Điều gì đã đẩy tăng trưởng tín dụng phá kỷ lục?

Điểm chung của hầu hết các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng đầu năm 2017 là dư nợ tín dụng ngắn hạn được đẩy lên mức cao kỷ lục so với những năm gần đây.

Theo số liệu của NHNN tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ trong tháng 4/2017, tín dụng của toàn hệ thống tính đến ngày 20/4 đã tăng 4,86% so cuối năm 2016, mức cao nhất trong 8 năm gần đây.

Còn theo báo cáo tính hình kinh tế tháng 4/2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước tính hết tháng 4 đã đạt 5,2%.

Cũng theo báo cáo này, 5 ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh tín dụng khá cao ngay trong quý 1/2017 gồm LienVietPostBank (tăng trưởng tín dụng 11%), KienLongBank (10,3%), SCB (9%), ACB (8,3%) hay Vietcombank (8,3%).

Ngoại trừ 3 cái tên đầu tiên không công bố chi tiết báo cáo tài chính, bóc tách tỷ lệ tăng trưởng từ tình hình thực tế của ACB, Vietcombank và một số cái tên đã cho thấy sự bất thường trong quy mô tín dụng từ đầu năm đến nay.

Theo Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 của NHNN, kể từ ngày 1-1-2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 60% xuống 50%.

Xếp thứ 4 trong nhóm những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong quý 1/2017, dư nợ cho vay của ACB đã tăng 8,57% trong 3 tháng đầu năm, so với mức 7,61% cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng của ACB lại có sự khác biệt đáng kể.

Nếu như năm 2016, dư nợ tăng trưởng được dồn vào cả 3 kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn (tỷ lệ lần lượt 10,12%, 2,03% và 6,84%) thì đến quý 1/2017, dư nợ ngắn hạn của ACB được đẩy lên 28%, trong khi dư nợ trung và dài hạn giảm lần lượt 12% và 7,37%. Quý 1/2015, dư nợ tín dụng của ngân hàng này tăng 2,47% chủ yếu nhờ mức tăng dư nợ dài hạn (4,62%) trong khi ngắn và trung hạn đều tăng rất thấp.

Tăng trưởng tín dụng của ACB đối với từng phân khúc cho vay trong quý 1 của 4 năm gần đây (đơn vị: %)

Đạt mức tăng lợi nhuận năm 2016 đạt 27%, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ACB tiếp tục đặt kế hoạch tham vọng với lợi nhuận trước thuế đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với con số thực hiện năm 2016. Để đạt được kế hoạch trên, ngân hàng cũng cho biết sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp.

Tương tự ACB, đằng sau con số tăng trưởng tín dụng ấn tượng 8,41% của Vietcombank là dư nợ ngắn hạn ngay từ đầu năm đã đạt mức kỷ lục. Quý 1/2017 cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, tăng trưởng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng này đứng đầu tăng trưởng trong 3 phân khúc dư nợ theo thời gian.

Cụ thể, dư nợ ngắn hạn tăng 9,62% trong quý 1/2017, so với 8,72% của dài hạn và 1,74% của trung hạn. Trong khi đó, quý 1/2016, dư nợ của Vietcombank cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 6,32%, nhưng dồn vào tăng trưởng tín dụng dài hạn (8,97%) và trung hạn (4,44%), trong khi ngắn hạn chỉ tăng 5,38%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ban lãnh đạo ngân hàng này đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 15-16%. Tăng trưởng năm nay của Vietcombank sẽ dồn vào nhóm khách hàng bán lẻ và FDI với mức tăng dự kiến trên 40%, thay vì nhóm khách hàng lớn và xuất nhập khẩu như động lực tăng trưởng những năm trước đó.

VietinBank, BIDV – nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình thị trường, cũng có mức tăng trưởng tín dụng ngắn hạn cao hơn nhiều so với tổng tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm 2017. Như trường hợp của BIDV (tăng trưởng 4,81%), tăng trưởng dư nợ ngắn hạn trong quý 1/2017 đạt 7,01%, trong khi dư nợ trung hạn giảm 3,13% và dài hạn chỉ tăng 5,37%. Đây là là năm đầu tiên trong nhiều năm gần đây kể từ khi bước ra khỏi dư âm của khủng hoàng, dư nợ ngắn hạn của ngân hàng này trong quý 1 tăng trưởng cao hơn tổng 2 phân khúc kỳ hạn còn lại.

Hay như VietinBank tăng trưởng tín dụng 5,4% cũng diễn ra tình trạng tương tự khi dư nợ cho ngắn hạn đã được đẩy lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2017 của một số ngân hàng top đầu trong 4 năm gần đây (đơn vị: %)

So sánh tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tín dụng ngắn hạn (đơn vị %)

Cùng với Vietcombank, dư nợ tín dụng 3 ngân hàng chiếm khoảng 40% toàn thị trường. Dư nợ cho vay ngắn hạn của nhóm các ngân hàng này trên tổng dư nợ cũng đạt từ 47% - 57%, thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ cho vay ngắn hạn cao trên thị trường.

Tuy vậy, tại nhóm ngân hàng tầm trung với tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian gần đây như VPBank và VIB, tăng trưởng tín dụng trong quý đầu tiên chủ yếu nhờ đẩy mạnh tín dụng trung và dài hạn. VPBank với thị phần khoảng 3% toàn thị trường tính đến cuối năm 2016, đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 5,17% trong quý 1/2017, chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng trung hạn hơn 26% trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,8% còn dài hạn giảm 18,4%. Tương tự, tăng trưởng tín dụng của VIB trong 3 tháng đầu năm cũng chủ yếu nhờ dư nợ dài hạn tăng 13,3%, trong khi ngắn hạn gần như không thay đổi.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra động lực tăng trưởng mới thông qua kênh khách hàng bán lẻ và đẩy tín dụng thông qua các kỳ hạn ngắn, việc gia tăng dư nợ ngắn hạn cũng cho thấy ý định tái cơ cấu lại kỳ hạn vay của các ngân hàng.Theo Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 của NHNN, kể từ ngày 1-1-2017, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 60% xuống 50%.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng tín dụng đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn, giảm tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn. Đây có thể là động thái cho thấy các tổ chức tín dụng cũng đang chủ động cơ cấu lại kỳ hạn cho vay và huy động để giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn trong tổng tín dụng đã tăng từ 44,9% tại thời điểm cuối tháng 12/2016 lên 45,5% tại thời điểm kết thúc tháng 3/2017.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sở dĩ tín dụng trong 4 tháng đầu năm tăng nhanh là bởi vốn từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) giải ngân chậm. Tuy nhiên, tốc độ đã được cải thiện từ tháng 4, vốn từ NSNN sẽ bù đắp lại cho khoản vốn tín dụng đã phải bù ra trước đó.

Theo số liệu của SSI Retail Research, vốn đầu tư ngân sách tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với mức tăng 4 tháng đầu năm 2016. Tổng vốn đầu tư ngân sách giải ngân là 64,4 nghìn tỷ, chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong khi tăng trưởng 4 tháng 2016 là 11,5%.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/dieu-gi-da-day-tang-truong-tin-dung-pha-ky-luc--20170602105413744p4c149.news