Điện Biên: Mong sớm được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp đường

Lâu nay, tuyến đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được nhiều người ví là 'con đường rệu rã' bởi đang ngày càng xuống cấp. Mặc dù chính quyền địa phương rất muốn sửa chữa, nâng cấp để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhưng do còn nhiều khó khăn, nguồn lực không đủ nên chưa thể thực hiện...

Đường xuống cấp, người dân gặp khó

Tuyến đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông là đường liên xã độc đạo, nối từ Quốc lộ 12 tại Km210+200 đến trung tâm xã Hẹ Muông, có chiều dài khoảng 10km, được đưa vào sử dụng từ năm 2003 với nền đường rộng 5m, mặt đường cấp phối rộng 3m. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện giao thông cao, trong đó nhiều xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa, nông sản khiến đường bị hư hỏng. Nhiều đoạn trên tuyến đường này chi chít "ổ gà", mặt đường trồi, lún, bong tróc từng mảng. Cùng với đó, do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư nên vào những ngày mưa to, đường thường xuyên bị ngập. Mặc dù tuyến đường được định kỳ bảo dưỡng, cấp phối đá dăm, nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể” bởi sau vài đợt mưa là lại trôi hết.

 Tuyến đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông hiện đang xuống cấp, gây khó khăn cho người dân.

Tuyến đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông hiện đang xuống cấp, gây khó khăn cho người dân.

Theo anh Quàng A Sính-một lái xe ở xã Pom Lót (huyện Điện Biên), con đường xuống cấp đã lâu nhưng thời gian gần đây, tình trạng hư hỏng trầm trọng hơn. Nhiều hôm trời mưa, dù có khách quen trong vùng thuê vận chuyển hàng hóa nhưng anh phải lấy lý do để từ chối, bởi có lần chở ngô, xe của anh đã bị mất lái, lao xuống ruộng vì đường quá trơn trượt. Trên đoạn tuyến này còn có cầu treo Co Mỵ dài 90m bắc qua suối Nậm Núa. Đây là công trình giao thông quan trọng với thiết kế cầu treo dây văng, khung sắt, mặt ván gỗ, được xây dựng từ năm 1996. Đến năm 2019, mặt ván gỗ được thay bằng ván thép. Tuy nhiên, hiện cây cầu bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, mỗi khi có xe đi qua, mặt cầu bị rung lắc, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho bà con. Do mặt cầu rộng khoảng 2m nên chỉ xe bán tải hoặc xe tải nhỏ mới có thể lưu thông, còn những xe kích thước lớn phải đi đường tránh tự phát dưới cầu, "đánh liều" vượt suối Nậm Núa để sang bờ bên kia.

Bà Vì Thị Hặc-một người dân sống gần cầu Co Mỵ cho biết, do địa hình suối Nậm Núa dốc nên nếu mưa từ đầu nguồn thì nước dâng lên rất nhanh, nguy cơ xảy ra lũ quét. Vì vậy, nhiều xe tải chở hàng có khi đến được bên kia chân cầu nhưng cũng không thể vượt qua suối. Thậm chí, đã có trường hợp xe tải chở nông sản đang ở giữa dòng thì bị kẹt bánh, phải đợi cả buổi mới có xe kéo lên bờ. “Rất mong chính quyền quan tâm làm một cây cầu mới to hơn, chắc chắn hơn để bà con tham gia giao thông dễ dàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế”, bà Vì Thị Hặc bày tỏ.

Sớm bố trí vốn nâng cấp tuyến đường

Điện Biên là tỉnh còn rất nhiều khó khăn nên chưa cân đối, bảo đảm được kinh phí để đầu tư các dự án bảo vệ, bố trí ổn định dân cư ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, sụt lún, lũ quét... Xuất phát từ tình hình thực tế, ngày 18-7-2023, UBND tỉnh Điện Biên đã có Công văn số 3028/UBND-KTN gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện hai dự án: Dự án kè bảo vệ khu dân cư và đất sản xuất bản Mường Tùng, bản Tin Tốc (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà) và Dự án nâng cấp đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông, với tổng mức đầu tư dự kiến của hai dự án là 180 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lò Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết: "Hiện tuyến đường đã xuống cấp khiến việc đi lại, lao động sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rất trăn trở nhưng vì kinh phí xây dựng, duy tu lớn, vượt quá khả năng của tỉnh và huyện nên chưa thể thực hiện. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, bà con đều kiến nghị, mong muốn tuyến đường nói chung và cầu Co Mỵ nói riêng sẽ sớm được đầu tư sửa chữa, làm mới. Người dân trong khu vực chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Địa phương rất mong các cơ quan chức năng quan tâm sửa chữa, nâng cấp tuyến đường để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội”.

Ông Chu Đình Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên cho biết: “Sau khi được cấp trên xem xét, hỗ trợ nguồn vốn, dự án sẽ nâng cấp tuyến đường theo tiêu chuẩn thiết kế đường giao thông cấp VI-miền núi (TCVN 4054-2005) với hệ thống thoát nước, phòng hộ, an toàn giao thông bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh, góp phần hoàn thiện hệ thống đường giao thông liên xã, kết nối hai trục đường Quốc lộ 12 và 279C, tạo thuận tiện cho công tác cứu hộ-cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và tuần tra bảo vệ rừng, cũng như kết nối điểm du lịch sinh thái động Chua Ta. Đồng thời, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.

Mong muốn sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ C10 xã Sam Mứn đến xã Hẹ Muông của người dân Điện Biên là chính đáng. Mong rằng các cơ quan chức năng cấp trên sớm có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn để địa phương sửa chữa, nâng cấp tuyến đường, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Bài và ảnh: KHÁNH HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dien-bien-mong-som-duoc-ho-tro-sua-chua-nang-cap-duong-737363