Diễn đàn: Quá lo cho văn hóa học đường

Hàng loạt vụ đánh nhau của học sinh trong trường học, thầy đánh trò, trò xúc phạm thầy, đốt trường vì câu like trên facebook... đang cho thấy những báo động về văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Văn hóa học đường đang xuống cấp nghiêm trọng

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Rất nhiều vấn đề về văn hóa học đường đã được các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục đặt ra trong thời gian qua.

Nữ sinh mang xăng đến đốt trường cấp 2 Phạm Ngũ Lão, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, sau khi tuyên bố trên Facebook “nói là làm” nếu được 1.000 like. Ảnh cắt từ Clip

Theo báo cáo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có cả các vụ án hình sự và ngày càng gia tăng. Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách nữa mà là những hình ảnh học sinh mặc đồng phục tuổi từ 10 đến 18 cầm dao, phớ, kiếm và cả súng tự chế hay súng mua chui trên thị trường để “xử nhau” chỉ vì những lí do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc chỉ đơn giản là đánh cho bõ ghét. Tệ hại hơn nữa là những hành vi vi phạm truyền thống tôn sư trọng đạo của cả một dân tộc như học sinh vô lễ, vô ý thức kỷ luật, thầy đánh trò, xúc phạm trò. Học sinh quá dễ dãi trong tình yêu, yêu quá sớm và nhiều hệ lụy khác... Những vụ việc làm xôn xao dư luận khiến các bậc phụ huynh học sinh thật sự lo lắng khi con em mình đang ở tuổi tới trường.

ThS Nguyễn Văn Phiên (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: “Phần lớn thế hệ trẻ trong nhà trường hiện nay có kiến thức rất rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, có sức khỏe tốt, tinh thần cầu thị trong học tập, khả năng ứng dụng những kiến thức được học tập vào thực tiễn cao, quý trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè, sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ đang ứng xử một cách vô văn hóa, đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Quá nhiều hành vi thiếu văn hóa của cả học sinh và giáo viên. Văn hóa học đường đang xuống cấp nghiêm trọng, là sự xuống cấp đáng sợ nhất của một nền giáo dục”.

Những vấn đề về vấn đề văn hóa ứng xử trong trường học khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Theo các chuyên gia cần có những bộ quy tắc về môi trường văn hóa trong trường học và sự quan tâm nhiều hơn từ gia đình trong việc giáo dục nhân cách học sinh. Ảnh minh họa: Trần Vương

Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, văn hóa ứng xử học đường đang bị xem nhẹ. Nhà trường chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức tự nhiên, xã hội mà quên đi giáo dục nhân cách sống cho học sinh. Thực tế cho thấy, trong môi trường học đường, nơi văn hóa được coi trọng, được xây dựng và phát huy lại đang diễn ra những điều thiếu văn hóa. Đây cũng đang là vấn đề nhức nhối khiến xã hội rất quan tâm, lo lắng về nền giáo dục nước nhà.

Hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội

Tình trạng xuống cấp trong lối giao tiếp ứng xử giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô giáo. Có thể thấy ứng xử thiếu văn hóa đã diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học, bậc học và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội.

Theo TS Nguyễn Thị Nghĩa-Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Trong bối cảnh cần phải đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, một trong những vấn đề quan trọng cần được thực hiện là phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn; Giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên không chỉ có đầy đủ kiến thức, kĩ năng thực hành mà còn cần có lí tưởng cách mạng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng để trở thành công dân có trách nhiệm, lao động cần cù, có sức khỏe, có tri thức và sáng tạo.”

TS Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Ảnh Trần Vương

Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - cho rằng, văn hóa học đường là then chốt của quá trình phát triển nhân cách học sinh. Để thành công, trước hết cần đổi mới về nhận thức đối với những vấn đề căn bản. Trong đó có vấn đề con người - chủ thể kiêm đối tượng của hoạt động giáo dục - và vấn đề sứ mạng của nhà trường. Bên cạnh những bộ quy tắc ứng xử trong trong học phù hợp với chuẩn mực xã hội, được xã hội chấp nhận thì vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng. Gia đình cần chăm sóc, quan tâm con cái một cách nhiều hơn, hiểu các con hơn, tránh tình trạng chỉ lo đi làm mà không quan tâm đến con cái dẫn đến những sự việc đáng tiếc.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

VƯƠNG TRẦN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dien-dan-qua-lo-cho-van-hoa-hoc-duong-601620.bld