Điều chỉnh kế hoạch vốn cho các dự án, công trình cấp thiết

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10/2023 của tỉnh Ninh Thuận đã đạt nhiều kết quả khả quan, đạt trên 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trên 55% kế hoạch mà HĐND tỉnh giao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, Ninh Thuận cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa để đạt tỷ lệ giải ngân vốn từ 95 - 100%.

Dự án đường đôi Văn Lâm - Sơn Hải (Thuận Nam, Ninh Thuận) nối với quốc lộ 1 sử dụng vốn đầu tư công đang được thi công kiểu cuốn chiếu vì vướng giải phóng mặt bằng.

Nhiều giải pháp hữu hiệu

Theo ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là hơn 3.260 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước hơn 2.545 tỷ đồng; vốn nước ngoài 718.900 triệu đồng. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. UBND tỉnh tiếp tục duy trì 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. UBND tỉnh đã tổ chức 6 cuộc kiểm tra thực tế tại 4 công trình trọng điểm để đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn, như thành lập 12 tổ công tác để đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư về tình hình thực hiện, phân bổ và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, chủ đầu tư xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện quyết liệt để đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đến khâu thực hiện dự án. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới để có cơ sở giao kế hoạch vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định.

Ông Lê Kim Hoàng chia sẻ, trong việc điều hành vốn, UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời, chủ động rà soát thường xuyên hàng tháng các dự án giải ngân chậm, vướng mắc khó khăn, có khả năng giải ngân không hết vốn, kịp thời trình và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất điều chỉnh vốn.

Theo đó, tỉnh đã điều chỉnh vốn của dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) để tăng cho dự án Môi trường bền vững 160 tỷ đồng và dự án Đường vành đai phía Bắc tỉnh 100 tỷ đồng; UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh điều chuyển vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch sang các dự án có nhu cầu.

Ngoài ra, ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn theo thẩm quyền cho các dự án để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Nhờ giải pháp đồng bộ trên, đến hết tháng 10/2023, tỉnh Ninh Thuận giải ngân được trên 1.661 tỷ đồng đạt 56,6% kế hoạch; trong đó, vốn trong nước giải ngân được trên 1.257 tỷ đồng, đạt trên 55% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân được trên 404 tỷ đồng, đạt trên 56,% kế hoạch.

Nỗ lực hoàn thành giải ngân vốn

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều. Do đó, tỉnh rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân hết vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023, như phát động đợt thi đua cao điểm “90 ngày, đêm giải ngân vốn đầu tư công năm 2023”; đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu đề ra.

Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các dự án, công trình cấp thiết đang có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân hết kế hoạch vốn.
Cụ thể là 4 công trình trọng điểm gồm: Dự án Hồ chứa nước Sông Than; Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; Dự án Đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) và Dự án Đường giao thông nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1 và Cảng tổng hợp Cà Ná (huyện Thuận Nam).

Nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án theo kế hoạch đã giao, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp tăng thu ngân sách từ đất đai; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm, nhất là đấu thầu đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt những vấn đề nảy sinh, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh: Qua nguồn vốn được phân bổ cho từng dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư là rất lớn. Do vậy, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán cho khối lượng hoàn thành khi đủ điều kiện. Đối với các dự án khởi công mới năm 2023, phải đẩy nhanh hoàn tất thủ tục pháp lý, tiến độ thi công, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn trong năm 2023.

Đặc biệt, các chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết cắt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ dự án, chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh; báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo, xử lý, giải quyết khiếu nại của người dân về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, các chủ đầu tư, nhà thầu phải xây dựng kế hoạch chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, quý. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến tiến độ giải ngân chậm so với bình quân chung của tỉnh để xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định. Đồng thời, bám sát các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan, kịp thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2023, tỉnh có 22 công trình với vốn đầu tư trên 1.985 tỷ đồng được đầu tư xây dựng; trong đó, có 11 công trình chuyển tiếp và 11 công trình khởi công mới, chưa kể các công trình thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia. Dự kiến đến cuối năm có 6 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 16 công trình chuyển tiếp sang năm 2024 là cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dieu-chinh-ke-hoach-von-cho-cac-du-an-cong-trinh-cap-thiet-20231116145719121.htm