Điện thoại AI là gì, có 'cứu' được ngành di động đang trì trệ không?

Các ông lớn công nghệ như Samsung, Apple sẽ tăng cường nhắc đến 'điện thoại AI' trong năm nay với hi vọng kích thích doanh số sau khoảng thời gian khó khăn.

ChatGPT của OpenAI – ra mắt cuối năm 2022 – khiến nhiều người quan tâm đến AI tạo sinh, các mô hình đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ để tạo văn bản, hình ảnh hay video từ lời nhắc (prompt) của người dùng. Từ đó tới nay, sự hứng thú với AI vẫn chưa hạ nhiệt và len lỏi vào mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp.

Các nhà sản xuất smartphone cũng không ngoại lệ. Họ nhìn thấy cơ hội để kích thích doanh số sản phẩm sau thời gian dài khó khăn. Tại MWC 2024 đang diễn ra ở Barcelona, Tây Ban Nha, nhiều tên tuổi lớn như Samsung, Motorola, Xiaomi, Honor… đều nhắc đến AI trên di động. Theo Bryan Ma, Phó Chủ tịch nghiên cứu thiết bị tại IDC, không ai muốn đi sau xu hướng và AI đơn giản là chủ đề “nóng” nhất hiện tại.

Điện thoại AI là gì?

Rất khó để định nghĩa điện thoại AI. Câu trả lời còn phụ thuộc vào người được hỏi. Dù vậy, theo CNBC, các nhà phân tích đều đồng ý với nhau ở vài điểm: đó là chúng phải có chip tiên tiến để chạy ứng dụng AI và các ứng dụng AI sẽ chạy ngay trên thiết bị thay vì đám mây.

Các hãng chip như Qualcomm, MediaTek đã ra mắt chipset giúp kích hoạt sức mạnh xử lý cần thiết để khởi chạy ứng dụng AI. Thực tế, công nghệ AI trên smartphone không hề mới. Một số khía cạnh của AI đã tồn tại trong điện thoại nhiều năm và đứng sau những tính năng như làm mờ hậu cảnh, chỉnh sửa ảnh.

Thứ gia vị mới ở đây là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và AI tạo sinh. LLM mở khóa những tính năng mới như chatbot tạo ảnh, văn bản hay tóm tắt cuộc họp từ prompt. Một phần quan trọng khác nằm ở “trên thiết bị”. Trước đây, nhiều ứng dụng AI trên thiết bị được xử lý trên đám mây sau đó mới tải xuống điện thoại. Tuy nhiên, những con chip hiện đại và LLM giúp ngày càng nhiều ứng dụng AI chạy hoàn toàn trên máy hơn là ở trung tâm dữ liệu nào đó.

Samsung Electronics giới thiệu dòng Galaxy S24 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 15/1. (Ảnh: Reuters)

Các nhà sản xuất smartphone cho biết AI trên thiết bị cải thiện bảo mật, mở ra các ứng dụng mới và chạy nhanh hơn do quy trình xử lý ngay trên máy. Theo nhà phân tích trưởng Ben Wood tại hãng nghiên cứu CCS Insight, cuối cùng, họ muốn đạt đến cái gọi là “điện toán dự báo”, trong đó AI đủ thông minh để học hành vi như một người dùng và làm cho thiết bị trực quan hơn nhiều, dự đoán được người dùng muốn làm gì tiếp theo mà không cần nhiều thao tác.

Điện thoại AI có làm nên “siêu chu kỳ” tiếp theo?

Kỷ nguyên của AI trên thiết bị cùng LLM vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Hồi tháng 1, Samsung khi ra mắt Galaxy S24 Ultra đã “khoe” khả năng AI, một trong số đó là khoanh tròn hình ảnh hay văn bản trên bất kỳ ứng dụng nào rồi tìm kiếm ngay lập tức trên Google. Song, thực tế là nhiều tính năng đó vẫn phải xử lý trong đám mây, theo ông Ma. Ngoài ra, ngay cả khi có AI trên thiết bị, sẽ mất vài năm trước khi nhà phát triển bên thứ ba tìm ra trường hợp sử dụng hấp dẫn mà người tiêu dùng không thể thiếu.

Theo ông Wood, nguy cơ nằm ở chỗ các nhà sản xuất nói nhiều về AI mà không nói đến trải nghiệm mà nó mang đến cho người dùng. “Khách hàng không có ý tưởng gì về điện thoại AI, họ cần thực tế để hiểu”, ông chỉ ra.

Samsung, Google, Apple hay các hãng điện thoại Trung Quốc như Oppo, Honor đều mơ tưởng về “siêu chu kỳ” nhờ AI. Năm 2023, doanh số smartphone toàn cầu giảm xuống 1,16 tỷ đơn vị, mức thấp nhất trong một thập kỷ. Theo dữ liệu từ IDC, siêu chu kỳ cuối cùng trên thị trường smartphone xảy ra từ năm 2010 đến năm 2015, khi thị trường tăng 5 lần từ 300 triệu đơn vị lên 1,5 tỷ đơn vị. Nó diễn ra trong bối cảnh smartphone bắt đầu trở nên phổ biến nhờ sự nổi lên của các ứng dụng “hot” như Facebook, Instagram, WhatsApp, Uber, Snapchat, Twitter, Candy Crush Saga…

“Tăng trưởng xảy ra không phải chỉ vì Apple ra mắt iPhone hay Google công bố Android”, Francisco Jeronimo, Phó Chủ tịch phân tích và dữ liệu IDC, trả lời trên CNBC. Nguyên nhân thật sự dẫn đến siêu chu kỳ là mọi người có thể “bỏ Internet vào túi áo”. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác như khả năng gọi video qua Internet với 3G, chuyển đổi lên 4G đồng nghĩa tốc độ kết nối nhanh hơn.

Nhà phân tích Wood của CCS Insight nhận xét iPhone chính là “đột phá địa chấn” cuối cùng xảy ra trong ngành. “Mọi thứ từ sau đó đều kém đột phá hơn”, ông nói.

Dù vậy, các quan chức của Samsung, Google… đều bày tỏ niềm tin vào AI. James Kitto, Giám đốc bộ phận trải nghiệm di động Samsung tại Anh, cho biết ngành di động đang ở giai đoạn khởi đầu của kỷ nguyên siêu tăng trưởng mới do AI dẫn dắt. Hãng đang nhận thấy nhu cầu thực sự cao. Brian Rakowski, Phó Chủ tịch quản lý sản phẩm bộ phận Google Pixel, cũng dự đoán AI sẽ tạo ra hứng thú mới xoay quanh công nghệ di động. Ông gọi AI là “chìa khóa cho mọi thứ”.

Theo IDC, doanh số smartphone toàn cầu năm nay có thể tăng trưởng 2,4% lên 1,19 tỷ đơn vị và tiếp tục ì ạch trong các năm tiếp theo với tốc độ tăng trưởng từ 2 đến 3% trong giai đoạn 2025-2028. Chuyên gia Wood không tin AI sẽ góp phần tạo ra siêu chu kỳ mới cho điện thoại thông minh mà chỉ giúp duy trì doanh số bán hàng và tạo thêm chút quan tâm vào thời điểm phần cứng ngày càng nhàm chán.

(Theo CNBC)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dien-thoai-ai-la-gi-co-cuu-duoc-nganh-di-dong-dang-tri-tre-khong-2253585.html