Điều chỉnh quy hoạch cho ai?

Khi nhìn vào các bản quy hoạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhất là quy hoạch các khu đô thị mới, chúng ta đều thắc thỏm mừng thầm. Phần lớn các chỉ số như chiều cao, mật độ xây dựng, mật độ dân cư... đều đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của một đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng chỉ một thời gian sau khi triển khai, thực tế lại hoàn toàn khác biệt so với những mô hình rất 'xanh, sạch, đẹp' vẽ ra trên giấy. Có sự khác biệt lớn giữa những bản vẽ và thực tế. Song, rất nhiều trường hợp, không có ai sai phạm. Tất cả vẫn... đúng quy hoạch. Chỉ có điều, quy hoạch ấy đã được điều chỉnh so với những gì vẽ ra ban đầu.

Quy hoạch, dẫu sao cũng là những điều dự kiến. Việc điều chỉnh là khó tránh khỏi nếu những dự kiến không phù hợp với tình hình thực tế. Đây là lý do Luật Quy hoạch đô thị có những quy định về điều chỉnh quy hoạch hết sức rõ ràng. Và nếu theo dõi thông tin báo chí, hầu như không mấy ngày chúng ta không đọc được các quyết định về điều chỉnh quy hoạch với mức độ khác nhau. Chỉ trong vài tháng gần đây, Hà Nội điều chỉnh rất nhiều quy hoạch khu đô thị. Một trong số đó là việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 tại khu đất số 44, phố Triều Khúc (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân). Theo Quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2015, khu đất này có chức năng là đất ở, trường mầm non, đường giao thông. Nay thành phố điều chỉnh sang chức năng đất hỗn hợp gồm nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại, trường mầm non, cây xanh, đường giao thông. Riêng chiều cao của nhà ở theo quy hoạch cũ là từ một đến 20 tầng; mật độ xây dựng là từ 20-40%, nay được điều chỉnh mật độ xây dựng lên 40% và chiều cao lên 27 tầng!

Luật Quy hoạch đô thị 2015 có một quy định đáng chú ý về điều chỉnh quy hoạch. Đó là việc điều chỉnh quy hoạch phải có ý kiến của cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch cũng như các khu vực chung quanh có ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng thực tế, ý kiến của người dân như thế nào dường như không nhiều giá trị. Dự án Discovery Complex ở 302 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) từng liên tục được điều chỉnh nâng tầng. Khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư khu vực, phần lớn người dân không đồng tình với việc chồng tầng. Nhưng giờ nó là một đôi “tòa tháp” khổng lồ, sừng sững 54 tầng. Khi lập quy hoạch, cơ quan chức năng thường xin ý kiến nhiều tổ chức, ban ngành, cơ quan chuyên môn. Song, khi điều chỉnh quy hoạch lại là chuyện khác. Những thí dụ như thế có thể dẫn ra rất nhiều.

Thành phố Hà Nội từng có nhiều quy hoạch dài hạn. Điển hình như năm 2003, thành phố đã có Quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020. Song, hầu hết các “điểm đỗ xe” trên giấy ngày ấy, giờ đã là cao ốc, nhà hàng, khách sạn. Rất nhiều tòa nhà xây dựng “đúng quy trình” nhờ “bàn tay” của người điều chỉnh quy hoạch. Thực trạng thành phố “bí” chỗ để xe thế nào thì bây giờ ai cũng rõ.

Những năm gần đây, ùn tắc giao thông, môi trường không khí ở các thành phố lớn, thay vì được cải thiện, lại có xu hướng nghiêm trọng hơn. Câu hỏi điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích của ai, trách nhiệm đến đâu, đã cấp thiết lắm rồi!

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/chuyen-quan-ly/item/34461702-dieu-chinh-quy-hoach-cho-ai.html