Diễn viên điện ảnh Trần Quang: Chấp nhận bởi đam mê

Mẹ là con gái Hàng Đào của đất Kinh kỳ nhưng Trần Quang ra thăm lại Hà Nội chỉ có 4 lần trong cuộc đời mình. Đó là năm 1987 dự Đại hội Điện ảnh, năm 1989 duyệt phim "Biệt đội Hắc báo" do chính ông làm đạo diễn, năm 2007 đi cùng con gái Trần Ngọc Thanh Trúc là 1 designer, khai trương nhà hàng Sum Villa Tây Hồ và 2009 ra dự đám tang bạn diễn Phương Thanh (cùng đóng chung phim “Tội lỗi cuối cùng” - ĐD Trần Phương).

Kể cũng là chuyện lạ với chàng diễn viên điển trai, lãng tử một thời của Điện ảnh Việt Nam, bởi ông đã tham gia hàng chục phim nổi tiếng với nhiều đạo diễn và diễn viên ngoài Bắc. Lần này, chúng tôi gặp nhau ở TP HCM trong một buổi chiều thu, nắng vẫn hanh vàng, đổ dài trên dọc đường Sương Nguyệt Ánh. Ông nhíu mày nhìn xa xăm sau gần 20 năm trở về quê hương, phả khói thuốc vẫn dáng dấp của một tài tử điện ảnh thuở nào, giọng Trần Quang trầm lắng: Tôi nhớ Hà Nội và muốn trở về nơi ấy thêm nhiều lần nữa… PV: Hà Nội có điều gì làm ông nhớ nhung đến vậy? Trần Quang: Hôm ra Hà Nội theo lời mời của con gái dự tiệc khai trương Sum Villa Tây Hồ. Tôi nhớ buổi đó vui lắm, gặp lại nhiều bạn bè ở Hà Nội và cả từ Mỹ về. Tan buổi tiệc, có một cô gái là dân chơi nhạc của Nhạc viện Hà Nội ra trò chuyện và nhận ra mình là diễn viên điện ảnh, không nhớ chú đóng phim gì, nhưng chắc chắn là đã xem phim của chú ở Viện Phim quốc gia - phim ngày xưa (cô bé nói thế ). Vì đã đọc nhiều những bài thơ về Hà Nội, những câu hát "nồng nàn hương hoa sữa mùa thu" nên tôi muốn được đi chơi lòng vòng Hà Nội. Cô gái nhận lời chở tôi trên xe máy và chúng tôi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, ngắm Tháp Rùa, chạy dọc đường Nguyễn Du trong hương hoa sữa thơm ngát… Tôi nhớ Hà Nội bởi ký ức đêm thu ấy được đi chơi với một thiếu nữ Hà thành, mà sau đó quên mất tên cô gái… PV: Câu chuyện khá lãng mạn của ông khiến tôi tò mò, ông là người quá vô tâm khi chẳng nhớ tên người bạn đồng hành với mình? Trần Quang: Không nhớ tên và địa chỉ của người ấy, hóa ra lại hay, không thì họ dễ bị làm phiền?!... Cô gái Hà Nội ấy còn rất trẻ và dịu dàng. PV: Thời sinh viên tôi đã được xem vai Trung úy Bình trong phim "Con thú tật nguyền" của đạo diễn Hồ Quang Minh, thú thật vai diễn ấy vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Tôi nhớ bài viết về bộ phim này được thầy Vũ Quang Chính (của Trường ĐHSKĐA Hà Nội khóa học 1986-1991) cho 8 điểm (mà người thầy ấy vốn là người chấm điểm rất chặt trong Khoa Lý luận Phê bình) và với tôi thì điểm phê bình phim ấy cũng là cao nhất. Ông còn những kỷ niệm gì với phim này và thời trai trẻ của mình? Trần Quang với diễn viên cải lương Thanh Nga trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, SX 1971, đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Trần Quang: Để tôi nhớ một con số tương đối chính xác xem nào, tôi đã đóng khoảng 40 phim trước và sau năm 1975 với gần 20 vai chính của các đạo diễn hàng đầu. Đây là một trong những phim tôi thích nhất… Vai diễn đầu tiên của tôi không phải là điện ảnh mà trên sân khấu kịch nói. Tôi đỗ thủ khoa Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn khóa 1 năm 1963. Là học trò của các thầy, giáo sư - nhạc trưởng Nguyễn Phụng, Hoàng Trọng Miên, Vũ Khắc Khoan. Ngày ấy tôi tự nhủ mình rằng, nếu không đỗ đầu thì không nên theo học, mỗi năm không đứng trong tốp đầu của lớp cũng sẽ thôi học. Vì nghệ thuật đòi hỏi trước nhất là năng khiếu và có khả năng. Khả năng bắt chước, hình dung, tưởng tượng rồi khi được học mới ứng dụng vào vai diễn, biết cách làm thế nào để vào nhân vật và ra khỏi nhân vật. Người diễn viên phải luôn luôn kiểm soát nhân vật mình đang diễn ở mọi tình huống, trạng thái. Ngày ấy đã có suy nghĩ là nếu đi theo nghề này là phải đi đến tận cùng của sự đam mê, còn không thì bỏ. Chính sự tận tâm và tự trọng, tự cao ghê gớm ấy mà tôi đã có ngay vai diễn chính trong vở kịch “Thành Cát Tư Hãn” của bậc thầy Vũ Khắc Khoan (là Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn). Vai diễn này đã đi lưu diễn các trường đại học. Rất nhớ kỷ niệm hai đêm diễn ở Viện Đại học Đà Lạt cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Trung, các quan khách được đón tiếp trọng thị hơn diễn viên, chạm đến tự ái vì họ chưa xem diễn xuất của mình nên tôi đã tính toán cách diễn xuất của Đại Hãn để chinh phục khán giả. Cả buổi chiều tôi tập cách ngồi trên ngai vàng, cách cười cao ngạo của kẻ đi chinh phục, cách dang rộng cánh tay ra sao, xuất hiện sừng sững oai phong và tạo ấn tượng thế nào. Vở diễn kéo dài hơn 3 tiếng, màn nhung khép lại, cả khán phòng vỡ òa tiếng vỗ tay hò reo của khán giả: "Hoan hô Đại Hãn, hoan hô Đại Hãn!". Đó là đêm diễn nhớ đời của tôi, sân khấu là như thế đó! Muốn khán giả im là im, khán giả cười mỉm là cười mỉm, cười ồ là cười ồ, và ta có thể làm họ rơi lệ nhiều lần. Đó là cái sướng của sân khấu mà điện ảnh không có được. Mỗi đêm diễn là những trải nghiệm khác nhau. Sau này, con đường nghệ thuật của tôi thênh thang hơn, tôi có nhiều giải thưởng điện ảnh, được phong "Ảnh đế" nhưng vẫn không quên vai diễn Đại Hãn. Và tôi hiểu một điều rằng, giá trị thực của người nghệ sĩ chính là tài năng, anh không có tài năng thì thổi kiểu gì người xem cũng dần biết giá trị thực… PV: Thưa ông, gương mặt nghĩa khí và kiêu hãnh thời vàng son là thần tượng của lớp trẻ Sài Gòn với quần jean, áo jacket kiểu James Dean trong phim "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Vẻ phong trần bí ẩn và đặc biệt là đuôi mắt dài đa tình, nụ cười hiền, hàng ria mép và nụ hôn "Rhett Butler Việt Nam" vẫn khiến nhiều người đẹp si mê ông. Đạo diễn Đào Bá Sơn đã nói đùa rằng, gã trai đa tình hào hoa thuở nào đã trở về Sài Gòn, nhà ai có con gái đẹp không nên cho ra ngoài, ông nghĩ sao? Trần Quang: Trời ơi, tôi chưa nghe thấy câu này bao giờ, nhưng thú thật trên phim là vậy nhưng hồi trẻ ở ngoài đời đâu có dám ăn chơi, đâu có dám bay bướm. Vì đóng hàng chục vai diễn, nhiều vai sang trọng, trí thức, phải giữ mình ghê lắm, từ dáng đi, đứng, nói, cười để không ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Khán giả thì luôn tò mò về nghệ sĩ, nên tôi cũng rất tránh chuyện đi tụ bạ nhậu nhẹt. Hồi đó, cũng do bản tính "kẻ sĩ", tôi luôn tránh nơi ồn ào, tự nhủ nên ăn uống ở đâu, với ai. Người bình thường còn phải giữ gìn, huống chi là nghệ sĩ. Đôi lúc cảm thấy cô đơn nhưng hạnh phúc vì khán giả yêu quý mình. Tôi vẫn đủ tỉnh táo để biết rằng họ thích mình vì điều gì, hay vì cái tên Trần Quang, hay vì nhân vật trên phim. Là diễn viên, có thể bụi bặm phong trần trên phim nhưng vẫn phải trọng nhân cách và giữ mình ở ngoài đời. Từng ấy năm cũng một thời đình đám trên màn bạc nhưng tôi chẳng có điều tiếng gì, vì luôn biết giữ hình ảnh của mình. PV: Quan niệm làm nghề của ông thế nào? Trần Quang: Nghệ thuật là không khoan nhượng, phải chân chính, phải đam mê, không nửa vời và không được đùa với nó. PV: Ở đời theo tôi có hai thứ không thể nói dối được, đó là Nghệ thuật và Khoa học vì nó phải chứng minh, tốt - xấu - hay - dở. Nghĩa là nghệ thuật phải thật? Trần Quang: Nghệ thuật Điện ảnh hay Sân khấu là đưa cái giả thành cái thật (vì thế mới cần tới diễn viên). Có 3 chữ tôi học được từ các bậc thầy, nghệ thuật diễn xuất là HAY - ĐẸP - THẬT, nhưng để biết thế nào là HAY, thế nào là ĐẸP, thế nào là THẬT của nhân vật là cả một quá trình học hỏi, tôi luyện không ngừng. Nghệ thuật là biết biến cái giả thành cái thật. Diễn mà không thấy diễn thì lúc đó mới tạm gọi là thành công trong vai diễn của mình. PV: Theo ông, điện ảnh hiện nay có vì nghệ thuật không? Trần Quang: Điện ảnh chỉ thuần túy vì nghệ thuật thì sẽ chỉ có ít người xem, mà điện ảnh sẽ chết khi phim không có khán giả. Nhưng làm điện ảnh đến nơi đến chốn thì khó vô cùng… PV: Diễn viên điện ảnh Trần Quang ngoài vẻ điển trai và đào hoa, cũng là một người tài năng, là người viết kịch bản phim "Vết thù năm tháng" (chung với Phạm Thùy Nhân), đạo diễn phim "Biệt đội Hắc báo". Sau nhiều năm trở về quê hương, ông thấy điện ảnh mình đổi thay nhiều không? Trần Quang: Tôi chưa bao giờ thấy tuyệt vọng mà còn nhìn thấy tương lai rất sáng của điện ảnh Việt Nam. Trước khi theo gia đình đoàn tụ tại Mỹ, năm 1992, sau đêm ra mắt bộ phim "Biệt đội Hắc báo", tôi đã hứa với khán giả sẽ quay về làm phim ở Việt Nam. Năm 1997, tôi đã mang 250.000 USD về với nhiều dự định nhưng chưa thực hiện được. Ở Mỹ không được làm điện ảnh, tôi kiếm được nhiều tiền bằng những nghề khác nhưng chả có nghề nào làm tôi vui cả. Sống mà không được làm điều mình muốn, mình đam mê thì vô nghĩa lắm. Gần đây tôi xem nhiều phim Việt Nam như "Dòng máu anh hùng", "Huyền thoại bất tử", "Nụ hôn rực rỡ", "Để mai tính"… Nói thực là tôi thích những phim này. Tôi nghĩ khán giả Việt Nam vẫn thích xem phim Việt Nam nếu chúng ta làm hấp dẫn. Các bạn trẻ nhanh và nhạy bén hơn thế hệ chúng tôi nhưng có vẻ họ thèm khát sự nổi tiếng quá sớm mà chưa trang bị được nhiều kiến thức để vào đời. Muốn luyện võ công giỏi phải có nội lực và tu luyện. PV: Và cho đến hôm nay, những dự định của ông vẫn còn đó chứ? Trần Quang: Chưa bao giờ tôi thôi ý định làm phim. Tôi đang chờ đợi một kịch bản hay để đầu tư hoặc đồng sản xuất, nhưng chưa dám quyết liệt đầu tư không phải sợ bị mất tiền mà muốn đem lại cho khán giả điều gì. Khán giả đang chờ đợi, mà tôi thì đã trót hứa quay trở lại. PV: Xa quê hương bằng thời gian của một con người trưởng thành, ông được - mất điều gì? Trần Quang: Được ra bên ngoài nhìn về quê mình để yêu thương và nhớ quay quắt điện ảnh hơn. Được học hỏi thêm nhiều điều hay của điện ảnh Mỹ. Tôi đã đánh mất một thời gian quá dài không được làm nghề. Nếu được làm phim, tôi tâm đắc đề tài "Hào khí Việt Nam", tôi tự hào mình được là người Việt Nam, tự hào về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. PV: Ngày trước và cho đến cả bây giờ, giới truyền thông luôn thấy ông một mình, nhưng hình như, chuyện tình cảm của ông thì không một mình bao giờ cả? Ông là người đa tình và đào hoa thế kia mà! Trần Quang: Tôi không nghĩ về mối tình đầu, mà chỉ mong có mối tình cuối, dừng lại và vững bền. Nhìn trong ánh mắt luôn ngập tràn hạnh phúc về tình yêu của Trần Quang, tôi thấy người nghệ sĩ này có cả 3 điều quan trọng của một người đàn ông: danh, lợi và tình, ông đều có cả, tình thì quá nhiều. Chúc cho sự trở về của ông đạt được điều mong muốn là lại được tiếp tục làm nghề

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/nguoinoitieng/2010/9/137306.cand