Diễn viên điện ảnh, xiếc... thuộc ngành học 'nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm'

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư về Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Nhiều ngành nghề nghệ thuật như giáo viên huấn luyện xiếc, nghệ thuật biểu diễn dân ca, diễn viên múa,... lần đầu xuất hiện trong danh mục này.

Nhiều ngành nghề được xếp vào nhóm 'nặng nhọc, độc hại'

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH thay thế thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Theo đó, ở trình độ trung cấp, các nhóm ngành nghề như công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng bao gồm các nghề; Công nghệ kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Xây dựng công trình thủy; Lắp đặt giàn khoan; Xây dựng công trình thủy điện; Xây dựng công trình mỏ; Kỹ thuật xây dựng mỏ... được xếp vào nhóm nặng nhọc, độc hại.

Diễn viên kịch - điện ảnh là ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ảnh: tienphong

Chấn thương, tai nạn trong quá trình luyện tập là điều khó tránh trong quá trình học để theo đuổi nghề biểu diễn xiếc.

Diễn viên múa cũng là một trong những ngành nghề nguy hiểm, độc hại.

Với nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng gồm các nghề: Kỹ thuật xây dựng; Xây dựng cầu đường; Xây dựng cầu đường bộ; Cốp pha - giàn giáo; Cốt thép - hàn; Mộc xây dựng và trang trí nội thất…

Với nhóm ngành Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, bao gồm các nghề: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Điện công nghiệp và dân dụng; Điện tàu thủy; Vận hành nhà máy thủy điện; Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 220 KV trở lên; Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220 KV trở lên; Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 110KV trở xuống…

Ở trình độ cao đẳng, một số nhóm ngành thuộc danh mục nặng nhọc độc hại là Kỹ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường, gồm các nghề như: Luyện gang; Luyện thép; Luyện kim màu; Xử lý chất thải công nghiệp…

Nhóm ngành dịch vụ vận tải gồm: Điều khiển phương tiện thủy nội địa; Điều khiển tàu biển; Bảo đảm an toàn hàng hải; Vận hành khai thác máy tàu…

Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa gồm các nghề: Trắc địa công trình; Khảo sát địa hình; Khảo sát địa chất; Khoan thăm dò địa chất…

Đặc biệt, Thông tư 05 vừa ban hành cập nhật, bổ sung thêm nhiều ngành nghề nghệ thuật vào diện nặng nhọc, độc hại.

Ở trình độ trung cấp, các ngành nghề được bổ sung gồm nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, diễn chèo, diễn tuồng, diễn cải lương, diễn kịch nói, diễn kịch múa, diễn viên kịch - điện ảnh, biểu diễn xiếc…

Ở trình độ cao đẳng, các ngành nghề được bổ sung vào danh mục gồm giáo viên huấn luyện xiếc, nghệ thuật biểu diễn dân ca, biểu diễn xiếc, diễn viên kịch - điện ảnh, diễn viên sân khấu kịch hát, diễn viên múa, thanh nhạc, chỉ huy âm nhạc…

Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Trước đó, thông tư 36/2017 ban hành danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, không có sự xuất hiện của ngành nghề nào trong lĩnh vực nghệ thuật trong danh mục.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng mới được ban hành nhằm mục đích cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà trong thực tế đào tạo mới phát sinh; hoặc những công việc của ngành, nghề trong quá trình học tập, thực hành, thực tập liên quan và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm, sâu sát hơn các ngành học

Trên thực tế, việc ban hành danh mục mới tạo điều kiện để người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi học tập và giảng dạy những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Theo đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải nhận định, đây là tin vui với đông đảo nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. "Các diễn viên, đặc biệt là diễn viên điện ảnh thường làm việc trong điều kiện vất vả, khắc nghiệt về thời tiết, địa hình... Trong khi đó, quy định chi tiết về an toàn lao động cho diễn viên còn hạn chế", NSƯT Bùi Trung Hải chia sẻ với báo chí.

Giáo viên huấn luyện xiếc là một trong những ngành nghề thuộc danh mục ngành, nghề học nặng nhọc,độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp và cao đẳng. Ảnh: Đại đoàn kết

Tuy nhiên, nam đạo diễn cho rằng cần có sự quan tâm sâu sát, tổng thể hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành học diễn viên kịch - điện ảnh nói riêng và các loại hình nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung.

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định thông tư mới ban hành về ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thể hiện sự quan tâm kịp thời của nhà nước với ngành học có đặc thù như biểu diễn xiếc.

"Tôi mong rằng đây là tiền đề để thu hút những tài năng trẻ đến với xiếc. Các em có thêm sự quan tâm, hỗ trợ trong quá trình học nghề, từ đó đảm bảo nguồn nhân lực đầu ra cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam và các đoàn nghệ thuật biểu diễn", NSND Tống Toàn Thắng nói.

Những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được bổ sung chủ yếu nằm ở các lĩnh vực nghệ thuật, khai thác khoáng sản, vận tải, điện, nông - lâm nghiệp, da giày - dệt may, vệ sinh môi trường, thương mại.

Do đó, thông tư được ban hành nhằm mục đích cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà trong thực tế đào tạo mới phát sinh; hoặc những công việc của ngành, nghề trong quá trình học tập, thực hành, thực tập liên quan và chịu ảnh hưởng bởi các yêu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Qua đó tạo điều kiện để người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi học tập và giảng dạy những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 05 có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.

Tiêu chí xác định ngành, nghề học là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được dựa trên sự kế thừa việc xây dựng và thực hiện Thông tư số 36/2017/TTBLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp trình độ cao đẳng và trên cơ sở tổng kết, nghiên cứu thực tiễn, đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương.

Ngành, nghề học được coi là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi có thời gian thực hành, thực tập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo có liên quan đến các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chiếm trên 50% so với tổng thời lượng của chương trình đào tạo của ngành, nghề đó.

N.T.Đ (t/h)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-vien-dien-anh-xiec-thuoc-nganh-hoc-nang-nhoc-doc-hai-nguy-hiem-post252578.html