Điều bất ngờ về nguyên mẫu Bác Ba Phi - nhân vật Đất rừng phương Nam

Ngày giỗ của Bác Ba Phi, mùng 3 tháng 11 âm lịch hằng năm thường là ngày hội ở ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Hiện, khu lưu niệm Bác Ba Phi nằm ở đây, cùng ngôi mộ của ông và 2 bà vợ.

Hiện vật liên quan đến ông Nguyễn Long Phi, nguyên mẫu nhân vật Bác Ba Phi trong ngôi nhà lưu niệm của ông tại ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, trong đó có bức vẽ được coi là giống Bác Ba Phi lúc sinh thời nhất. Ảnh: TTH

Hiện vật liên quan đến ông Nguyễn Long Phi, nguyên mẫu nhân vật Bác Ba Phi trong ngôi nhà lưu niệm của ông tại ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, trong đó có bức vẽ được coi là giống Bác Ba Phi lúc sinh thời nhất. Ảnh: TTH

Bác Ba Phi từ người thật bước vào huyền thoại

Ông Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, mất ngày 6/12 năm 1964 tại ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau; thọ 80 tuổi chính là nguyên mẫu nhân vật huyền thoại Bác Ba Phi - một biểu tượng văn hóa của Nam Bộ.

Long Phi kết hôn với con gái vị hương quản tế của vùng Rạch Mũi, Cái Rắn, huyện Cái Nước ngày đó nên tục gọi theo thứ bậc là Ba Phi. Ông là con thứ 2 trong một gia đình có 8 anh em.

Ba Phi là một lực điền giỏi võ, giỏi đờn cò, thạo đờn ca tài tử. Ông cùng gia đình chạy dạt vì biến loạn, từ Đồng Tháp sang Cà Mau, sau cùng ngụ vùng đất lâm hoang vu ngày ấy ở U Minh.

Điều đặc biệt là hiện ngôi nhà hương hỏa của gia đình ông đã được gia đình hiến để xây dựng tại đây một khu lưu niệm về ông. Các hiện vật hiếm hoi còn sót lại như dáo mác đi săn, thuyền câu... thì lưu giữ ở Bảo tàng Cà Mau.

Bàn thờ Bác Ba Phi hiện tại. Ảnh: TTH

Bàn thờ Bác Ba Phi hiện tại. Ảnh: TTH

Theo tài liệu lịch sử khẩn hoang Nam Bộ, ông Nguyễn Long Phi được 15 tuổi thì cha ông lâm bệnh qua đời, để lại 3 người em trai và 5 người em gái cho ông chăm sóc.

Đến năm 18 tuổi thì Long Phi bị bọn thực dân Pháp bắt làm phu, đi lính, sau đó ông bỏ trốn tìm đường trở về sống ẩn khuất tại rừng U Minh, vốn là vùng đất hoang vu, ít dân cư.

Sau đó, Ba Phi xin đến làm công tại nhà Hương quản Tế (một chức quan cai quản vùng). Do sức vóc, có tài ăn nói, kể chuyện, quy tụ người làm, ông được Hương quản Tế gả con gái thứ 3 của mình cho là bà Trần Thị Lữ.

Ba Phi cưới con gái vị hương quản, trở nên có nhiều ruộng đất khai khẩn ở xứ U Minh Hạ lúc bấy giờ. Ông dựa vào gia thế nhà vợ đã dần tạo lập cơ ngơi, huy động dân công, tá điền đào được một con kênh giữa rừng tràm U Minh chạy thẳng ra biển Tây để đi lại, vận chuyển nông sản, có thể là kênh Lung Tràm hiện nay.

Cuộc đời Ba Phi có 3 người vợ, chỉ có người vợ đầu được nhắc tới nhiều. Người vợ thứ 2 ông quen biết từ một chuyến buôn bán vận chuyển sản vật lên Mỹ Tho thì gặp và sau đó bà này sinh được một đứa con trai duy nhất cho ông. Vợ cả không có con, nên bà vợ 2 để lại con và ra đi biệt xứ. Hiện ngôi mộ của ông nằm kế 2 bên là mộ của người vợ đầu và vợ ba, còn mộ người vợ hai ở nơi khác.

Hiện nay, trong ngôi nhà sử dụng làm nhà lưu niệm Bác Ba Phi ở ấp Lung Tràm có bà Nguyễn Thị Anh, con dâu ông Nguyễn Long Phi và cháu nội của ông là chị Mỹ Lệ đang sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Anh và Mỹ Lệ, cháu nội Bác Ba Phi với cuốn sách chép các câu chuyện "nói dóc" của Bác Ba Phi đầy đủ nhất. Ảnh: TTH

Bà Nguyễn Thị Anh và Mỹ Lệ, cháu nội Bác Ba Phi với cuốn sách chép các câu chuyện "nói dóc" của Bác Ba Phi đầy đủ nhất. Ảnh: TTH

Giá trị văn hóa của hình tượng Bác Ba Phi đối với Nam Bộ

Cuộc đời Bác Ba Phi đa phần chuyện kể cũng đan xen giữa huyền thoại và thực tế.

Ông Nguyễn Long Phi được Hội Văn nghệ nhân dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian ngày 14/4/2003. Di tích lịch sử cấp tỉnh Bác Ba Phi mới được cấp vào năm 2015. Nhưng huyền thoại Bác Ba Phi thì có từ lâu, đi cùng với lịch sử khẩn hoang Nam Bộ và những câu chuyện lưu truyền về ông rất nhiều người Nam Bộ thuộc nằm lòng.

Có thể thấy những câu chuyện tiếu lâm quen thuộc nhất của Ba Phi tôn ông lên làm "Thánh tổ nói dóc" đã được nhiều thế hệ độc giả cả nước đọc hoài để giải trí. Cái mã văn hóa nói dóc kiểu Ba Phi hòa nhuyễn vào đất biển Tây Nam, trở thành một phần đời sống Nam Bộ, thành biểu trưng của trí tuệ dân gian thời khẩn hoang, vượt ra khỏi ấp Lung Tràm từ lâu và thường được coi là một nét văn dân gian riêng có, độc đáo của vùng đất Nam Bộ.

Việc Ba Phi gắn bó với du kích quân đóng ở rừng U Minh cũng được nhiều người chứng thực. Và có lẽ, từ nguyên mẫu một con người có phần xuất chúng, ông bước vào huyền thoại, trở thành căn nguyên, nhân lên khí chất phóng khoáng Nam Bộ.

Nhà văn Đoàn Giỏi viết tác phẩm văn học Đất rừng phương Nam lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Trong đó, không thể thiếu hình tượng nhân vật Bác Ba Phi. Ba Phi đi vào tâm thức, vào văn học, vào đời sống người dân Nam Bộ rất tự nhiên, biểu tượng cho cuộc sống lạc quan, tính tình phóng khoáng, hài hước và yêu cuộc sống của người dân miền sông nước.

Đường vào khu lưu niệm Bác Ba Phi ở xã Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: TTH

Đường vào khu lưu niệm Bác Ba Phi ở xã Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau. Ảnh: TTH

Người cháu nội Mỹ Lệ mỗi lần ra thăm mộ Bác Ba Phi phải lội nước lắp xắp do khu vực này thường xuyên gặp triều cường. Ảnh: TTH

Người cháu nội Mỹ Lệ mỗi lần ra thăm mộ Bác Ba Phi phải lội nước lắp xắp do khu vực này thường xuyên gặp triều cường. Ảnh: TTH

Căn nhà lưu niệm Bác Ba Phi hiện ở ấp Lung Tràm, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTH

Căn nhà lưu niệm Bác Ba Phi hiện ở ấp Lung Tràm, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: TTH

Mộ Bác Ba Phi và 2 bà vợ. Ảnh: TTH

Mộ Bác Ba Phi và 2 bà vợ. Ảnh: TTH

Với kho tàng truyện kể dân gian để lại, năm 2003, Bác Ba Phi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian”. Ngày 10/9/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã công nhận Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi) là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh.

Thụy Văn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dieu-bat-ngo-ve-nguyen-mau-bac-ba-phi-nhan-vat-dat-rung-phuong-nam-179231013120039779.htm