Diễn đàn quốc gia thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong hệ thống giáo dục Đại học

Ngày 16/5, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 đã diễn ra với hơn 500 đại biểu tham dự đến từ các Bộ, ngành, trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo quốc gia thu hút hơn 500 đại biểu tham dự. (Ảnh: Trung Hiếu)

Diễn đàn Đổi mới sáng tạo quốc gia thu hút hơn 500 đại biểu tham dự. (Ảnh: Trung Hiếu)

Diễn đàn là sự kiện thường niên do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) giao cho Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (VNU-CSK) tổ chức, nhân kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5) và thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của ĐHQGHN.

Sự kiện quan trọng này nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự đổi mới và sáng tạo trong hệ thống giáo dục Đại học của Việt Nam. Với chủ đề "Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển Đại học định hướng đổi mới sáng tạo", nội dung Diễn đàn nhấn mạnh vào việc phát triển các trụ cột chính là Chính sách - Đào tạo - Nghiên cứu, chuyển giao tri thức, giúp tập trung và sâu rộng hóa các vấn đề quan trọng, từ việc xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho đổi mới, đến việc cải thiện quy trình đào tạo và tăng cường nghiên cứu cũng như chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường Đại học ra cộng đồng, doanh nghiệp. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Đại học và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) được Đảng, Nhà nước ta xác định là động lực, một trong những đột phá chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, coi khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là 1 trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Trung Hiếu)

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Trung Hiếu)

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng chia sẻ thêm: ĐMST đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao hàng đầu cả nước, ĐHQGHN đang định hướng phát triển theo mô hình đại học ĐMST để nâng cao vị thế và kiến tạo giá trị mang bản sắc ĐHQGHN, đóng góp cho sự phồn thịnh của xã hội. Những chính sách và hướng đi phù hợp trong quá trình xây dựng đại học ĐMST ở ĐHQGHN đã giúp giải phóng sức sáng tạo to lớn của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, đồng thời phát huy nguồn trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học để tạo thành sức mạnh và năng lượng cho phát triển, đặc biệt là trong khoa học, công nghệ và ĐMST.

Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu và thực tiễn về Đại học Đổi mới Sáng tạo, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những nhận định quan trọng trong chiến lược phát triển Đại học ĐMST, theo ông: Hiện nay, đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng và là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Nếu như các trường đại học không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển.

“Để có đại học thế hệ thứ 3 (Đại học Đổi mới Sáng tạo) châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đã có nền tảng và kinh nghiệm gần 200 năm đại học nghiên cứu (thế hệ thứ 2), trong lúc đó Việt Nam chúng ta mới chỉ có kinh nghiệm xây dựng đại học "định hướng nghiên cứu" trong khoảng 10 năm trở lại đây, do vậy cũng đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học. Cũng theo ông, đại học ĐMST chỉ được hình thành và phát tiển khi đã đạt được điểm tới hạn (critical mass) của nó. Đó là nền tảng của đại học có năng lực nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ, Đào tạo - Nghiên cứu - Công nghệ phải phát triển song hành.

Cùng với nhận định của GS. Nguyễn Hữu Đức, ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holdings, Chủ tịch mạng lưới VNEI đánh giá: Chuyển giao và thương mại hóa công nghệ từ trường Đại học ra thị trường là một yếu tố quan trọng đối với sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế. Chính sách hỗ trợ trong việc tạo điều kiện cho việc này là cực kỳ quan trọng. Cần có các cơ chế và chính sách linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ để khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong sản xuất và kinh doanh". Việc tạo ra các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển giao công nghệ, cùng với việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và sinh viên có ý tưởng sáng tạo là cần thiết. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường Đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả nhất.

Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan, ban ngành tại Diễn đàn đều được Ban Tổ chức Diễn đàn tập hợp, soạn thảo thành văn bản đề xuất lên các cơ quan quản lý làm căn cứ tham khảo để đưa ra chiến lược tổng thể và những chính sách phù hợp hỗ trợ cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các trường Đại học đang gặp phải trên con đường phát triển Đại học ĐMST.

Tại Diễn đàn, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQGHN cũng phát động các chương trình khởi nghiệp và ĐMST: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ RnD to Startup 2024, Chương trình Ươm tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ VNU X-Sience, Chương trình Hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học VNU-IP. Cùng với đó là lễ ra mắt Ban điều hành Mạng lưới ĐMST và Khởi nghiệp Đại học - Cao đẳng Việt Nam (VNEI); Trao quyết định kết nạp các thành viên mới của VNEI.

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy phát triển hệ thống ĐMST Quốc gia; sự thành công của Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia năm 2024 sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục Đại học, góp phần thúc đẩy sự năng động và sáng tạo của Việt Nam trong thế kỷ 21.

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia là Sự kiện thường niên do Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp - Đại học Quốc gia Hà Nội khởi xướng và tổ chức dành cho cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, gợi ý phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo của quốc gia và khu vực. Diễn đàn là nơi các nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng thảo luận và tìm giải pháp phát triển cho Việt Nam trên nền tảng kinh tế tri thức và sáng tạo. Năm 2023, Diễn đàn đã tổ chức thành công với chủ đề “Xây dựng trụ cột cho Hệ thống Đổi mới sáng tạo Quốc gia” thu hút hơn 500 khách mời trong và ngoài nước tham dự.

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dien-dan-quoc-gia-thuc-day-doi-moi-sang-tao-trong-he-thong-giao-duc-dai-hoc-271497.html