Điện Biên - điểm sáng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Ông Lê Vệ Quốc đánh giá đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Điện Biên đã nỗ lực, cố gắng triển khai sâu rộng, thực chất.

Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biên giới.

Người Đưa Tin (NĐT) đã có những trao đổi với ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) xoay quanh tầm quan trọng của công tác này để pháp luật đi vào cuộc sống, đưa pháp luật đến với người dân.

NĐT: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua đã có nhiều dấu ấn nổi bật, xin ông chỉ rõ hơn vai trò và những kết quả đạt được của công tác này?

Ông Lê Vệ Quốc: Với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tình hình an ninh chính trị cũng như yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng thể hiện vai trò sức quan trọng.

Theo đó, nhờ vào công tác này giúp cho người dân hiểu biết rõ ràng, đầy đủ hơn các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó, nâng cao nhận thức hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng giúp cho đường lối chính sách, thể chế pháp luật của Nhà nước dễ dàng đi vào cuộc sống đầy đủ, sâu sắc, toàn diện có sức lan tỏa trong toàn xã hội. Từ đó, giúp công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đời sống, xã hội được thuận lợi hơn. Bởi, thông tin phải đi trước một bước thì lúc đó người dân “mới biết, mới hiểu, mới tuân theo”.

Ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).

Cũng nhờ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp cho người dân có kiến thức hiểu biết pháp luật nhất định. Từ đó, họ có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình, cũng như bảo vệ quyền lợi của mọi người xung quanh và toàn xã hội. Góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt, đối với những người dân yếu thế, người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng khó khăn như biên giới, hải đảo thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi, ở đó người dân nhìn chung còn có điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện để tự họ có thể tiếp cận thông tin pháp luật một cách chủ động còn hạn chế.

NĐT: Như ông vừa nêu, rõ ràng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đặc biệt ở những vùng khó khăn, biên giới, hải đảo rất quan trọng. Vậy để người dân dễ dàng tiếp cận chính sách pháp luật, theo ông đội ngũ làm công tác này cần chuẩn bị những gì?

Ông Lê Vệ Quốc: Để đưa ánh sáng pháp luật đến với người dân ở từng thôn bản, bản làng ở vùng biên giới, hải đảo xa xôi thì những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có quá trình chuẩn bị, triển khai nhiệm vụ một cách kỹ lưỡng, chu đáo với điều kiện hết sức đầy đủ, công cụ, phương tiện, ngôn ngữ.

Bởi, văn hóa mỗi vùng mỗi khác, mỗi dân tộc mỗi khác và nếu không chuẩn bị tốt thì chúng ta không thể giúp người dân hiểu được những vấn đề chúng ta muốn nói.

Do đó, nhờ vào những người làm công tác pháp luật ở các vùng biên giới, thời gian qua ánh sáng pháp luật đến được với đồng bào dễ dàng hơn, nhanh chóng, đầy đủ, thân thiện hơn. Từ đó, người dân cũng hiểu hơn về chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhờ công tác này đối với đồng bào vùng biên giới đã giúp cho đồng bào tránh được sự nhũng nhiễu của các thông tin từ các thế lực thù địch, Nhờ đó, đồng bào đã trở thành lực lượng tại chỗ bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh biên giới và chủ quyền của tổ quốc.

Đẩy lùi cơ bản nhiều hủ tục

NĐT: Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, ông nhìn nhận như thế nào về công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh những năm qua?

Ông Lê Vệ Quốc: Điện Biên là tỉnh có nhiều đặc thù và là tỉnh biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Mông và Thái, Bộ Tư pháp đã phối hợp nhiều hoạt động với tỉnh Điện Biên. Cụ thể, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những hỗ trợ, chia sẻ với Sở Tư pháp và các cơ quan ban ngành của tỉnh để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Điện Biên là một trong những điểm sáng của các tỉnh Tây Bắc về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng biên giới.

Cùng với đó, đội ngũ những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tỉnh Điện Biên đã rất nỗ lực, cố gắng triển khai công tác này một cách sâu rộng và thực chất, đã đẩy lùi cơ bản được những hủ tục ảnh hưởng đến sự phát triển trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào nói riêng cũng như của tỉnh nói chung.

Nhờ vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tại chỗ ở vùng biên giới những hành vi vi phạm pháp luật trong đó có tội phạm về ma túy, mua bán người ở tỉnh Điện Biên trong thời gian qua giảm rõ rệt.

Hội Luật gia tỉnh Điện Biên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân tại xã Mường Đun huyện Tủa Chùa tháng 6/2014.

NĐT: Theo ông, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở miền núi, vùng biên giới, hải đảo hiện nay còn gặp phải những khó khăn, thách thức gì?

Ông Lê Vệ Quốc: Hiện nay, công tác này cũng gặp những khó khăn thách thức. Đó là để đến được với đồng bào, trò chuyện trực tiếp với đồng bào thì những người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật rất vất vả, trải qua những chặng đường cheo leo, chấp nhận thiếu thốn về vật chất.

Thêm nữa, khi những người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến được với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng biên là phải xác định nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”, phải cùng hoạt động, sinh sống với bà con, “cầm tay chỉ việc” thì mới thấm dần, từ đó đồng bào mới tin, thực hiện.

Tiếp nữa, vấn đề ngôn ngữ và văn hóa của đồng bào thì người làm công tác pháp luật phải hiểu biết ở mức độ tương đối. Phải hiểu văn hóa để lồng ghép được pháp luật vào hoạt động văn hóa của đồng bào, những thông tin pháp luật theo đó mới len lỏi vào trong ngõ ngách cuộc sống hàng ngày của đồng bào.

NĐT: Vậy trong thời gian tới, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được nhân rộng, đi sâu đi sát vào đời sống của người dân, của đồng bào vùng biên giới, hải đảo thì cần có thêm những chính sách khuyến khích đội ngũ những người làm công tác này như thế nào?

Ông Lê Vệ Quốc: Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 279, ngày 4/4/2024 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030”.

Trên thực tế, hiện các sinh viên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành luật rất khó thu hút về làm việc tại các vùng biên giới, hải đảo. Do đó, cố gắng trong thời gian tới sẽ có những chính sách thực sự hữu hiệu, thực chất để thu hút lực lượng sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số, được đào tạo chuyên ngành Luật. Khi lực lượng này trở về quê hương thì họ chính là lực lượng nòng cốt tại chỗ và mang tính bền vững để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo nguyên tắc “mưa dầm thấm lâu”.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông!.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dien-bien-diem-sang-trong-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-a659460.html