ĐIỆN BIÊN: ĐẢM BẢO TINH GIẢN BIÊN CHẾ, THU HÚT NGƯỜI CÓ TRÌNH ĐỘ LÀM VIỆC TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Nhận định về việc quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, tỉnh đã quản lý, sắp xếp người làm việc theo đúng nhu cầu, vị trí việc làm, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh. Việc thu hút người có trình độ cao được quan tâm chú trọng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập...

Thực hiện Nghị quyết quyết định số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc làm Đoàn giám sát và Kế hoạch số 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn Giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 162/NQ-ĐĐBQH ngày 10/11/2023 của Đoàn ĐBQH Tỉnh ủy thành lập Đoàn giám sát; Kế hoạch số 163/KH-ĐGS ngày 10/11/2023 của Đoàn giám sát chuyên gia giám sát “Thực hiện chính sách, luật pháp về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá việc quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, hiện nay, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên tại tỉnh Điện Biên là 20.612 người. So với năm 2015 số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 3072 người, giảm 13,40%; so với năm 2017 giảm 2346 người, giảm 10,57%; so với năm 2021 giảm 739 người, giảm 3,59%. Số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 265 người.

Quản lý, sắp xếp người làm việc theo đúng nhu cầu, vị trí việc làm, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh

Tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện quản lý, sử dụng biên chế viên chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch biên chế viên chức, số lượng người làm việc, hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tổng hợp, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định số lượng người làm việc, hợp đồng lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương, trình HĐND tỉnh phê duyệt; ban hành Quyết định giao số lượng người làm việc cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Các đơn vị được giao biên chế đã thực hiện quản lý, sắp xếp người làm việc theo đúng nhu cầu, vị trí việc làm, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sử dụng có hiệu quả biên chế, đảm bảo không vượt quá chỉ tiêu được giao; không sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ lĩnh vực giáo dục và đào tạo). Năm học 2024-2025, HĐND tỉnh Điện Biên đã quyết định số lượng hợp đồng lao động thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP là 434 chỉ tiêu.

Về việc tinh giản biên chế: Giai đoạn 2015-2021, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 2152/KH-UBND ngày 10/6/2015 về tinh giản biên chế trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021 và Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 với mục tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế giao cho tỉnh so với năm 2015; quan tâm chỉ đạo việc cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Trong giai đoạn 2022-2026, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 12/12/2022 về quản lý, sử dụng và tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, trong đó xác định số lượng biên chế hàng năm của từng cơ quan, đơn vị và xác định lộ trình thực hiện tinh giản biên chế để đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm tối thiểu 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Kết quả là giai đoạn 2016-2021, tỉnh Điện Biên đã giảm được 2.187 biên chế viên chức, giảm 9,65% cơ bản đạt mục tiêu đề ra; trong đó có 1.159 viên chức thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng chính sách theo quy định (trong đó: dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự 77 người; dôi dư do cơ cấu lại đội ngũ 67 người; do chưa đạt trình độ đào tạo theo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ 95 người; do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm 18 người; do xếp loại chất lượng hàng năm 859 người; do sức khỏe không hoàn thành nhiệm vụ 43 người).

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Điện Biên đã giảm được 1.021 biên chế viên chức so với năm 2021, giảm 4,99%; trong đó có 142 viên chức thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng chính sách theo quy định (trong đó: do chưa đạt trình độ đào tạo theo chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ 30 người; do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm 05 người; do xếp loại chất lượng hàng năm 76 người; do sức khỏe không hoàn thành nhiệm vụ 31 người). Việc thực hiện về số lượng lãnh đạo cấp phó do thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó sau khi sáp nhập, hợp nhất…

Thực hiện các Kết luận, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị, về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ; quản lý, sử dụng, tinh giản biên chế; sắp xếp lại và tạm dừng bổ nhiệm mới cấp phó tại các phòng, ban, đơn vị. Căn cứ quy định khung số lượng cấp phó các đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và trên cơ sở phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đồng thời phê duyệt số lượng cấp phó của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.

Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 905 lãnh đạo cấp phó của các đơn vị sự nghiệp công lập, so với năm 2015 giảm 264 người, giảm 22,58%, so với năm 2017 giảm 175 người, giảm 16,2%, so với năm 2021 giảm 63 người, giảm 6,51%.

Thu hút người có trình độ cao được quan tâm chú trọng

Đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Việc thực hiện đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại tỉnh Điện Biên đã đạt được một số kết quả tích cực, cụ thể: UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; chỉ đạo thực hiện tuyển dụng gắn với vị trí việc làm và lộ trình tinh giản biên chế; phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ viên chức nói riêng.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến.

Việc thu hút người có trình độ cao được tỉnh quan tâm chú trọng, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi học và chính sách thu hút người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Từ năm 2012 đến năm 2023 đã thu hút được là 08 người có trình độ Thạc sĩ vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó: ngành Giáo dục và Đào tạo 06 người; ngành Y tế 02 người.Đối với viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể, tỉnh Điện Biên đã có các cơ chế, chính sách phù hợp như: Tạo điều kiện cử viên chức đi đào tạo lại; sắp xếp, điều chuyển viên chức sang các cơ quan, đơn vị khác nếu đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện tinh giản biên chế, tạo điều kiện cho cá nhân liên hệ chuyển công tác;... Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng Đề án vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức đảm bảo vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 65%.

UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, nhu cầu bố trí, sử dụng viên chức theo thực tế. Địa phương luôn chú trọng tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, viên chức tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm; hoàn thiện các tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức,... góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ và xu hướng hội nhập trong tình hình mới. Giai đoạn 2018-2023, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 129.745 lượt viên chức.

Vẫn tồn tại một số hạn chế

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, những kết quả đạt được của tỉnh Điện Biên trong công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là do công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện theo đúng quy định với lộ trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể được đề ra theo từng giai đoạn và từng năm. Việc tinh giản biên chế qua nhiều năm triển khai đã có sự thống nhất về nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương và của viên chức, người lao động khi tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Điện Biên vẫn tồn tại một số hạn chế. Đó là là do việc giao chỉ tiêu giảm 10% biên chế trên số lượng biên chế hiện có cho tất cả các địa phương, đơn vị trong cả nước mà chưa tính đến yếu tố đặc thù (khó khăn về hạ tầng kinh tế - xã hội; khoảng cách địa lý; hạ tầng giao thông; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa dịch vụ công…) là chưa thực sự phù hợp.

Việc tuyển dụng một số vị trí việc làm trên địa bàn tỉnh còn khó khăn do không thu hút được người tham gia dự tuyển, dẫn đến tình trạng một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa sử dụng hết số biên chế được giao. Quy định về đánh giá viên chức hằng năm để làm căn cứ thực hiện tinh giản biên chế chưa hoàn thiện, chưa được lượng hóa, nên việc đánh giá, phân loại viên chức hàng năm để đưa ra khỏi đội ngũ những người 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ chưa thực chất.

Sau sắp xếp, tổ chức lại một số đơn vị do sáp nhập đầu mối dẫn đến số lượng cấp phó cao hơn quy định. Các cơ quan chủ quản đã có phương án sắp xếp, điều chuyển để đảm bảo số lượng cấp phó theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP. Do tính chất đặc thù của các đơn vị sự nghiệp y tế, các khoa chuyên môn phải bố trí các chức danh lãnh đạo khoa, điều dưỡng trưởng, kỹ thuật y trưởng, nên số viên chức không giữ chức vụ tham gia làm chuyên môn sẽ giảm. Biên chế viên chức làm chuyên môn chưa được bổ sung. Việc tuyển dụng viên chức chuyên môn y tế trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khó khăn, nhất là các đơn vị thuộc vùng sâu, vùng xa, dẫn đến một số đơn vị có cơ cấu viên chức làm chuyên môn, nghiệp vụ chưa đạt tỷ lệ 65% theo quy định.

Tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP quy định việc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành văn bản hướng dẫn về “vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý”. Tuy nhiên đến nay, các bộ chuyên ngành mới ban hành các văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm, chưa có hướng dẫn về định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số ngành như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo), nên các cơ quan, đơn vị khi xây dựng vị trí việc làm chưa có căn cứ để xác định định mức số lượng người làm việc; có những vị trí công việc viên chức đang làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng trong thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành chưa được xác định, chưa có tên, chưa hướng dẫn; Chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định tính chất, mức độ phức tạp của công việc nên quá trình xây dựng vị trí việc làm khó khăn trong việc xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến nhận định: Do khó khăn trong cân đối ngân sách nên chế độ chính sách thu hút người có trình độ cao vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn thấp, chưa đủ hấp dẫn để thu hút người có trình độ cao đến công tác tại tỉnh.

Việc dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo của một số cơ quan, đơn vị chưa bám sát định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực. Việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng một số trình độ, chuyên ngành đối với viên chức còn khó khăn do các trường trên địa bàn không đủ năng lực mở lớp; phải liên kết đào tạo với các trường đại học tại Hà Nội khi đảm bảo các điều kiện theo quy định và có đủ số lượng người đăng ký tham gia; một bộ phận viên chức, người lao động phải về Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố khác để học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên khó khăn về kinh phí và bố trí thời gian học tập.

Với những hạn chế trên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến đề nghị các Bộ ngành, cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, đề xuất, bố trí tăng nguồn ngân sách nhà nước và đổi mới việc phân bổ ngân sách cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước; phân bổ cho địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách. Bên cạnh đó là đẩy mạnh cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường thu hút nguồn lực để thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công ở những nơi có đủ điều kiện./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=85274