Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Đường Nguyễn Huệ. Ảnh: Nguyễn Phong

Dấu ấn từ chỉnh trang đô thị

Sau gần một năm thi công, dự án (DA) đường đi bộ ven sông Như Ý có tổng mức đầu tư 276 tỷ đồng đang dần hoàn thiện và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng giữa năm 2024, tạo thêm một không gian dạo bộ, tham quan và ngắm cảnh của người dân và du khách bên cạnh 2 tuyến đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương. Theo thiết kế, đường đi bộ ven sông Như Ý kéo dài từ Đập Đá đến cầu Vân Dương với chiều dài 1,6km, rộng 6m, được lát đá granite, lan can bằng thép không gỉ, sơn tĩnh điện. Toàn tuyến có bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m2 giáp với Đập Đá, cầu vòm dài 36m bắc qua hói Phát Lát và có 11 bến nước; khu vực giáp ranh với nhà dân sẽ được bố trí các tiểu cảnh, cây xanh.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, người dân sinh sống lâu năm ở ven sông Như Ý phấn khởi: “Sông Như Ý là con sông khá đẹp nằm giữa lòng thành phố, hai bên bờ sông có nhiều đình, đền, nhà thờ họ chạy qua nhiều làng cổ như Ngọc Anh, Chiết Bi, Văn Khê… cho đến cầu ngói Thanh Toàn. Vùng đất ven sông có nhiều nhà cổ và xanh mướt cây trái, là nơi hấp dẫn khách du lịch đường sông. Vì vậy, DA đường đi bộ ven sông được xây dựng sẽ khai thác vẻ đẹp của 2 bờ sông, tạo thêm địa điểm tham quan, dạo bộ phục vụ người dân và du khách, hy vọng sẽ mang đến một trải nghiệm mới cho du lịch Huế”.

Tiếp tục hoàn thiện không gian hai bờ sông Hương, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan và đảm bảo đồng bộ với khu vực xung quanh, TP. Huế đang triển khai DA chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương, hạng mục đường đi bộ từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội. Trong đó, xây dựng tuyến đường đi bộ và kết hợp đường xe đạp chạy dọc sông Hương dài 500m, rộng 4,5m; đường kết nối đường Chương Dương và đường đi bộ dài 25,4m; bãi đỗ xe diện tích 755m2, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… Sau khi hoàn thành, DA sẽ kết nối với khu vực công viên Trịnh Công Sơn và đường đi bộ từ cầu Trường Tiền đến chùa Thiên Mụ, tạo nên một địa điểm tham quan, dạo bộ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, du khách ở khu vực bờ bắc sông Hương.

Cùng với các DA chỉnh trang đô thị ở khu vực trung tâm, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng cho các vùng ven, hạ tầng các khu du lịch biển, đầm phá, đường lên các lăng chúa Nguyễn; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các xã, phường như Hương Vinh, Phú Mậu, Hải Dương, Hương Thọ…, tạo giao thông kết nối từ khu vực trung tâm thành phố đến 13 xã, phường mới sáp nhập vào thành phố từ ngày 1/7/2021.

Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cho đô thị trung tâm, thành phố đang rà soát, đề xuất, bổ sung danh mục DA kêu gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 trình UBND tỉnh xem xét, thống nhất, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư DA Tổ hợp khu nhà ở - thương mại, dịch vụ 38 Hồ Đắc Di, phường An Cựu trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Về công tác quy hoạch (QH) và quản lý đô thị, thời gian qua, thành phố đã triển khai các QH, kế hoạch, đề án trọng tâm của tỉnh, đặc biệt là các Đề án triển khai Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, như chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế giai đoạn 2045, tầm nhìn đến 2065; báo cáo khu vực dự kiến thành lập quận, phường thuộc đô thị Thừa Thiên Huế; Đề án công nhận khu vực đô thị Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Trong đó, các đồ án, chương trình, thiết kế, QH của thành phố theo kế hoạch đề ra cũng được đôn đốc và tập trung hoàn thiện.

Tăng tốc và bứt phá

Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định, năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm tạo dấu mốc đặc biệt trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Vì vậy, TP. Huế cùng với tỉnh tiếp tục quyết tâm tạo đột phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Với vai trò là đô thị hạt nhân của tỉnh trong tiến trình xây dựng và phát triển để đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, sắp tới thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, trình thẩm định phê duyệt các QH phường, xã sáp nhập vào thành phố để đảm bảo phủ kín đồ án QH phân khu trên địa bàn thành phố và các đồ án điều chỉnh QH các phường (thuộc thành phố trước đây) trình thẩm định theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA trọng điểm của tỉnh, thành phố, đặc biệt là các DA Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế (phần mở rộng), Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương; DA nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu; các DA tại Khu A - B - Khu Đô thị mới An Vân Dương; các DA QH phân khu; DA Thành phố Văn hóa và Du lịch thông minh; Cải thiện môi trường nước (phần vốn dư) và các DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo nguồn quỹ đất…

Từ nay đến cuối năm, thành phố tập trung mọi nguồn lực triển khai các DA nâng cấp đô thị Huế, tập trung thực hiện các DA xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị; nâng cao chất lượng, năng lực các chủ đầu tư, tư vấn quản lý DA, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các DA trọng điểm nâng cấp đô thị Huế. Đồng thời, chú trọng công tác lựa chọn tư vấn đảm bảo năng lực, đẩy nhanh, rút ngắn thời gian lập, điều chỉnh các QH đô thị, đặc biệt là đối với các địa phương mới sáp nhập vào thành phố; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng theo quyết định phê duyệt DA; chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, cũng như kịp thời phát hiện, xử lý các bất cập, sự thiếu đồng bộ.

Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/dien-mao-moi-do-thi-hue-140353.html