Điện Biên chung tay đẩy lùi tà đạo (1)

Sự du nhập và phát triển của các tôn giáo kéo theo việc hình thành một số tà đạo, hiện tượng tín ngưỡng mới có nguồn gốc từ nước ngoài và một số địa phương trong nước vào địa bàn tỉnh Điện Biên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự (ANTT). Trước thực tế đó, cả hệ thống chính trị, lực lượng chức năng và cộng đồng các dân tộc đã chung tay, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá của các phần tử xấu, đối tượng quá khích, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật; từng bước đấu tranh đẩy lùi tà đạo ra khỏi địa bàn; đưa người dân trở lại với đạo chính thống đã được Nhà nước công nhận.

Bài 1: Bản chất của tà đạo

Quá trình xâm nhập, phát triển, hoạt động của các tà đạo, loại hình tín ngưỡng, tôn giáo mới đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng như truyền bá quan niệm, lối sống lệch lạc trái ngược với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đây là những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phức tạp về ANTT trên địa bàn.

Anh Vừ A Dếnh, Trưởng bản Huổi Meo (đầu tiên bên phải) chia sẻ về chiêu trò của các đối tượng xấu, lôi kéo dân bản theo tà đạo “Giê Sùa”.

Tác động tiêu cực của tà đạo

Điện Biên có 4 tôn giáo đang hoạt động, tuân thủ pháp luật là Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cơ đốc phục lâm Việt Nam. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số tà đạo, đạo lạ hoạt động gây mất ổn định tình hình an ninh tôn giáo. Trong đó phải kể đến như: “Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ”; “Ân điển cứu rỗi”; “Đức Chúa trời toàn năng”; “Pháp môn diệu âm”; “Tín ngưỡng tâm linh Hồ Chí Minh” (Hoàng Thiên Long); “Đoàn Từ thiện tâm đạo Hồ Chí Minh” (Long Hoa Hội); tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ”. Các tà đạo, đạo lạ đã lôi kéo, thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn. Đáng chú ý, tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ” gieo rắc tư tưởng ly khai, tự trị và kêu gọi người Mông tham gia lập “Nhà nước riêng”, gây phức tạp về ANTT.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi từ hơn 1 năm trước, song chúng tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của anh Vừ A Dếnh, Trưởng bản Huổi Meo, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà khi nói về các chiêu trò của các đối tượng xấu, lôi kéo dân bản theo tà đạo “Giê Sùa”. Đó là khoảng thời gian cách đây 4 năm về trước, bản Huổi Meo bị các đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo và dụ dỗ khiến 19 hộ, 130 khẩu theo tà đạo “Giê Sùa”. Bằng các chiêu trò thông qua tuyên truyền trực tiếp hoặc qua internet, các đối tượng dụ dỗ người dân rời bỏ tôn giáo được Nhà nước công nhận và chính quyền địa phương chấp thuận cho đăng ký sinh hoạt điểm nhóm (Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam) để theo tà đạo; làm rạn nứt khối đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Trưởng bản Vừ A Dếnh chia sẻ: “Tà đạo “Giê Sùa” có một số điều, bài giảng liên quan đến vi phạm pháp luật và chưa được Nhà nước công nhận nên mình là công dân của Việt Nam, bản thân mình cũng như dân bản không được phép vi phạm các quy định… Bởi Nhà nước đã ban hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, mình đã nhận ra cái không đúng và quay trở lại theo đạo chính thống. Sau khi hiểu rồi, mình lại phân tích cho dân bản biết cái đúng, cái sai, giúp họ hiểu mà từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”, không nghe theo lời kẻ xấu nữa…”.

Không chỉ ở bản Huổi Meo, cuối năm 2018, đầu năm 2019, các đối tượng trong tổ chức “Giê Sùa” đã tham gia và hoạt động tích cực trong tổ chức phản động tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Tuần Giáo. Tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ” tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự coi mình là tôn giáo chính thống còn các tôn giáo khác là tà giáo, phỉ báng phong tục truyền thống của người dân tộc thiểu số, tuyên truyền gây chia rẽ giữa người Mông với các dân tộc khác, kêu gọi người dân không cho con em đi học, không chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, không làm căn cước công dân, không nhận các chính sách hỗ trợ khó khăn...

Giai đoạn 2021 - 2022, một số đối tượng cốt cán trong tổ chức “Bà cô Dợ” đã tuyên truyền, kêu gọi người dân không tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 với luận điệu “Vi rút Covid-19 là mầm bệnh do con người tạo ra để giết hại lẫn nhau và sản xuất ra vắc xin tiêm vào người sẽ làm chết nhiều người hơn, yêu cầu mọi người không được tiêm vắc xin phòng chống Covid-19” hay “Chúa dạy rằng, chính quyền sẽ dùng thuốc tiêm chủng, tiêm phòng cho trẻ em người dân tộc Mông, đến khi trẻ em người Mông được khoảng 5 tuổi trở lên sẽ giảm sự phát triển về trí nhớ, trí thông minh”. Luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước của tà đạo đã ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng Vừ Thị Dợ tuyên truyền, sinh hoạt tà đạo “Bà cô Dợ” qua ứng dụng zoom. (ảnh khai thác)

Tà đạo biến tướng trên không gian mạng

Do âm mưu chống phá Nhà nước ta, các thế lực thù địch, bọn phản động đã lợi dụng vấn đề về tín ngưỡng tôn giáo tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo tín đồ vào các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, hiện nay, các đối tượng lợi dụng triệt để không gian mạng như một phương tiện để truyên truyền lôi kéo.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, hoạt động tôn giáo trên mạng xã hội ngày càng trở nên phong phú, đa dạng. Bên cạnh những hoạt động của các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo có đường hướng hoạt động “tốt đời, đẹp đạo” đã xuất hiện các loại tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước.

Đại tá Tạ Văn Dương, Trưởng phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) cho biết: Việc tuyên truyền tà đạo trên mạng xã hội được các đối tượng theo tà đạo triệt để lợi dụng do tính mở của môi trường không gian mạng, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, không gian, thời gian; có thể tiếp cận cùng lúc đến nhiều người, ở nhiều quốc gia. Các đối tượng tuyên truyền có thể hoạt động ẩn danh, khó bị phát hiện, xử lý. Nhất là khi các lực lượng chức năng đã tổ chức đấu tranh quyết liệt, giải tán các điểm sinh hoạt tà đạo tập trung đông người trái pháp luật nên các đối tượng chuyển hướng hoạt động trên không gian mạng nhằm tránh sự phát hiện. Nổi lên là đối tượng Vừ Thị Dợ tuyên truyền, sinh hoạt tà đạo “Bà cô Dợ” qua ứng dụng zoom; đối tượng Sùng Sính lợi dụng không gian mạng xã hội tuyên truyền về tà đạo “Cá Mềnh”… Để ngăn chặn, hạn chế tác động, ảnh hưởng của các tà đạo trên không gian mạng, lực lượng công an đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trên không gian mạng, nhất là quản lý các hoạt động tôn giáo, kịp thời phát hiện, tấn công, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền tà đạo. Triển khai các biện pháp đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội để hoạt động mê tín dị đoan, tà đạo. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động tôn giáo trên các trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Biên soạn, đăng tải các bài viết đấu tranh phản bác lại các luận điệu tuyên truyền tà đạo để người dân nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, từ đó không tin theo… Qua đó tạo “sức đề kháng” cho bà con, không để bị kích động, lôi kéo theo các tà đạo, tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp đang hoạt động mạnh trên không gian mạng.

Bài 2: Lấy tuyên truyền làm then chốt

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/bao%20ve%20tu%20tuong/209618/dien-bien-chung-tay-day-lui-ta-dao-1