Điện lưới 'thắp sáng' bản làng rẻo cao Nghệ An

Từ khi có điện, cuộc sống của người dân ở nhiều bản làng khó khăn ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) ngày càng ấm no.

Vượt khó đưa điện về giúp người dân thoát nghèo

Huyện Kỳ Sơn là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước, hiện nay toàn huyện vẫn còn 15 bản và 4 khu tái định cư chưa có điện. Không có điện, người dân không thể ứng dụng các máy móc vào sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Vừa qua, thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện đã được bố trí hơn 92 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 sẽ triển khai.

Nhiều bản làng tại huyện Kỳ Sơn vẫn chưa có điện.

Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Ðiện lực Kỳ Sơn cho biết, suốt 3 năm qua, Công ty Ðiện lực Nghệ An đã lắp đặt được hơn 350 km đường dây các loại cùng gần 100 trạm biến áp về khoảng 90 bản, làng ở vùng hẻo lánh “phên giậu” xa xôi nhất tỉnh, trong đó có nhiều bản rẻo cao cheo leo trên sườn núi Puxailaileng, độ cao hơn 1.000 mét.

Khó khăn lớn nhất mà những người thực hiện dự án phải đối mặt, đó là địa hình miền núi rộng lớn, đèo cao, vực sâu chia cắt, hạ tầng giao thông hạn chế. Một số thôn, bản nằm biệt lập trong rừng, đến nay còn chưa có đường giao thông, phải đi bằng đường mòn.

Thời tiết ở khu vực biên giới Nghệ An khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa lũ, gây sạt lở núi, nguy hiểm cho người lao động và làm chậm tiến độ thi công. Ðơn vị chủ động huy động các phương tiện và lực lượng khắc phục sạt lở và phục vụ công tác vận chuyển nguyên vật liệu.

Ðơn cử, đợt lũ quét lịch sử năm 2022 ở huyện Kỳ Sơn đã gây sạt lở đường giao thông nghiêm trọng. Ngành điện chủ động phối hợp với đơn vị giao thông, các xã Tây Sơn, Mường Lống, Bắc Lý, Keng Ðu, Mỹ Lý… khắc phục sạt lở, sớm thông đường để đưa cột điện, vật liệu vào đúng thời gian. Tại nhiều đoạn, xe vận chuyển phải nhích từng chút một và luôn phải có xe cẩu, máy nâng áp tải, kéo đẩy qua những đoạn đường lầy lội...

Nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn ít và xa, nước cũng khá khan hiếm, phải chở từ xa đến hoặc xách từng can từ suối lên để trộn bê-tông.

Phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại lớn trong quá trình triển khai dự án. Nhiều cụm dân cư nằm rải rác, cheo leo lưng chừng núi nên đường dây điện phải xuyên rừng. Ðể kéo đường dây qua các khu rừng, đơn vị thi công dùng máy bay không người lái kéo dây mồi trước, sau đó mới tổ chức kéo dây...

Công tác xây dựng điện gặp rất nhiều khó khăn do địa hình núi cao.

Ông Đặng Thành Vinh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Nghệ An cho biết, dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Nghệ An được Bộ Công Thương phê duyệt với tổng nguồn vốn hơn 782 tỷ đồng.

Theo đó, dự án sẽ xây dựng mới hơn 680 km đường dây, trạm biến áp và lắp đặt công tơ cho trên 18.000 hộ dân thuộc 233 thôn, bản, 54 xã của 8 huyện miền núi Nghệ An. Riêng giai đoạn 2022-2023, đơn vị thực hiện cấp điện cho trên 7.200 hộ dân thuộc 96 thôn bản, 28 xã.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, từ thủ tục triển khai đến thi công. Để giải quyết vấn đề này, Công ty Điện lực Nghệ An đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh cho phép vừa thi công vừa làm giải phóng mặt bằng.

Cuộc sống đổi thay nhờ có điện lưới

Tại huyện Kỳ Sơn thì Keng Đu là xã biên giới đặc biệt khó khăn, chủ yếu đồng bào Khơ Mú sinh sống, với hơn 80% hộ nghèo và cận nghèo. Vì địa hình đồi núi phức tạp, kinh phí lớn nên ngành Điện lực gặp nhiều khó khăn khi đưa điện về các bản.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, ngành Điện lực đang cố gắng đưa điện về bản làng.

Tuy nhiên, cuối tháng 10/2023, người dân xã Keng Đu vui sướng khi dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia về các bản làng biên giới vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn được triển khai. Ngoài công tơ, mỗi gia đình được cấp bảng điện và một bóng đèn thắp sáng, bảo đảm khi đóng điện lưới các hộ dân sẽ được dùng điện ngay.

Không chỉ đơn thuần dùng để thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, có điện người dân còn có cơ hội áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ khi có điện, cuộc sống của người dân xã Keng Đu đã có nhiều thay đổi.

Ông Moong Văn Thắng, Trưởng bản Huồi Phuôn 2, xã Keng Đu sung sướng chia sẻ, niềm ao ước bao đời nay đã thành hiện thực. Có điện để thắp sáng, dân bản được coi ti-vi, sắm sửa nồi cơm điện, quạt, con cháu có ánh sáng để học hành tiến bộ...

Ông Lương Văn Ngam, Chủ tịch UBND xã Keng Đu chia sẻ: “Từ khi có điện, người dân phấn khởi lắm, có thể xem tivi, nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; học cách làm ăn; đẩy lùi hủ tục lạc hậu... Từ đó phát triển kinh tế cùng xây dựng bản làng ngày một no ấm”.

Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dien-luoi-thap-sang-ban-lang-reo-cao-nghe-an-a649026.html