Điều chỉnh hướng tuyến công trình điện cần bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và người dân

Sáng 13/9, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng các dự án điện; trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các công trình đường dây và trạm biến áp (TBA) trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo: Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (đơn vị chủ đầu tư); các sở, ngành, UBND một số huyện liên quan và đơn vị tư vấn xây dựng.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, Bắc Giang đang triển khai 3 dự án gồm: Đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia; xây dựng đường dây TBA 110 kV Yên Lư (Yên Dũng); đường dây và TBA 110 kV Tân Hưng (Lạng Giang). Các dự án này đều gặp vướng mắc.

Dự án đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia có 43 vị trí cột đi qua Bắc Giang (Lục Nam có 26 vị trí cột, Yên Dũng có 7, Lạng Giang có 10). Hiện dự án này đang gặp vướng mắc do tình hình dịch Covid-19 nên đơn vị tư vấn không thường xuyên bám sát địa phương cập nhật những quy hoạch dự án mà tuyến đường dây 220 kV đi qua.

Quy hoạch một số dự án của địa phương chồng lấn vào hướng tuyến đường dây 220 kV nên phải điều chỉnh hướng tuyến, phát sinh kinh phí đầu tư.

Ông Trần Quang Tấn phát biểu.

Đối với dự án đường dây và trạm biến áp 110 kV Yên Lư, một phần hướng tuyến đi trong đất Khu công nghiệp (KCN) Yên Lư hiện chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó có 6 công trình tồn tại trên tuyến chưa được kiểm kê đất và các hạng mục công trình…

Dự án đường dây và TBA 110 kV Tân Hưng hiện quy hoạch nằm ngoài ranh giới KCN Tân Hưng, khi điều chỉnh tuyến đường dây và TBA vào trong đất cây xanh KCN phải điều chỉnh một số hạng mục công trình và hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thông báo công khai, xin ý kiến cộng đồng dân cư mất nhiều thời gian.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tham luận. Đối với dự án đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh, các địa phương, chủ đầu tư nên giữ nguyên thiết kế hướng tuyến ban đầu. Bởi quy hoạch mới của các huyện tích hợp sau khi các dự án được phê duyệt và triển khai xây dựng.

Đại diện Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho rằng, việc điều chỉnh hướng tuyến dự án đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia sẽ làm thay đổi dự án. Đơn vị tư vấn, chủ đầu tư sẽ phải thay đổi thủ tục đầu tư, phát sinh nhiều chi phí tư vấn, xây dựng, GPMB, tốn rất nhiều thời gian thực hiện, chậm hoàn thành dự án.

Ông Ngô Quốc Hội, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh phát biểu.

Đại diện Sở Xây dựng, UBND các huyện Lạng Giang, Lục Nam lại cho rằng việc điều chỉnh hướng tuyến dự án đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia không tốn nhiều kinh phí, bởi chỉ là vi chỉnh (nắn cục bộ 1 số vị trí điểm cột điện), lại tạo thuận lợi cho những quy hoạch mới của các huyện liên quan trong xây dựng các dự án khác đã được phê duyệt.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Thế Tuấn đánh giá cao sự quan tâm, bố trí nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu điện của tỉnh. Bắc Giang luôn đồng hành với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong GPMB, tháo gỡ khó khăn cùng chủ đầu tư.

Tỉnh xác định các dự án điện hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn cung điện cho sản xuất công nghiệp đang thiếu. Đồng chí cho rằng, dự án đường dây 220 kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang vào hệ thống điện quốc gia còn nhiều vướng mắc là do các sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư chưa có tiếng nói chung dẫn đến chồng lấn quy hoạch, các dự án điện triển khai chậm, ảnh hưởng đến nhu cầu hạ tầng điện phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng chí yêu cầu các bên liên quan phải rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này.

Để các dự án điện được triển khai bảo đảm tiến độ, phù hợp với quy hoạch, đồng chí Phan Thế Tuấn yêu cầu các bên cần tăng cường chia sẻ, gặp gỡ, bàn giải pháp, đi đến thống nhất phương án thực hiện tối ưu. Mục tiêu là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, quy hoạch chung của các huyện liên quan và người dân, đặc biệt là sớm đưa các dự án vào hoạt động.

Đồng chí Phan Thế Tuấn kết luận hội nghị.

Đồng chí giao Sở Công Thương làm đầu mối kiểm tra, kiểm soát, lên kế hoạch cụ thể để các bên làm lại thủ tục hành chính liên quan đến quá trình triển khai các dự án như: Kế hoạch, quy hoạch hướng tuyến mới, GPMB,…

Chủ đầu tư cần chủ động bám sát, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và địa phương liên quan thực hiện các thủ tục, giải pháp về điều chỉnh điểm cột, hướng tuyến xây dựng công trình điện. Những hướng tuyến không phải điều chỉnh thì chủ đầu tư và các địa phương cần chủ động GPMB để thi công, không để chậm tiến độ.

Đối với đề xuất thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình đường dây truyền tải điện và TBA trên địa bàn, đồng chí Phan Thế Tuấn đề nghị các bên liên quan thống nhất thực hiện theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đó là áp dụng quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.

Theo đó, dự án đường dây và TBA thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư thì đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư (trừ trường hợp đủ điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai).

Đồng chí giao Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp khảo sát, xác định ngay vị trí định đầu tư xây dựng trạm biến áp 220 kV và các hướng tuyến để Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư, bảo đảm nguồn điện cho các KCN sẽ xây dựng trong thời gian tới; có lộ trình thực hiện, trách nhiệm của từng ngành, địa phương, chủ đầu tư và mốc thời gian hoàn thành cụ thể, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin, ảnh: Đại La

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/411621/dieu-chinh-huong-tuyen-cong-trinh-dien-can-bao-dam-hai-hoa-loi-ich-cua-chu-dau-tu-va-nguoi-dan.html