Điện Bàn: Trên 63 trang trại tổng hợp doanh thu hàng tỷ đồng/năm

Phong trào nông dân (ND) thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) trong thời gian qua đã góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ thật sự hiệu quả. Qua phong trào, hàng ngàn hộ ND ở Điện Bàn vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Nhiều mô hình cho thu nhập cao

Ông Nguyễn Văn Thừa – Chủ tịch Hội ND thị xã Điện Bàn cho biết, gần 3 năm qua (2014-2017), phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững trong ND được tiếp tục giữ vững và phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong những thành tựu đạt được của thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới này, phải kể đến những thành công kế tiếp của phong trào ND thi đua SXKDG, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế thị xã theo hướng công nghiệp hàng hóa…

Tại các xã ở Điện Bàn đã hình thành một số cánh đồng chuyên canh cây màu quy mô lớn, các vùng chuyên canh cây bắp lai, bắp ngọt, cây ớt, đậu, dưa hấu… cho giá trị kinh tế từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Ảnh: Đ.H

Ông Nguyễn Văn Thừa cho hay, thời gian đến, Hội ND các cấp chủ động nâng cao vai trò trách nhiệm của mình, chú trọng đào tạo và dạy nghề, hỗ trợ ND liên kết liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Phấn đấu tăng từ 10 - 15% số hộ NDSXKD giỏi các cấp, mỗi chi hội ND phấn đấu giúp đỡ xóa từ 1- 2 hộ thoát nghèo/năm...

Việc xây dựng và hình thành các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Điện Bàn tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng, cả diện tích lẫn sản lượng các loại cây trồng hàng năm. Hiện nay, thị xã Điện Bàn đã có gần 1.000ha đất lúa được quy hoạch, chỉnh trang; hàng chục cánh đồng chuyên canh cho năng suất, sản lượng cao, thu nhập của ND từ trồng lúa ổn định và có lãi.

Đặc biệt, tại các xã đã hình thành một số cánh đồng chuyên canh cây màu quy mô lớn, các vùng chuyên canh cây bắp lai, bắp ngọt, cây ớt, đậu… đều cho giá trị kinh tế từ 100 - 120 triệu đồng/ha năm tại 3 xã Gò Nổi, Điện Thọ, Điện Phước. Có hàng trăm mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với mô hình chăn nuôi bò lai tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh ở các xã vùng Gò Nổi, Điện Hồng…, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như các hộ Phan Xang, Dương Hiển Minh, Lê Văn Mười…

Hay như mô hình gia trại chăn nuôi lợn, gà hiệu quả của các hộ Phan Tấn Vũ, Phan Thị Luyến, Nguyễn Như Long… cùng hàng trăm hộ nuôi thỏ, bồ câu lai nhốt lồng, chim cút lấy trứng ở các xã Điện Thắng, Điện Phương, Điện Minh, Điện Ngọc... có thu nhập từ 80 - 150 triệu đồng/hộ/năm.

Hiện tại ở Điện Bàn có trên 63 mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp như bò, lợn, gà, cút… Doanh thu hàng năm từ 1,5- 3 tỷ đồng, lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng/trang trại/năm, tiêu biểu như các hộ Trần Trí, Nguyễn Văn Tàu, Hà Văn Dũng, Nguyễn Đăng Quốc Chính, Thân Vĩnh Trịnh... Các trang trại này giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định.

Điện Bàn hiện có diện tích nuôi cá nước ngọt trên 146ha, với trên 200 mô hình nuôi cá diêu hồng, cá rô đầu vuông, cá diếc, trê lai, cá tràu lồng trên ao, lươn, ếch trong bể xi măng… đem lại hiệu quả khá cao từ 150- 400 triệu đồng/mô hình/năm. Mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển vườn kinh tế được duy trì, đến nay toàn thị xã có diện tích vườn được cải tạo trên 1.600ha. Các mô hình vườn kinh tế kết hợp với trồng rau củ quả theo hướng an toàn, được nhân rộng cho giá trị kinh tế từ 100 – 250 triệu đồng/năm.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào

“Kết quả đạt được trong phong trào NDSXKDG của Điện Bàn trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, sự quản lý điều hành có hiệu quả của chính quyền, của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở đã triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm cho nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất… Sự lãnh đạo, chỉ đạo đó đã tác động trực tiếp đến ý chí vươn lên làm giàu của đại bộ phận ND…” – ông Nguyễn Văn Thừa khẳng định.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Út – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, phong trào ND SXKDG ở Quảng Nam nói chung và thị xã Điện Bàn nói riêng đã thực sự có sức sống trong thực tế, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đông đảo bà con ND, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Út, đối với thị xã Điện Bàn, là một địa phương có nhiều lợi thể về nguồn lực, đất đai màu mỡ, người dân cần cù, năng động trong sản xuất, các cấp Hội ND phối hợp rất tốt với các ngành liên quan đã chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện phong trào đồng bộ, hiệu quả. Thể hiện cụ thể làcác mô hình SXKDG quy mô ngày càng lớn hơn, mục tiêu các mô hình đang hướng đến một nền sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn đối với các loại nông sản hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng...

Đoàn Hồng – Trần Hậu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/dien-ban-tren-63-trang-trai-tong-hop-doanh-thu-hang-ty-dong-nam-802284.html