Điện Biên Phủ và những câu chuyện bây giờ mới kể

- 55 năm sau ngày chiến thắng “chấn động địa cầu”, nhiều câu chuyện sinh động, cụ thể, cảm động của những nhân chứng lịch sử được tổng hợp trong cuốn sách “Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ (1954 - 2009)” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành.

Họ làm ra đất nước... Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam, thành viên ban biên soạn cuốn “Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ (1954 - 2009)” cho biết, đây là cuốn sách đầu tiên ghi lại hình ảnh và hồi ức của hơn 160 nhân vật. Họ là những chiến sỹ, cán bộ, bác sỹ, y tá, dân công, phóng viên, văn công... đã tham gia chiến dịch lịch sử. Trong ký ức những nhân chứng sống của chiến thắng năm xưa, cuộc chiến ngày ấy là một chuỗi những kỷ niệm của hơn 170 ngày đêm nơi miền đất Tây Bắc xa xôi. Có những người lính đã kinh qua trận mạc. Có những người chỉ mới học cầm súng, ném lựu đạn, hầu hết đều không có cấp hàm. Họ có thể là những nhân vật từ trước đến nay có thể “không ai nhớ mặt đặt tên / nhưng họ đã làm ra đất nước”. Bản thân đại tá Nguyễn Xuân Mai cũng từng là chiến sỹ liên lạc thuộc Đại đoàn 316 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông bày tỏ, từ trước đến nay đã có rất nhiều những tài liệu, bài báo, nghiên cứu, ấn phẩm... về chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều câu chuyện đến thời điểm này mới được hé lộ. Các nhân chứng kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong chiến dịch, những chuyện vui buồn khi chiến trận hay lúc bình yên. Họ nói về sự gắn bó với sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ cũng như “mối duyên nợ” với địa danh này. Ông lấy ví dụ như trận đánh ở cánh đồng Pe Luông phía tây Điện Biên Phủ, cả một đại đội súng máy 12 ly 7 của ta đã bị hủy diệt gần như hoàn toàn. Lúc đó, trận địa mới đào hào bao vây, địch biết mình đang đào hào và đã cho 2 tiểu đoàn bộ binh tràn ra đánh. Mặc dù nhiệm vụ chính của đại đội là đánh máy bay chứ không được trang bị để đánh bộ binh và xe tăng, nhưng đại đội vẫn chiến đấu đến cùng với tinh thần hết sức dũng cảm, cả đại đội không ai bỏ chạy, không ai đầu hàng và đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Tuy nhiên, còn sót lại 3 người bị thương nằm dưới các tử sĩ, địch không phát hiện ra, vẫn còn sống. Đó còn là những câu chuyện trước đây chưa ai nói đến về quá trình quân ta đánh đồi A1, khó khăn ác liệt và thương vong rất nhiều. Đồi A1 diện tích 2.000m2 nhưng 3.000 chiến sỹ đã hy sinh trong khoảng thời gian đó... Những kỷ niệm sâu sắc của mỗi cựu chiến binh, thông qua câu chuyện kể giản dị mà cụ thể, gần gũi, được sắp xếp trong cuốn sách theo trình tự thời gian và không gian, tạo thành một câu chuyện kể chung về chiến dịch. Thời gian không chờ đợi Điều thôi thúc đại tá Nguyễn Xuân Mai cũng như các thành viên khác trong ban biên soạn quyết tâm hoàn thành bằng được cuốn sách này là suy tư "cho dù sự kiện Điện Biên Phủ sẽ còn được thế hệ sau “nhìn thấy” qua những thước phim tư liệu hay phim truyện, thì những con người đã tham gia trận chiến, những nhân chứng sống của Điện Biên Phủ theo thời gian rồi sẽ không còn có mặt trong những ngày lễ kỷ niệm chiến thắng". Chính vì vậy, từ đầu năm 2008 đến đầu năm 2009, đại tá Nguyễn Xuân Mai cùng nhóm biên soạn gồm 5 phóng viên đã tìm gặp, phỏng vấn, ghi âm và chụp hình hơn 200 nhân chứng Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống tại nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Những người thực hiện cuốn sách vẫn cảm thấy chút tiếc nuối. “Những câu chuyện cụ thể còn nhiều lắm, mỗi người có đến hàng chục kỷ niệm khác nhau trong chiến đấu, trong sinh hoạt với đồng đội, với nhân dân mà khả năng của nhóm biên soạn chưa thể chuyển tải hết được", ông Mai nói. Việc thẩm định tính chính xác của những lời kể của các nhân chứng lịch sử cũng được các tác giả tiến hành rất cẩn thận và đối chiếu rất kỹ càng với nhiều tư liệu lịch sử đã được công bố trước đó. Phần đầu của cuốn sách có tên “Toàn dân ra trận” sẽ giúp độc giả làm quen với những người tham gia chiến dịch nhưng không cầm súng như y bác sĩ, dân công, thanh niên xung phong, văn nghệ sĩ, phóng viên… Tiếp đó là chuỗi hồi ức của những người lính trong vòng 170 ngày đêm tại Tây Bắc. Từ khi quân Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh ngày 20/11/1953 cho đến chiều ngày 7/5/1954, khi toàn bộ ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm đầu hàng. Câu chuyện về những người lính năm xưa quay lại chiến trường để xây quê hương thứ hai, về những cuộc “hành hương về nguồn”, về những cựu chiến binh mang tinh thần Điện Biên kết nối các thế hệ... khép lại những trang cuối cùng của cuốn sách. Qua từng trang sách, từng câu chuyện được kể lại giúp hình dung được một cách sống động từng giai đoạn, từng diễn biến, từng trận đánh, từng đợt tiến công của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tá Nguyễn Xuân Mai cũng như nhóm biên soạn hy vọng cuốn sách này sẽ vào được hệ thống thư viện trên cả nước và đến được với đông đảo bạn đọc trẻ, sinh ra và lớn lên sau khi đất nước đã được hòa bình, độc lập. Cao Nhật Your browser does not support inline frames or is currently configured not to display inline frames.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/842017/