Điện gió ngoài khơi Cần Giờ có thể cung cấp điện cho đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Dự án Điện gió ngoài khơi Cần Giờ là nguồn năng lượng khổng lồ, có thể cung cấp điện cho đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

Sáng ngày 4-4, Liên Hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Khoa học Phát triển điện gió ngoài khơi Cần Giờ. Sự kiện có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu.

Ông Đặng Quốc Toản – đại diện Công ty Năng Lượng Châu Á, đơn vị nghiên cứu cho biết nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ có vị trí, diện tích khoảng 325.123 ha thuộc vùng Nam biển Đông, với quy mô công suất khoảng 6.000MW.

Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên xanh – sạch đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: mô phỏng

Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ chia làm 4 giai đoạn đầu tư từ 2025-2040, giảm phát thải hơn 200 triệu tấn cacbon trong vòng đời của dự án.

Nhà máy Điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ cung cấp nguồn điện sạch vào lưới điện quốc gia, điểm đấu nối tại trạm BA 500kV Đa Phước, sản xuất green hydrogen, ammonia và cung cấp điện sạch cho đường sắt tốc độ cao chạy tàu của dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ có cung cấp điện cho đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Hình ảnh mô phỏng

Đồng thời, dự án này cũng sẽ cung cấp điện, hydrogen xanh cho các đô thị, KCN, phương tiện giao thông vận tải để giảm phát thải khí cacbon, dự án không ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ.

Mật độ năng lượng gió lớn nhất trong các tháng chính đông, chính hè (1, 7) với giá trị lần lượt là 300-1300W/m2 và 200-700W/m2; thấp nhất trong các tháng chuyển tiếp (4, 10) với giá trị lần lượt là dưới 100-300W/m2 và 100-400W/m2.

Ông Toản cho biết phương án kết nối điện gió ngoài khơi Cần Giờ như sau: Xây dựng trạm nổi 220kV trên biển và đường cáp ngầm 220kV về trạm nâng áp KCN Hiệp Phước đường dây 500kV mạch kép đấu nối dự án về TBA 500kV Đa Phước (theo Quy hoạch điện 8 trạm này).

Dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ còn tạo ra hàng chục ngàn việc làm trong suốt vòng đời và thu về hàng tỉ đôla cho các nhà thầu trong nước. Từ đó, góp phần chính vào chiến lược trung hòa cacbon của TP.HCM và Việt Nam tới năm 2050, theo cam kết của chính phủ tại COP26 và đúng theo tinh thần nghị quyết của TP và Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Điện gió ngoài khơi Cần Giờ có tổng mức đầu tư 313.372 tỉ đồng

Trước đó, Sở Công thương TP.HCM từng có kiến nghị UBND TP.HCM về dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, do Liên doanh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất. Địa điểm khảo sát đầu tư là khu vực ngoài khơi thuộc Nam biển Đông. Tổng diện tích khảo sát khoảng 325.123 ha.

Quy mô đầu tư khoảng 6.000 MW, chia làm 4 giai đoạn. Dự án này sẽ cấp điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia 500kV. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 313.372 tỉ đồng.

Sở Công thương TP.HCM cho biết dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ đã được các sở ngành đặc biệt quan tâm, góp ý.Theo Sở Công thương TP.HCM, phát triển dự án điện gió ngoài khơi Cần Giờ là cần thiết nhưng hiện dự án chưa có trong quy hoạch.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-gio-ngoai-khoi-can-gio-co-the-cung-cap-dien-cho-duong-sat-tphcm-can-tho-post783750.html