Điện Biên Đông tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

ĐBP - Điện Biên Đông là một trong những huyện nghèo của tỉnh. Do đó, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giải quyết các vấn đề về đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Học sinh các trường THCS trên địa bàn huyện Điện Biên Đông tham gia Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống năm 2022.

Năm 2022, Trung ương phân bổ vốn các chương trình MTQG muộn, kéo theo UBND tỉnh giao vốn muộn nên huyện Điện Biên Đông cũng như các huyện, thị xã, thành phố đều gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Tại huyện Điện Biên Đông, tỷ lệ các tiểu dự án, dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp kịp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tổ chức thực hiện rất ít. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp 3 chương trình MTQG: Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt thấp.

Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp khá nhất trong 3 chương trình MTQG tại huyện Điện Biên Đông. Năm 2022, huyện đã tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền và tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; 3 cuộc tuyên truyền về chế độ chính sách cho người có uy tín, với 197 người có uy tín trên địa bàn tham gia; hỗ trợ về nước sinh hoạt phân tán cho 931 hộ nghèo thuộc 14 xã, thị trấn; mở 3 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 180 học viên là trưởng bản, bí thư chi bộ; hỗ trợ 39 lao động dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và hỗ trợ kinh phí cho 19 thôn bản xây dựng thiết chế văn hóa.

Ông Trần Đức Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết: Năm 2022, do nguồn vốn phân bổ muộn, đồng thời có nhiều dự án, tiểu dự án chưa có hướng dẫn cụ thể nên huyện Điện Biên Đông mới triển khai được một số ít hạng mục bằng nguồn vốn sự nghiệp của chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chương trình đạt thấp so với kế hoạch vốn giao. Một số nội dung quan trọng vẫn chưa thực hiện được như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động dân tộc thiếu số; hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển đổi số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trang thiết bị dạy nghề; bình đẳng giới và tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số... Trước những khó khăn đó, Trung ương đã đồng ý chuyển nguồn vốn sự nghiệp sang năm 2023 để các địa phương triển khai, thực hiện. Ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện Điện Biên Đông đã chỉ đạo quyết liệt phòng chuyên môn, UBND các xã thị trấn tập trung triển khai chương trình theo kế hoạch đã phê duyệt. UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thông mới tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn và giải đáp những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số khó khăn về quy định, định mức thực hiện các dự án, tiểu dự án chưa được tháo gỡ. Đơn cử như nội dung hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tại Điểm a, Khoản 5, Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các hạng mục trong dự án nên huyện chưa có căn cứ để thực hiện. Chính vì vậy, đối với nguồn vốn sự nghiệp năm 2023, trước mắt, huyện Điện Biên Đông sẽ tập trung thực hiện những dự án, tiểu dự án đã có đầy đủ hướng dẫn. Đối với những nội dung còn vướng mắc, UBND huyện tiếp tục kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh và các sở ngành sớm tháo gỡ để triển khai.

Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là nội dung hỗ trợ phù hợp với thực tế địa phương và cũng được huyện Điện Biên Đông triển khai hiệu quả. Sau các cuộc tuyên truyền tại thôn, bản và cuộc thi được tổ chức tại trung tâm huyện, UBND huyện đã cho sản xuất thành chương trình phát trên hệ thống loa truyền thanh xã, thị trấn. Đồng thời, in 15 biển tuyên truyền cắm tại trung tâm các xã, thị trấn. Năm 2023, Phòng Dân tộc kết hợp với Hội Phụ nữ, Tư Pháp thành lập tổ công tác để triển khai các mô hình tại thôn bản thuộc các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao như: Xa Dung, Phì Nhừ, Phình Giàng, Pú Hồng; Tìa Dình...

Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: UBND xã chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban của huyện để triển khai hiệu quả tiểu dự án về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đây là nội dung hỗ trợ phù hợp, cấp thiết đối với xã Tìa Dình. UBND xã xác định phải tranh thủ nguồn vốn, sự hỗ trợ của Nhà nước để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Nguồn vốn đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn 3 chương trình MTQG. Hiện nay, huyện Điện Biên Đông đang triển khai thực hiện 20 công trình, dự án đầu tư thuộc nguồn đầu tư của các chương trình MTQG. Song do nguồn vốn phân bổ chậm, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chậm cộng thêm những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng... đến 30/1, tỷ lệ giải ngân vốn mới đạt 23,99% kế hoạch.

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên Đông cho biết: Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ban đã đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực, con người đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã khởi công. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công mới các dự án năm 2023.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/203792/dien-bien-dong-tap-trung-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia