Diện mạo mới trên quê hương Gò Nổi anh hùng

Những ngày đầu năm 2024, trong không khí hân hoan chào mừng 94 năm chặng đường vẻ vang của Đảng và chào đón xuân mới, những người dân của quê hương Gò Nổi đã đón nhận một niềm vui phấn khởi sau bao nhiêu nỗ lực trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Xã Điện Trung được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao ngày 18/01/2024

Từ khi 3 xã Gò Nổi được công nhận Xã Nông Thôn Mới vào năm 2014 đến tháng 1 năm 2024 một lần nữa cả 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn Xã Nông Thôn Mới Nâng Cao. Đây là một kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 xã Gò Nổi. Trước niềm vui đó ta hãy cùng nhìn lại một chặng đường lịch sử của quê hương Gò Nổi qua những thăng trầm của thời gian.

Đất Học - Đất Anh Hùng

Từ trước đến nay có lẽ cái tên Gò Nổi đã trở nay thân thuộc với người dân Đất Quảng nói riêng và Việt Nam nói chung. Bởi ít có làng quê nào ở Việt Nam lại có nhiều danh nhân, anh hùng và chịu sự ác liệt của chiến tranh như nơi đây. Trong lịch sử cận đại Việt Nam đã có nhiều người con Gò Nổi đã ghi tên mình trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm rạng danh cái tên Gò Nổi trong lịch sử nước nhà, đó là: Phạm Phú Thứ một tiến sĩ trẻ nhất trong triều đại Nhà Nguyễn, một vị quan yêu nước luôn canh cánh tìm ra con đường canh tân để đưa đất nước ra khỏi lầm than của cảnh nô lệ, một Tổng Đốc Thành Hà Nội Hoàng Diệu đã tuẫn tiết để giữ tròn khí tiết của mình trước thực dân Pháp. Hay vẫn còn đó một Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương,... những con người nguyện một lòng cứu nước dưới ngọn cờ của phong trào Cần Vương, Duy Tân và trung thành với tổ quốc đến giờ phút cuối cùng. Quảng Nam được biết đến danh xưng “Ngũ Phụng Tề Phi” với 5 người đỗ đạt cao trong một kì thi của triều đại Nhà Nguyễn, thì Gò Nổi đã góp 3 trên 5 con chim phụng cho danh xưng đến của Quảng Nam, đó là: Tiến sĩ Phạm Tuấn, Tiến sĩ Phạm Liệu, Phó bảng Dương Hiển Tiến. Và còn nhiều nữa những người con Gò Nổi đỗ đạt cao trong các kì thi của triều đình và các tấm gương trung dũng của buổi đầu chống Pháp gian khổ.

Từ ngày có Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Gò Nổi đã nguyện một lòng trung kiên với lý tưởng cách mạng của Đảng, qua 2 cuộc kháng chiến trường kì gian khổ nơi đây đã trở thành một điểm tựa vững chắc của các cơ quan, đồng chí lãnh đạo của Khu 5 và tỉnh Quảng Nam vì thế Gò Nổi đã trở thành địa điểm đánh phá ác liệt nhất nhì Miền Nam lúc bấy giờ, như câu ca dao đã lưu truyền: “Nhất Củ Chi, Nhì Gò Nổi”.

Hình ảnh quân Mỹ và VNCH rải chất độc hóa học tại Gò Nổi trong chiến tranh được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Trong mưa bom, bão đạn ấy quê hương này đã sản sinh ra biết bao nhiêu tấm gương anh hùng một lòng một dạ son sắc với cách mạng, như câu hát dân ca của người xứ Quảng:

“ Đất Gò Nổi là đất tổ tông

Sinh ra chị Lý, chị Hồng, chị Vân.”

Trần Thị Lý một Người con gái Việt Nam trong thơ Tố Hữu đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu quật cường của nhân dân và người phụ nữ Việt Nam, trở thành ngôi sao sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một Trần Thị Vân anh hùng trong chiến đấu, kiên trung trước đòn roi quân thù, tên của chị được đặt tên cho một nhà máy tại Liên Xô. Hay một Nguyễn Thị Hồng nhiều lần bị thương vẫn dẫn đầu chị em xung phong vào cơ quan Quận Điện Bàn trong Tổng Tiến Công Mậu Thân. Và còn đó một Nguyễn Trọng Nghĩa - một Phan Đình Giót của Miền Nam và nhiều tấm gương oanh liệt của quê hương Gò Nổi anh hùng nguyện một lòng vì nước, anh dũng trước hòn tên mũi đạn của quân thù. Đặc biệt đây còn là quê hương của nữ ngoại giao nổi tiếng, một nữ Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hay các giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực như: Hoàng Tụy, Hoàng Phê, Hoàng Quý,...

Từ “vùng trắng” đến nhịp sống đô thị trên miền quê

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để đẩy lùi phong trào cách mạng nơi đây quân Mỹ đã tiến hành cày ủi và rải chất độc hóa học trên miền quê này khiến một ngọn cây, cọng cổ nơi đây không thể nào sống sót, cả miền quê ấy trở thành một vùng cát trắng bên dòng Thu Bồn. Trong thời gian đó, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có câu thơ ghi về Gò Nổi:

“ Gò Nổi bây giờ không bóng tre

Hố bom, đại bác nát sân hè.”

Bước từ đống hoang tàn đổ nát sau cuộc chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ và chính quyền 3 xã nhân dân vùng Gò Nổi một lần nữa phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông mình. Nhân dân Gò Nổi đã từng anh dũng, kiên trung trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm thì giờ đây nhân dân Gò Nổi một lần nữa anh hùng trong lao động, dựng xây. Những ngày đầu sau giải phóng người dân nơi đây phải tiến hành một công việc vô cùng gian khổ, phải tiếp tục đối mặt với hiểm nguy bởi bom đạn của chiến tranh vẫn còn sót lại trên mảnh đất này. Họ đã đồng lòng không quản ngày đêm để tiến hành san lấp các hố bom, đại bác, chặt phá cây cối để mở đường,... Theo chủ trương của Đảng người dân Gò Nổi luôn phát huy tích cực tinh thần lao động hăng say, vượt lên gian khó để thoát khỏi cảnh đói nghèo, xây dựng lại quê hương. Gò Nổi giờ đây sau 49 năm kể từ ngày giải phóng đã có một sự “thay da đổi thịt” vô cùng mạnh mẽ, miền quê bên bờ sông Thu ấy luôn là ngọn cờ đầu của tỉnh Quảng Nam trong xây dựng các mục tiêu quốc gia về Nông Thôn Mới, vào năm 2014 3 xã Gò Nổi nằm trong 10 xã đầu tiên của tỉnh Quảng Nam về đích các tiêu chí về NTM. Kể từ ấy cán bộ và nhân dân Gò Nổi càng ra sức quyết tâm để xây dựng một diện mạo mới cho quê hương của mình, tiếp tục thực hiện xây dựng các làng quê kiểu mẫu, văn hóa để phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao. Bằng khối óc sáng tạo của mình, cán bộ và nhân dân nơi đây đã xây dựng nhiều mô hình trở thành mô hình điểm của đỉnh, xây dựng các tuyến đường nông thôn trở nên rực rỡ, hiện đại hơn, những tuyến đường giao thông thẳng tắp, đèn điện sáng rực trên khắp mọi nẻo đường. Đến nay tất cả các thôn thuộc 3 xã Gò Nổi đã được công nhận là thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thôn Bảo An (xã Điện Quang) đang phấn đấu xây dựng thành mô hình thôn thông minh. Trong lĩnh vực kinh tế sau 10 năm được công nhận xã NTM tỉ trọng sản xuất nông nghiệp của 3 xã đạt trên 73 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp - TTCN trên 27 tỷ đồng, do đó thu nhập bình quân đầu người của nhân dân Gò Nổi hiện nay trên 55 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với dân số của xã, như: của xã Điện Trung chỉ còn 11 hộ (đây là những hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và không có khả năng thoát nghèo), Điện Phong và Điện Quang không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo. Những nỗ lực, cố gắng và thành tựu đó đã giúp cho xã Điện Quang được công nhận xã NTM Nâng Cao vào năm 2021 và xã Điện Phong, Điện Trung được công nhận đạt chuẩn NTM Nâng Cao vào tháng 1 năm 2024. Đấy là quả ngọt của sự đồng lòng giữa “ý đảng và lòng dân” của cán bộ và nhân dân Gò Nổi, dưới chủ trương của đảng bộ và chính quyền xã người dân đã hiến hàng ngàn mét vuông đất, xây dựng lại hệ thống tường rào cổng ngõ qua đó đóng góp hàng chục tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, diện mạo của địa phương. Tất cả những đổi thay của Gò Nổi hôm nay, là điều mà nhiều người dân nơi đây không thể nào nghĩ tới khi bắt tay vào xây dựng lại quê hương trên vùng cát trắng chẳng có gì ngoài hố bom và bom đạn mà chiến tranh để lại, từ đó có thể thấy rằng ý chí quyết tâm và tinh thần lao động anh hùng của cán bộ và nhân dân Gò Nổi. Xuân mới đang về người dân Gò Nổi trong lòng luôn rạo rực, phát huy truyền thống hiếu học và anh hùng của quê hương hăng say thi đua sản xuất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng một Gò Nổi trở thành một phố thị giữa nông thôn, như câu hát: “ Ai có về quê hương Gò Nổi, miền đất mới giờ đã xanh dâu...”

Anh Tấn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dien-mao-moi-tren-que-huong-go-noi-anh-hung-a22969.html