Điều gì có thể xảy ra tiếp theo những màn khẩu chiến Mỹ-Triều Tiên?

Trong bối cảnh cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên ngày một dữ dội những tuần trở lại đây, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu rằng hai quốc gia này có thực sự bắt đầu một cuộc đối đầu tổng lực.

Mỹ - Triều đang có màn đối đáp đầy thách thức đe dọa lẫn nhau nảy lửa.

Trước đó, bày tỏ trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/8 có viết: “Các phương án quân sự đã hoàn tất, đạn đã lên nòng, nếu như Triều Tiên hành xử không khôn ngoan. Hi vọng ông Kim Jong-un sẽ lựa chọn con đường khác”.

Đoạn tweet xuất hiện được cho là lời đáp trả lại tuyên bố của Triều Tiên đe dọa đang cân nhắc tấn công bằng 4 tên lửa tầm trung liên tiếp vào đảo Guam – lãnh thổ Mỹ tại Thái Bình Dương nơi tập trung nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.

Tuy nhiên, theo Michael Madden – một chuyên gia tại Viện Mỹ-Hàn thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, chẳng có ám chỉ nào từ những tuyên bố đó cho thấy có “một điều gì hữu hình thực sự sẽ diễn ra”.

Chuyên gia Madden cho biết Bình Nhưỡng rất thận trọng trong việc lựa chọn ngôn từ. Ông giải thích: “Triều Tiên rất cẩn trọng trong việc xây dựng các tuyên bố… Và nếu chúng ta bàn đến hai tuyên bố xuất phát từ Lực lượng Chiến lược Triều Tiên, lực lượng tên lửa, thì đó toàn là ngôn ngữ giả định… Họ liên tục dùng ‘chúng tôi đang nghiêm túc cân nhắc’, họ vẫn chưa làm điều gì hết”.

Theo ông, phương Tây đang hoàn toàn đánh giá thấp Triều Tiên. Madden chỉ ra: “Một điều mà chúng ta đánh giá thấp là sự hiểu biết của các nhà làm chính sách Triều Tiên về chính trị của Mỹ cũng như nền chính trị toàn cầu. Họ phức tạp hơn nhiều chúng ta nghĩ về họ”.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng đang có sự “mất kết nối” giữa một vài nhà lập chính sách đối ngoại chủ chốt của Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng hai nước leo thang, Nga và Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Washington và Bắc Kinh chủ động giảm bớt căng thẳng.

Trả lời báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 11/8 cho biết nguy cơ cuộc xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên trở thành một cuộc chiến là rất cao, đặc biệt khi xem xét các lần đối đáp “khoa trương” giữa hai nước.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục Mỹ và Triều Tiên hạn chế các hành động thù địch, để giảm bớt căng thẳng giữa hai bên.

Báo mạng Global Times của Trung Quốc có bài viết ám chỉ Bắc Kinh sẽ giữ thái độ trung lập một khi Triều Tiên tấn công Mỹ. Thậm chí Trung Quốc sẽ ngăn cản nếu Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tấn công nhằm lật đổ chế độ Triều Tiên và thay đổi cấu trúc chính trị trên Bán đảo Triều Tiên”.

Song theo ông Madden, rõ ràng Bắc Kinh cũng chẳng vui vẻ gì với việc Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa và hạt nhân.

Học giả này chỉ rõ chính sách của Bắc Kinh có phần không đồng nhất: một mặt Trung Quốc chần chừ trong việc cô lập quốc gia láng giềng gây rối, nhưng mặt khác ban lãnh đạo Trung Quốc lại nhất trí thực hiện một gói trừng phạt của Liên hợp quốc chống đối Triều Tiên.

Ông Madden giải thích sự bất ổn ở Triều Tiên có thể gây ra vấn đề an ninh nghiêm trọng đối với Trung Quốc, trong đó bao gồm cả làn sóng người tị nạn từ quốc gia này tràn sang. Bên cạnh đó, một trong những lí do Trung Quốc đang tìm cách gia nhập vào các quốc gia trừng phạt là “họ hi vọng điều này có thể tạo điều kiện giúp họ khởi động các cuộc đối thoại, đàm phán 6 bên, đa phương hay thậm chí song phương với Triều Tiên”.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn//the-gioi/dieu-gi-co-the-xay-ra-tiep-theo-nhung-man-khau-chien-mytrieu-tien-20170813080154626.htm