Diễn đàn giàu tính đối thoại, xây dựng

Theo dõi những diễn biến sôi động trong ngày làm việc thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, đại diện chức sắc tôn giáo, chính quyền nhiều địa phương và cử tri cả nước đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, cầu thị của cả người hỏi và trả lời, nhất là vai trò điều hành của Chủ tọa đã tạo nên diễn đàn thực sự dân chủ, giàu tính đối thoại, xây dựng. Qua đó, nhiều vấn đề 'nóng' trong thực tiễn đã được thẳng thắn nhận diện, xác định rõ trách nhiệm và các giải pháp căn cơ, quyết liệt.

Hòa thượng ĐÀO NHƯ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Nhiều kỳ vọng chuyển biến trong thực tiễn

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, tôi tâm đắc với các nội dung được Bộ trưởng thông tin, làm rõ liên quan đến: nguyên nhân chậm trễ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giải quyết nhu cầu đất ở cho người đồng bào DTTS vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; giải pháp giải quyết tình trạng một bộ phận đồng bào DTTS có tâm lý không muốn thoát nghèo…

Lần đầu tiên đăng đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã chuẩn bị tốt về nội dung; cơ bản nắm chắc, bám sát những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan đối với những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Từ đó, đề ra các giải pháp và lộ trình khắc phục cụ thể; góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh những nội dung quan trọng đặt ra sau chất vấn và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Cụ thể là, tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ các điểm “nghẽn”, tạo chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; có giải pháp huy động tốt các nguồn lực để thực hiện Chương trình trên tinh thần phát huy ý chí tự lực tự cường, vươn lên vượt khó của người dân… Hậu chất vấn và trả lời chất vấn, tôi tin tưởng, cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Nam bộ nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung sẽ có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Bí thư Huyện ủy Đakrông (Quảng Trị) NGUYỄN TRÍ TUÂN:
Ấn tượng với điều hành linh hoạt, khoa học

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc và khoa học công nghệ, có thể thấy, các đại biểu Quốc hội đã bám sát định hướng, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng; thẳng thắn tranh luận chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Các "tư lệnh" ngành đã hết sức cầu thị, trách nhiệm, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách để làm rõ các vấn đề mà ĐBQH, cử tri, dư luận quan tâm.

Cùng với các "tư lệnh" ngành chịu trách nhiệm trả lời chính, các thành viên Chính phủ và phó thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực cũng đã tham gia giải trình, nêu bật được những giải pháp căn cơ và lộ trình thực hiện nhằm tạo chuyển biến thực chất trong thời gian tới… Đáng chú ý, liên quan đến lĩnh vực dân tộc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội và người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi vì các Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đang thực hiện chậm… Đồng thời, khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ, hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc để Chương trình được giải ngân đúng theo yêu cầu.

Một điểm nhấn ấn tượng đó chính sự điều hành hết sức linh hoạt, khoa học của Chủ tọa; quá trình điều hành, Chủ tịch Quốc hội đã cung cấp thêm nhiều thông tin quan trọng để nội dung chất vấn đi vào chiều sâu; gắn kết giữa mong muốn của đại biểu và nội dung trả lời, làm rõ... Từ đó, đã tạo nên một diễn đàn thực sự dân chủ, công khai và tăng tính đối thoại, xây dựng.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Hà Giang BÙI QUANG TRÍ:
Đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân

Xoay quanh nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi tâm huyết, chất lượng, sát thực tiễn tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là cử tri đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã cho thấy bản lĩnh, trách nhiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng trong lĩnh vực được giao quản lý. Tôi đồng tình với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khi đề cập đến giải pháp thực hiện những chủ trương, chính sách thực sự làm thay đổi, khởi sắc đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, phải tiếp tục tuyên truyền để đồng bào có kiến thức, biết tiếng Việt, nắm bắt khoa học kỹ thuật..., tiếp nhận đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; cộng với sự hỗ trợ từ chính sách, từ công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đoàn thể tích hợp lại mới giải quyết được vấn đề. Đây cũng là một bài học rất tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bộ trưởng khẳng định, Trung ương sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho địa phương; sẽ phân cấp tối đa mọi nguồn lực để địa phương tự quyết sao cho hiệu quả nhất. Dưới góc độ địa phương, theo tôi để đưa chính sách vào đời sống phải phát huy được nội lực, khơi dậy được tính tự lực, tự cường trong nhân dân. Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn hẹp, việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất quan trọng; trong đó tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc biệt; ưu tiên nhóm đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ, nâng cao tinh thần tự lực tự cường, vượt khó vươn lên của người dân.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Mai Châu (Hòa Bình) HÀ THỊ DƯỢC:
Sớm tháo gỡ bất cập trong thực tiễn

Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề cử tri, dư luận quan tâm, ngày làm việc thứ hai phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm đã thu được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Đặc biệt, dưới điều hành khoa học, linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, không chỉ nêu bật những hạn chế, bất cập liên quan đến các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải… quan trọng hơn cả là đã xác định rõ hơn những giải pháp đúng và trúng nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong thực tiễn triển khai thực hiện.

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm qua, tôi ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng các thành viên Chính phủ liên quan. Thời gian qua, công tác dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương hết sức quan tâm. Tuy nhiên, những khó khăn trong tổ chức thực hiện các chính sách lớn liên quan đến lĩnh vực dân tộc có nguyên nhân từ việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS còn gặp không ít khó khăn; nhận thức của đồng bào DTTS còn hạn chế, có nơi còn trông chờ vào chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc chuyên môn liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (trước mắt là giai đoạn 1, 2021 - 2025) rất nhiều nhưng Phòng Dân tộc cấp huyện (đơn vị thường trực Chương trình) chỉ được giao 3 - 4 biên chế nên việc tổ chức thực hiện, hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra thực hiện chương trình còn hạn chế, chưa kịp thời… Tôi mong rằng, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn trên để chính sách dân tộc đi vào thực tế, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Vũ Châu - Diệp Anh - Trọng Hiếu - Trần Tâm thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dien-dan-giau-tinh-doi-thoai-xay-dung-i331778/