Điều cần tránh khi mắc bệnh Covid-19

Người mắc Covid-19 nên tránh ăn nhiều đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ... tránh tắm nước lạnh và ngâm mình trong bồn tắm trong thời gian bị bệnh, cần cố gắng vận động trong khả năng, tránh nằm trên giường suốt ngày...

GD&TĐ - Người mắc Covid-19 nên tránh ăn nhiều đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ... tránh tắm nước lạnh và ngâm mình trong bồn tắm trong thời gian bị bệnh, cần cố gắng vận động trong khả năng, tránh nằm trên giường suốt ngày...

Ảnh minh họa.

Tránh ăn nhiều đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn...

Theo ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bị Covid-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy, cần ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu.

Người bị Covid cần kiêng món ăn chiên, rán, nướng bởi các món này sẽ gây khó tiêu, mệt mỏi thêm cho cơ thể. Nên thay thế bằng các món luộc, hấp, nấu. Nguyên tắc dinh dưỡng là cân đối và đầy đủ năng lượng, đủ các nhóm chất dinh dưỡng.

Không tắm nước lạnh, tắm khi mệt nặng hoặc bản thân có thêm bệnh nền

TS. BS Quan Thế Dân, người từng tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương, khuyên người bị Covid-19 nên cẩn thận trong việc xông, tắm. Ông nhấn mạnh: Người suy nhược nặng, người huyết áp thấp, đang mắc các bệnh tim gan thận nặng không nên tắm mà dùng biện pháp tắm khô: lau người nhanh rồi thay quần áo.

Đối với người bệnh Covid-19 nói chung, chỉ nên tắm 2 ngày 1 lần, tắm nhanh, có thể tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 – 10 phút, lau khô người. Không xông hơi hoặc tắm nhiều lần trong ngày vì cũng chẳng làm khỏe hơn mà còn gây hại. Xông hơi quá nhiều lần gây mất mồ hôi, mất các chất muối trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy (Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3): Với khí hậu phương Nam, người bệnh Covid-19 có thể vệ sinh thân thể với nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Gội đầu với nước ấm.

Sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt, đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn. Thời gian tắm gội không nên quá lâu (chia tắm và gội vào thời gian riêng), vệ sinh vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm.

Vận động nhẹ trong khả năng, giữ tinh thần thư giãn. Ảnh minh họa.

Cố gắng vận động trong khả năng, tránh nằm trên giường suốt ngày

Dù mệt mỏi, người mắc Covid-19 nên cố gắng vận động trong khả năng. Trong Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành, chuyên gia y tế khuyên người bệnh cần vận động hợp lý, tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.

Tập luyện, vận động trong giai đoạn này sẽ giúp người bệnh giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn; Tống thải đờm với các trường hợp có tăng tiết đờm; Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp; Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần. Một số bài tập thở, vận động được khuyên dùng cho người bệnh Covid-19 gồm: Các bài tập thở, vận động tại giường, tập giãn cơ, tập thể lực tăng sức bền.

Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường: mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.

Cần giữ tinh thần lạc quan, kiêng căng thẳng, lo lắng

Thời điểm bạn nhận kết quả test Covid-19 dương tính là thời điểm khó tránh được sự lo lắng và căng thẳng. Lo sợ bệnh Covid-19, lo lắng cho người thân, căng thẳng bởi các vấn đề phát sinh do tình trạng dương tính với SARS-CoV-2… Các nghiên cứu đã chứng minh sự lo lắng, căng thẳng không có lợi cho sức khỏe, khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, ảnh hưởng cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.

Trong Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà, Bộ Y tế chỉ rõ nguy cơ của người mắc Covid-19 khi rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần như: Mất ngủ, khó ngủ, khó tập trung; Ăn uống kém, chán ăn; Các bệnh mạn tính (như bệnh dạ dày, tim mạch…) trở nên trầm trọng hơn; Các bệnh tâm thần có thể trầm trọng hơn; Dễ gia tăng uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn…

Để ứng phó với căng thẳng tinh thần, người mắc Covid-19 nên: Tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức về dịch Covid-19, nhất là trên các mạng xã hội… Hít thở sâu hoặc thực hành thiền hàng ngày; Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn.

Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)… Tăng cường giao tiếp, kết nối với những người khác. Chia sẻ về những lo lắng của bản thân với bạn bè, bác sĩ…

Tránh căng thẳng, cần giữ tinh thần lạc quan để vượt qua Covid-19. Ảnh minh họa.

Phòng ở, nhà cửa bảo đảm nhà ở thông thoáng

Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý: Người bệnh cần giữ vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm đường thở thông thoáng nhất có thể, không có nhầy đàm gây cản trở không khí vào ra. Nằm nghỉ nơi ấm áp, không lạnh cũng làm giảm phù niêm mạc, giúp đường thở thông hơn.

Phòng ở, nhà cửa bảo đảm nhà ở thông thoáng. Luôn mở cửa sổ, cửa đi khi có thể.
Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác.

Không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung. Sử dụng quạt, máy lọc không khí.

Rửa tay thường xuyên. Rửa tay là cách giảm lây nhiễm Covid-19 tốt nhất. Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây.

Thời điểm rửa tay: Trước và sau khi nấu ăn. Trước và sau khi ăn uống; sau khi ho, hắt hơi, xì mũi, sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác thải.

Tất cả đồ đạc, quần áo, vật dụng mà F0 sử dụng đều để riêng và ngâm xà phòng ít nhất 30 phút trước khi làm vệ sinh.

Chuyên gia y tế: 5 sai lầm trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà

Trước tình trạng số F0 điều trị tại nhà tăng cao, các F0 không gọi được y tế phường hoặc phải chờ lâu, nhiều F0 tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc gọi bạn bè, bác sĩ quen để xin đơn thuốc, tự điều trị… dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh, vitamin tràn lan. Thậm chí có những F0 tham khảo thông tin trên mạng xã hội, kinh nghiệm rỉ tai… nên kiêng tắm gội trong thời gian mắc bệnh…

Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà) đã chỉ ra 5 sai lầm mà các F0 hay mắc phải trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Đó là xông hơi, đánh gió quá nhiều lần mỗi ngày, vì theo bác sĩ Hoàng, xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus. Xông hơi, đánh gió giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

“Chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, và cũng chỉ nên xông mỗi ngày 1 lần”, bác sĩ Hoàng lưu ý.

Cần dùng kháng viêm corticoid trong những ngày đầu, khi SpO2 còn trên 95%. “Đây là vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng chưa hề thấy suy giảm. Rất nhiều F0 dùng methylprednisolon (4 hoặc 16mg), dexamethasone hoặc prednisolon không đúng”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Theo bác sĩ Hoàng: Kháng viêm corticoid bản chất là thuốc ức chế miễn dịch, khi cơ thể đang sốt cao, chiến đấu quyết liệt chống lại virus, thì lại đưa corticoid vào, ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, khác gì tiếp tay cho virus tấn công, "nhà tôi đây, mời anh xơi". Khi SpO2 còn trên 95%, khi chưa phải thở oxy thì tất cả các nghiên cứu cho đến nay đều khuyến cáo mạnh mẽ: Chống chỉ định dùng corticoid.

Bên cạnh đó, khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng, chống lây nhiễm tốt.

Bác sĩ cho biết, tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus, tuy nhiên đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp các yếu tố khác nữa như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày cả.

Theo bác sĩ Hoàng lưu ý, thay vì tiền mất tật mang, chỉ cần thực hiện tốt các hướng dẫn về bảo hộ và súc họng các dung dịch có chứa povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,20%. Cách súc họng hiệu quả vui lòng Google. Trước và sau khi súc các dung dịch này nên súc thêm nước muối sinh lý. Mỗi ngày có thể súc 3-4 lần.

Trong quá trình tư vấn cho các F0, bác sĩ Hoàng cho hay, nhiều người dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch. Hiện tại, có một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kẽm, vitamin C, D liều cao có thể giúp người bệnh Covid-19 nhanh bình phục hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học là chưa rõ ràng, chưa có tính thuyết phục cao.

“Khá nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con mình, có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm”, theo bác sĩ Hoàng, mỗi ngày chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt.

Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, các bạn có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm chức năng phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới có hiệu quả.

Về việc sử dụng kháng sinh đối với F0, theo bác sĩ Hoàng, kháng sinh không có tác dụng gì với virus.

Thực tế thì một số người cần sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm virus, sức đề kháng giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ cao hơn.

Với các bệnh nhân nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn là có. Những người lúc bình thường hay viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang... thì cũng nên cân nhắc sử dụng kháng sinh sớm để dự phòng. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.

“Tuy nhiên có người dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn”.

Việc lạm dụng kháng sinh về cơ bản không gây chết người như kháng viêm corticoid, nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng.

“Khi sử dụng kháng sinh, nhất thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/dieu-can-tranh-khi-mac-benh-covid-19-YoUwsMY7g.html