Diễn đàn ' Đạo đức người làm báo Việt Nam': 5 chuẩn mực trong Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam

Do tính chất, đặc điểm, vai trò của báo chí chi phối đến thái độ, hành vi của người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp, cho nên những quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phải vừa bao quát được những giá trị chung nhất của các đạo đức công dân, vừa thể hiện rõ ràng, sâu sắc những giá trị cốt lõi, đặc thù của đạo đức báo chí. Trên cơ sở Luật Báo chí 2016 và kế thừa những yếu tố hợp lý của Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam khóa VIII, từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp báo chí, xin kiến nghị, đề xuất bản Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam (mới) với 5 nội dung cốt lõi (chuẩn mực) như sau:

Thứ nhất: Trung thành với lợi ích quốc gia dân tộc và mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung này phản ánh, thể hiện phẩm chất chính trị của người làm báo Việt Nam. Nội dung này phù hợp với Điểm 1, Điều 4 Luật Báo chí 2016. Làm báo cũng là làm chính trị. Do đó, đạo đức báo chí trước hết phải bắt nguồn từ phẩm chất chính trị của nhà báo. Vì phẩm chất chính trị là điều kiện tiên quyết để khẳng định vị trí, vai trò xã hội của nhà báo, đồng thời là yếu tố hàng đầu để góp phần xây dựng tư tưởng, lập trường, bản lĩnh chính trị của nhà báo…

Thứ hai: Thông tin trung thực, tôn trọng công chúng, bảo vệ nguồn tin. Nội dung này phản ánh phẩm chất nghề nghiệp và thể hiện tính chất đạo đức đặc thù của người làm báo Việt Nam. Thông tin trung thực bao hàm thông tin chính xác, khách quan- vốn là yêu cầu hàng đầu của đạo đức báo chí, đồng thời cũng là nguyên tắc căn bản, cốt lõi trong hoạt động báo chí của người làm báo.

Tôn trọng công chúng là thể hiện ý thức, bổn phận của người làm báo trong việc tiếp nhận thông tin của công chúng, truyền đạt thông tin của công chúng trên báo chí- tất nhiên đó phải là những thông tin lành mạnh, nhân văn, vì lợi ích của công chúng. Có nghĩa là sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, phản hồi thông tin theo yêu cầu chính đáng của công chúng, kịp thời cải chính những thông tin sai sót trên báo chí để mang lại niềm tin cho công chúng.

Bảo vệ nguồn tin là một trong những khía cạnh cơ bản, quan trọng trong đạo đức của người làm báo nhằm góp phần giữ gìn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của các đối tượng (cá nhân, tổ chức) cung cấp thông tin cho báo chí.

Thứ ba: Công tâm, liêm chính, đề cao trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, không vụ lợi. Nội dung này phản ánh, thể hiện phẩm chất đạo đức công vụ của người làm báo. Muốn tạo niềm tin cho công chúng để góp phần tạo niềm tin cho xã hội, đòi hỏi nhà báo phải công tâm; có đức tính liêm chính- tức là có lòng tự trọng, ngay thẳng để không bao giờ “bẻ cong” ngòi bút hay làm “bồi bút” cho bất cứ đối tượng nào. Mặt khác, sức lan tỏa nhanh nhạy, tác động sâu rộng đến xã hội và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của báo chí tới đông đảo công chúng đòi hỏi những người làm báo phải đề cao trách nhiệm với từng câu chữ, với từng con số, sự kiện, với từng khuôn hình, thước phim, hình ảnh của mình làm ra. Trách nhiệm xã hội là một trong những nội dung quan trọng làm nên tư cách đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Khi càng coi trọng ý thức công dân, đề cao trách nhiệm xã hội của nhà báo, thì càng tăng cường vị thế, uy tín của nhà báo trong xã hội.

Đối với người làm báo, việc hiểu biết và chấp hành pháp luật Nhà nước cũng rất quan trọng. Đây chính là tiền đề, cơ sở quan trọng để người làm báo hành nghề đúng khuôn khổ, mang đến cho công chúng những tác phẩm, sản phẩm báo chí phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Nhà nước.

Yêu cầu “không vụ lợi” cũng là một đòi hỏi cấp bách hiện nay để người làm báo giữ được đạo đức công vụ của mình trong hoạt động nghề nghiệp, từ đó tự mình phòng ngừa những cám dỗ, “cạm bẫy” đầy rẫy trong xã hội. Điều này phù hợp với Khoản c, Điểm 3, Điều 25 Luật Báo chí 2016.

Thứ tư: Ứng xử nhân văn, cầu thị, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp. Nội dung này phản ánh, thể hiện phẩm chất đạo đức cá nhân của người làm báo. Mỗi tác phẩm và sản phẩm báo chí là sự kết tinh của trí tuệ, văn hóa của người làm báo. Do đó, biết ứng xử nhân văn với con người, với cuộc sống, với xã hội sẽ giúp nhà báo thông tin, phản ánh mọi vấn đề, sự kiện dưới góc nhìn thân thiện, vì sự phát triển lành mạnh của xã hội; kể cả khi thông tin các vấn đề tiêu cực cũng được soi chiếu qua cách nhìn nhận, đánh giá mang tính xây dựng của nhà báo. Nghề làm báo là một hành trình sáng tạo không điểm dừng. Do đó, có ý thức cầu thị, tự giác rèn luyện, học tập, vươn lên làm chủ kiến thức văn hóa, tinh thông nghiệp vụ là động lực và “bảo bối” giúp người làm báo thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình…

Thứ năm: Bảo đảm tác quyền, giữ gìn bản sắc dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại. Nội dung này phản ánh, phù hợp với giá trị đạo đức công dân của người làm báo trong thế giới hội nhập. Việc đòi hỏi người làm báo phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc là thể hiện ý thức, tinh thần coi trọng bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp và truyền thống đặc sắc của dân tộc và con người Việt Nam, tránh bị nguy cơ lai căng, sùng ngoại, “xâm lăng văn hóa” trên báo chí. Cùng với đó, người làm báo cũng nên biết học hỏi, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa trí tuệ, văn hóa, văn minh của nhân loại để báo chí Việt Nam chủ động, tự tin tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập với báo chí khu vực và trên thế giới.

Nhà báo NGUYỄN VĂN HẢI

(Phó trưởng Phòng Biên tập Văn hóa- Thể thao,

Ủy viên Ban chấp hành LCH Nhà báo, Báo Quân đội Nhân dân)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/5-chuan-muc-trong-quy-dinh-dao-duc-nguoi-lam-bao-viet-nam/