Điều chỉnh tiêu chí tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Sáng nay, 14/4/2023, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

42 doanh nghiệp được cải thiện, hoặc duy trì mức độ tuân thủ

Báo cáo tại hội nghị, ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, sau 6 tháng thí điểm, đến nay, cơ quan hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời cùng xây dựng Kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 207 DN tham gia chương trình trên toàn quốc, trong đó đa số là các DN hoạt động chế xuất, gia công sản xuất xuất khẩu.

Cơ quan hải quan mong muốn các DN tiếp tục hợp tác với cơ quan hải quan trong việc trao đổi, cung cấp, cập nhật thông tin DN, đồng thời tích cực thực hiện các nội dung tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong kế hoạch hành động.

Tổng cục Hải quan đánh giá, chương trình đã kịp thời hỗ trợ, giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các DN thành viên chương trình, đảm bảo kịp thời giúp DN nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Qua theo dõi, tổng hợp tình hình DN thành viên chương trình trên hệ thống đánh giá tuân thủ DN cho thấy: bước đầu đã có 42 DN được cải thiện hoặc duy trì mức độ tuân thủ pháp luật hải quan cao, trong đó đại đa số là các DN có hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu.

Qua đó, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng DN khi các DN được hưởng các lợi ích thiết thực trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Lãnh đạo các cục hải quan: Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng cũng đã chia sẻ quá trình triển khai chương trình tại địa phương.

Theo đó, để hỗ trợ cho DN tham gia chương trình, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội nghị đối thoại DN.

Đặc biệt, các đơn vị đã bố trí cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp giải quyết thủ tục, giải đáp vướng mắc cho DN là thành viên của chương trình; một số đơn vị bố trí khu vực giải quyết thủ tục riêng...

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại như công tác kết nối, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị; về tiêu chí lựa chọn DN; về công nghệ thông tin, chưa có hệ thống hỗ trợ nên việc theo dõi phải thực hiện thủ công gây mất thời gian và nguồn nhân lực...

Đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin

Để tiếp tục triển khai chương trình có hiệu quả trên cơ sở đạt được mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan và mang lại sự hài lòng cho cộng đồng DN, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức theo dõi, đánh giá hoạt động của DN và kiểm tra định kỳ việc thực hiện, triển khai các hoạt động hỗ trợ của đơn vị hải quan các cấp trong khuôn khổ chương trình; đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp công tác với các cơ quan trong, ngoài ngành và các bên liên quan nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia chương trình.

Doanh nghiệp tự tuân thủ pháp luật là đối tác tin cậy của hải quan. Ảnh: TL.

Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo đài và các đơn vị, hiệp hội DN trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho DN hoạt động xuất nhập khẩu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của DN khi tham gia chương trình.

Đặc biệt sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng công nghệ, số hóa các thông tin, dữ liệu liên quan trong khuôn khổ chương trình, trong đó tập trung vào các nội dung như: quản lý dữ liệu hồ sơ DN; số hóa quy trình quản lý, tiếp nhận thông tin và phản hồi các yêu cầu hỗ trợ của DN; ứng dụng công nghệ để tự động theo dõi, phân tích, đánh giá quá trình tự nguyện tuân thủ của DN.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, chương trình mới triển khai khoảng 6 tháng nhưng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Việc thực hiện Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một hành động cụ thể của cơ quan hải quan trong tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, do đó đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng DN, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của DN đối với việc tuân thủ pháp luật.

Tới đây, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chỉ đạo các đơn vị cần chủ động hơn nữa trong việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích để DN nắm được lợi ích của chương trình và tích cực tham gia.

Lưu ý một số định hướng, lãnh đạo Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thay đổi tư duy tiếp cận, chọn lọc theo tiêu chí tìm những DN có thể chưa có mức tuân thủ cao, cần sự hỗ trợ để thể hiện được ý nghĩa thiết thực của chương trình.

Đồng thời, xem xét mở rộng số lượng DN tham gia; sửa đổi tiêu chí lựa chọn DN cho phù hợp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin; tăng cường công tác phối hợp; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chương trình...

Mục tiêu đặt ra trong năm nay là số DN tham gia phải đạt tối thiểu 20% so với kết quả thực hiện của năm 2022. Về loại hình DN, ngoài DN sản xuất nên xem xét thêm DN thuộc loại hình kinh doanh, đại lý thủ tục hải quan. Đồng thời phải làm rõ, nổi bật hơn nữa những lợi ích của chương trình mang lại cho cộng đồng DN./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-chinh-tieu-chi-tham-gia-chuong-trinh-tu-nguyen-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-125758.html