Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 5/4

24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Phần Lan gia nhập NATO và Nga xác nhận cung cấp hệ thống tên lửa Iskander-M cho Belarus.

Lực lượng phòng không Nga đánh chặn tên lửa HIMARS và UAV Ukraine: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Igor Konashenkov, cho biết, lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn 3 quả rocket thuộc hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất và phá hủy 3 phương tiện bay không người lái của Ukraine.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS. Ảnh: DW

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS. Ảnh: DW

“Các lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn 3 tên lửa của hệ thống HIMARS, đồng thời phá hủy 3 máy bay không người lái của Ukraine ở các khu vực gần khu định cư Krasnogorovka ở tỉnh Donetsk và Kakhovka ở vùng Kherson”, ông Konashenkov nói vào tối 4/4 (giờ địa phương).

Tổng thống Nga: Tăng thu nhập thực tế của người dân là nhiệm vụ số 1: Ngày 4/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Nhà máy Kỹ thuật Đường sắt Tula. Nói chuyện với các công nhân, ông tuyên bố, tăng thu nhập thực tế và cải thiện phúc lợi của người dân là nhiệm vụ số 1 của nhà nước.

Trả lời câu hỏi của công nhân về giá hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh, ngay cả hàng hóa trong nước cũng tăng giá, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Câu hỏi thực sự là then chốt nhất cho cả nước, đối với bất kỳ người lao động nào, mức độ phúc lợi, thu nhập. Đối với nhà nước, đây là nhiệm vụ số 1 để thu nhập của các gia đình Nga đáp ứng yêu cầu hiện đại và xứng đáng”.

Mỹ thông báo sẽ nhanh chóng huấn luyện binh sỹ Ukraine vận hành xe tăng Abrams: Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ ngày 4/4 cho biết, Mỹ sẽ nhanh chóng huấn luyện các binh sỹ Ukraine sử dụng xe tăng M1-A1 Abrams.

Phát biểu với báo chí, quan chức này cho biết: “Việc đào tạo các binh sỹ Ukraine vận hành xe tăng M1-A1 Abrams vẫn chưa bắt đầu. Chúng tôi vẫn đang tiến hành mua sắm trang thiết bị nên chưa thể thực hiện khóa đào tạo, nhưng điều này sẽ diễn ra tương đối sớm”.

Quan chức này cho biết Mỹ đã huấn luyện hơn 7.000 binh sĩ Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Mỹ có kế hoạch gửi 31 xe tăng M1-A1 tới Ukraine. Tuy nhiên, Washington cho rằng, việc cung cấp xe tăng này cho Ukraine sẽ mất nhiều thời gian. Ngay sau thông báo trên, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết: “Chúng tôi không có sẵn những chiếc xe tăng này trong kho dự trữ”.

Nga xác nhận cung cấp hệ thống tên lửa Iskander-M cho Belarus: Bộ trưởng Quốc phòng Nga ngày 4/4 thông báo Belarus đã nhận được hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật (OTRK) Iskander-M của Nga. Hệ thống này có thể sử dụng cả tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân.

Phát biểu trong trong cuộc điện đàm với chỉ huy các lực lượng vũ trang nước này, ông Shoigu nói rằng, việc huấn luyện binh sỹ Belarus sử dụng hệ thống tên lửa Iskander bắt đầu được tiến hành vào ngày 3/4 tại một trong những cơ sở huấn luyện của quân đội Nga. Ông Shoigu tiết lộ một số máy bay quân sự của Minsk hiện có thể phóng tên lửa hạt nhân vào “các địa điểm thù địch”.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trước đó xác nhận rằng nước này đã tái trang bị máy bay chiến đấu Su-24 của Belarus để mang vũ khí hạt nhân. Theo ông Lukashenko, Moscow đã hỗ trợ Belarus hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu để có thể mang loại vũ khí này.

Nga sẽ đáp trả như thế nào trước việc Phần Lan gia nhập NATO? Ngày 4/4, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, điều này buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh, “cả về mặt chiến thuật và chiến lược".

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ dẫn đến tình hình thêm trầm trọng và đây cũng là sự xâm phạm lợi ích của Nga. Điều này buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh, “cả về mặt chiến thuật và chiến lược".

Ông giải thích rằng, tình hình gia nhập NATO của Phần Lan khác với Ukraine, tuy nhiên, “điều này không thể không ảnh hưởng đến bản chất của quan hệ song phương với những quốc gia trở thành thành viên mới của liên minh. Liên minh này vẫn là một cấu trúc không thân thiện và theo nhiều cách là thù địch với Liên bang Nga”.

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow “sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa, cả về quân sự-kỹ thuật và các biện pháp khác để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.

“Tư cách thành viên NATO của Phần Lan không trọn vẹn khi thiếu Thụy Điển”: Phát biểu tại buổi lễ thượng cờ chiều ngày 4/4 tại trụ sở NATO ở Brussels ghi nhận việc Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho rằng tư cách thành viên của nước này không trọn vẹn khi Thụy Điển chưa được gia nhập NATO.

Buổi lễ thượng cờ đánh dấu việc Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO tổ chức chiều ngày 4/4 tại trụ sở NATO ở Brussels dưới sự chứng kiến của các quan chức lãnh đạo cấp cao NATO, Phần Lan và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trao thư của NATO mời Phần Lan gia nhập liên minh quân sự, Ngoại trưởng Phần Lan, Pekka Haavisto cũng chính thức chuyển giao tài liệu gia nhập NATO của Phần Lan cho ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, quốc gia được NATO trao nhiệm vụ lưu trữ các tài liệu pháp lý về tư cách thành viên của các quốc gia trong liên minh.

Tổng thống Ukraine Zelensky thăm Ba Lan: An ninh, hợp tác kinh tế và các vấn đề liên quan tới cuộc xung đột hiện nay sẽ là trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ba Lan và Ukraine diễn ra tại thủ đô Warsaw trong ngày 5/4.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có chuyến thăm tới Ba Lan trong ngày 5/4. Ngoài các cuộc gặp với Tổng thống Andrzej Duda và Thủ tướng Mateusz Morawiecki, ông cũng sẽ có bài phát biểu với người dân địa phương bao gồm cả người Ukraine sống ở Ba Lan.

Người đứng đầu Văn phòng Chính sách Quốc tế của Tổng thống Ba Lan, Marcin Przydacz, cho biết chuyến thăm của tổng thống Ukraine cùng với phu nhân tới Ba Lan là chuyến thăm chính thức đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Ukraine tới Ba Lan kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Ông cũng cho biết thêm các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào quan hệ hợp tác kinh tế và các chính sách an ninh quốc phòng giữa hai quốc gia./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-54-post1012100.vov