Diện mạo mới của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể

Sau 3 tháng đưa ra dự thảo để lấy ý kiến góp ý, mới đây, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã chính thức được thông qua với nhiều sửa đổi quan trọng và hợp lý hơn trước.

Theo đó, thay đổi lớn nhất so với dự thảo cũ nằm ở kế hoạch giáo dục, đặc biệt là ở tên gọi các môn học cũng như thời lượng học tập của từng môn.

Cụ thể, ở thời lượng môn học đã có sự giảm xuống rõ rệt trong từng lớp. Lớp 1, 2 giảm từ 1.147 tiết xuống còn 1.015 tiết; lớp 3 giảm từ 1.147 tiết xuống 1.085 tiết; lớp 4, 5 giảm từ 1.184 xuống còn 1.120 tiết.

Số tiết học/ năm được thiết kế trong Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.

Nội dung các môn học cũng chỉ còn bị phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn chứ không phân thành nhiều loại như trước đây (môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, nội dung giáo dục của địa phương).

Ở cấp Tiểu học, nội dung và số tiết các môn Tiếng Việt, Ngoại ngữ, hoạt động giáo dục bắt buộc (ở lớp 3, 4, 5) không có sự thay đổi. Riêng số tiết môn Toán lớp 5 giảm từ 210 tiết xuống 175 tiết.

Nhiều môn học ở tiểu học giảm số tiết. (Ảnh minh hoạ: IT)

Tên nhiều môn học cũng đã được thay đổi để phù hợp và dễ hiểu hơn. Ví dụ: Môn Giáo dục lối sống của học sinh lớp 1, 2, 3 trong dự thảo cũ được đổi tên thành môn Đạo đức, đồng thời giảm thời lượng từ 70 tiết xuống còn 35 tiết. Môn Cuộc sống quanh ta (ở các lớp 1, 2, 3) được gộp chung thành một môn Tự nhiên và Xã hội. Ở các lớp 4, 5, môn Tìm hiểu tự nhiên được đổi thành môn Khoa học; môn Tìm hiểu xã hội được đổi thành môn Lịch sử và Địa lý.

Ngoài ra, một số môn học có mặt trong dự thảo hiện đã được lược bỏ như: Môn Thế giới công nghệ dự kiến dạy ở lớp 1 đến lớp 3. Hai môn Tìm hiểu công nghệ và Tìm hiểu tin học ở lớp 4 và lớp 5 được thay thế bằng môn học Tin học và Công nghệ với thời lượng bằng thời lượng của 2 môn (70 tiết/năm).

Tên các môn học.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trước được đổi tên thành Hoạt động trải nghiệm nhưng thời lượng không thay đổi và được tách riêng thành hoạt động giáo dục bắt buộc chứ không nằm trong các môn học bắt buộc như trước đây.

Trong diện mạo mới, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cũng quyết định cho học sinh lựa chọn Ngoại ngữ từ lớp 1. Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương).

Ở cấp THCS, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Điểm mới nhất của kế hoạch giáo dục cấp THCS chính là nội dung hướng nghiệp được yêu cầu tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/dien-mao-moi-cua-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-791660.html