Điện thoại giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

Tuyến tụy nhân tạo di động được thiết lập với iPhone cải biến đã điều tiết thành công mức đường huyết trong cuộc thử nghiệm với số bệnh nhân tiểu đường Type 1, theo báo cáo mới đây của các nhà nghiên cứu đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine.

Thiết bị "tuyến tụy nhân tạo".

Tiểu đường Type 1 - thường tác động đến trẻ em hay thanh niên - là dạng bệnh mạn tính do tuyến tụy sản sinh ít hay không sản sinh insulin, hormone làm hạ đường huyết trong cơ thể. Insulin hoạt động kết hợp với glucagon, hormone làm tăng đường huyết. Cả hai hormone này cùng kết hợp với nhau giúp đường huyết trong cơ thể được ổn định.

Hiện nay, khoảng 1/3 số bệnh nhân tiểu đường Type 1 phải thường xuyên bơm insulin vào cơ thể để điều tiết đường huyết. Tuy nhiên, phương pháp bơm trực tiếp này không tự động điều chỉnh nhu cầu insulin thất thường nơi bệnh nhân, và cũng không cung cấp glucagon. Thiết bị mới của các nhà nghiên cứu hứa hẹn cung cấp cả 2 hormone quan trọng này và được thực hiện với ít sự can thiệp của bệnh nhân.

Bác sĩ Fredric E. Wondisford, Giám đốc Viện Tiểu đường - Đại học John Hopkins tuy cho rằng kết quả của thiết bị mới rất đáng khích lệ; nhưng ông cũng thận trọng cảnh báo tính hiệu quả và tính thực tế của thiết bị mới còn chưa được thử nghiệm rộng rãi đối với số đông bệnh nhân tiểu đường trong thời gian dài.

Điều trị bệnh tiểu đường được đánh giá là vô cùng phức tạp. Bệnh nhân phải giám sát đường huyết vài lần trong ngày bằng cách chích máu nơi da. Duy trì mức đường huyết an toàn đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác, đặc biệt để ngăn ngừa hiện tượng giảm đường huyết (hypoglycemia) hay đường huyết xuống cực thấp. Hypoglycemia có thể diễn ra rất nhanh mà không có dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân cho nên có thể gây chết người trong trường hợp không cấp cứu kịp thời.

Tuyến tụy nhân tạo là phiên bản thiết bị mới nhất được các nhà nghiên cứu cố gắng cải tiến trong vài năm qua. Hệ thống bao gồm một chiếc điện thoại iPhone 4S kết hợp với thiết bị giám sát glucose, 2 ống bơm và nguồn trữ insulin và glucagon. Một cảm biến được cấy dưới da một bên bụng bệnh nhân để đo lường mức glucose thay đổi giữa các tế bào. Cảm biến chuyển dữ liệu đến smartphone và phần mềm điện thoại bắt đầu tính toán liều lượng insulin và glucagon trong mỗi 5 phút. Sau đó, thuốc được bơm qua ống nhỏ đến 2 điểm truyền nhỏ được gắn ngay dưới da một bên bụng bệnh nhân.

Smartphone cũng có ứng dụng cho phép bệnh nhân nhập thông tin ngay trước khi ăn, cho biết đó là bữa ăn sáng, trưa hay tối cũng như hàm lượng carbohydrate ít hay nhiều. Sau đó, thiết bị sẽ tính toán để quyết định cung cấp các liều lượng chuẩn xác nhất.

Các nhà phát triển thử nghiệm thiết bị trong thời gian 5 ngày đối với 2 nhóm bệnh nhân tiểu đường - gồm 20 người lớn tuổi và 32 thanh niên - và so sánh kết quả với phương pháp bơm insulin thông thường mà các bệnh nhân đang sử dụng. Nhóm bệnh nhân lớn tuổi trong cuộc thí nghiệm được một y tá theo dõi thường xuyên và họ phải lưu trú trong khách sạn trong thời gian 5 ngày. Nhóm thanh niên gồm 16 trai và 16 gái chịu sự giám sát trong một trại hè dành cho các bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi.

Trưởng nhóm nghiên cứu là bác sĩ Steven J. Russell, Phó giáo sư y khoa thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết thiết bị tuyến tụy nhân tạo này cần được tiếp tục thử nghiệm trước khi thương mại hóa sản phẩm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2014/7/83509.cand