như quy định rất chi tiết các sản phẩm vôi, đá vôi, thạch cao, đolomit… nếu chưa qua chế biến không được coi là phân trung lượng.

“Đội” chi phí khảo nghiệm

Đặc biệt, về quy định yêu cầu các loại phân bón bắt buộc phải khảo kiểm nghiệm trước khi đưa ra thị trường. Tại Mục 2 Điều 13 của Nghị định 108 quy định, chỉ có phân đơn, phân phức hợp, phân hữu cơ và phân hữu cơ truyền thống là 4 loại phân bón không phải khảo nghiệm.

Như vậy, tất tật các loại phân bón khác, ngoài 4 loại kể trên, sẽ đều phải tiến hành khảo nghiệm, ngay cả với các loại phân bón NPK (trộn, một hạt) vốn đã “xưa như trái đất” đều phải đăng ký khảo nghiệm.
Trong khi đó, riêng quá trình khảo nghiệm mất ít nhất 1 năm, qua rất nhiều cấp với vô số giấy phép con. Cùng với đó, sau khi khảo nghiệm phải đạt yêu cầu thì doanh nghiệp mới làm đơn xin công nhận lưu hành sản phẩm để được chuyển qua công bố hợp quy.

Như vậy, các DN sản xuất phân NPK đã bị nhà quản lý siết "hai tròng", đó là vừa khảo nghiệm vừa công bố hợp quy. Nói như ông Trần Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP phân bón Hà Lan, quy định khảo nghiệm phân NPK là rất không hợp lý. Bởi thật ra, NPK đã được thế giới công nhận được sử dụng trong nhiều năm qua. Việc khảo nghiệm là không có ý nghĩa và mất rất nhiều thời gian, chi phí xã hội.

Trong đó, riêng quá trình khảo nghiệm, doanh nghiệp phải lập đề cương đăng ký sản phẩm khảo nghiệm tại Cục BVTV, sau khi được Cục chấp nhận, doanh nghiệp mới được đi thuê đơn vị khảo nghiệm được Cục chỉ định. Cụ thể, ông Hoàng Văn Cường – Giám đốc Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông cho biết, hiện doanh nghiệp có 47 sản phẩm đã được công bố hợp quy và đến ngày 14/12/2017 sẽ hết hạn. Theo nghị định 108 thì DN chỉ còn khoảng 17-19 sản phẩm được công bố lại hợp quy và lưu hành trên thị trường, còn lại sẽ có tới 27-30 sản phẩm phải tiến hành khảo nghiệm và công bố hợp quy lại.

“Riêng chi phí xin khảo nghiệm cho mỗi sản phẩm sẽ mất thời gian 3 năm với chi phí lên tới 1,4 tỷ đồng/1 sản phẩm. Như vậy, với gần 30 sản phẩm đã sản xuất từ lâu nay, doanh nghiệp sẽ mất đến hơn 40 tỷ đồng cho chi phí khảo nghiệm”, ông Cường bức xúc.

Do đó, đại diện Cty Sao Nông cho rằng, để thực hiện việc quản lý ngành phân bón, giảm thiểu tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng cần tăng cường khâu kiểm tra giám sát chứ không phải theo hình thức "xiết chết" doanh nghiệp như hiện nay.

"Chính phủ cần phân vai rõ ràng việc thanh kiểm tra tránh tình trạng như tại NĐ 108 giao phối hợp các Chị cục quản lý thị trường địa phương dẫn tới chồng chéo và phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/dieu-kien-kinh-doanh-trong-nghi-dinh-quan-ly-phan-bon-moi-doanh-nghiep-bo-cuoc-choi-vi-giay-phep-con-118550.html