Diện tích cây trồng công nghệ sinh học tăng mạnh

Kết quả khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen tại Tây Nguyên. KTNT - Trong năm 2011 thế giới đã có thêm 12 triệu ha cây trồng công nghệ sinh học (cây trồng biến đổi gen) được đưa vào canh tác, tăng 8% so với năm 2010. Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen năm 2011 do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức vào chiều nay (23/2) tại Hà Nội.

Kết quả khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen tại Tây Nguyên.

KTNT - Trong năm 2011 thế giới đã có thêm 12 triệu ha cây trồng công nghệ sinh học (cây trồng biến đổi gen) được đưa vào canh tác, tăng 8% so với năm 2010. Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen năm 2011 do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức vào chiều nay (23/2) tại Hà Nội.

Theo ISAAA, việc cải tiến cây trồng chỉ theo phương pháp thông thường sẽ không thể tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2050. Vì vậy, cây trồng biến đổi gen/CNSH không phải là liệu pháp tổng thể nhưng là giải pháp quan trọng.

Ông Clive James, Người sáng lập và Chủ tịch ISAAA), tác giả của Báo cáo thường niên về cây trồng công nghệ sinh học, cho biết, mức tăng ứng dụng cao chưa từng thấy này là minh chứng cho niềm tin và sự tin tưởng vào cây trồng CNSH của hàng triệu nông dân trên thế giới. Kể từ khi cây trồng CNSH được đưa vào thương mại hóa năm 1996, nông dân tại 29 nước trên thế giới đã đưa ra 100 triệu quyết định về việc trồng và tiếp tục trồng lại trên 1,25 tỷ ha - một diện tích canh tác cây trồng lớn hơn 25% so với tổng diện tích của Hoa Kỳ và của Trung Quốc.

Trong năm 2011, cây trồng CNSH đã được 16,7 triệu nông dân tại 29 nước đưa vào canh tác trên diện tích 160 triệu ha (tăng 148 triệu ha so với năm 2010). Trong số 29 nước canh tác cây trồng CNSH này có tới 19 nước đang phát triển và 10 nước công nghiệp. Với diện tích nă 2011 tăng tới 94 lần so với năm 1996, cây trồng CNSH trở thành công nghệ cây trồng được đưa vào ứng dụng nhanh nhất trong lịch sử gần đây.

Tại các nước đang phát triển, diện tích cây trồng CNSH tăng nhanh gấp đôi và lớn gấp 2 lần so với mức tăng và diện tích trồng ở các nước công nghiệp.

Hiện, các nước đang phát triển đã khẳng định sự yêu thích đối với cây trồng biến đổi CNSH trong năm 2011. Các nước đang phát triển đứng đầu về diện tích trồng cây CNSH là Brazil, Argentina, Ấn Độ, Trung Quốc...

Cũng trong năm qua, diện tích cây trồng CNSH ở các nước đang phát triển tăng 11% so hay tương đương 8,2 triệu ha, tăng nhanh gấp đôi và lớn gấp 2 lần so với mức tăng 5% và diện tích 3,8 triệu ha ở các nước công nghiệp.

Ông James cho rằng, diện tích cây trồng CNSH ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% diện tích cây trồng CNSH trên toàn cầu trong năm 2011 và dự kiến sẽ vượt diện tích trồng của các nước công nghiệp vào năm 2012. Bên cạnh đó, hơn 90% nông dân trên toàn cầu (15 triệu nông dân) là nông dân nghèo tài nguyên ở các nước đang phát triển, tăng 8% (1,3 triệu người) so với năm 2010.

Ông James chia sẻ, có 3 yếu tố cấp thiết để tiếp tục thành công trong việc thương mại hóa cây trồng công nghệ sinh học. Thứ nhất là các nước phải bảo đảm thiện chí chính trị và sự hỗ trợ; thứ hai phải phát triển các công nghệ đặc tính thay đổi định hướng sáng tạo sẽ có tác động cao và thứ ba là đảm bảo việc bãi bỏ các quy định kiểm soát dựa trên cơ sở khoa học và tiết kiệm chi phí/thời gian để cung cấp cho nông dân các công nghệ mới để tiếp tục tăng diện tích và năng suất kịp thời.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nêu nghịch lý, tại sao một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam nhưng vẫn phải bỏ ra hàng triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn gia súc mà trong số đó có rất nhiều là sản phẩm có nguồn gốc từ cây trồng CNSH? Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm chính là với đà tăng dân số như hiện nay ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 50 triệu tấn ngũ cốc và đến năm 2050 con số này lên tới 80 triệu tấn trong khi diện tích đất canh tác ngày một thu hẹp. Vì vậy, việc sử dụng cây trồng biến đổi gen được xem như một giải pháp tối ưu để giải quyết những bất cập trên.

Ông Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp băn khoăn, thế giới đã có rất nhiều năm sử dụng các sản phẩm cây trồng biến đổi gen nhưng đến nay chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ chúng có tác động tiêu cực tới sức khỏe con người cũng như môi trường. Mặc dù VN vẫn đang rất thận trọng trong từng bước đi để đưa loại cây trồng này vào sản xuất song trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều sản phẩm này (ngô, đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc...). Chính vì thế ông Hùng cho rằng, VN không nhất thiết phải kín kẽ như vậy trong việc đưa cây trồng này vào sản xuất.

Thúy Nga

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/khoahoccn/2012/2/32768.html